Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp vào quá trình xử lý vi phạm giao thông

Thủ tướng yêu cầu nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 10 về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.

Xử lý trách nhiệm người có liên quan đến tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, sai phạm, tiêu cực của các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông, lực lượng thực thi pháp luật về giao thông, chính quyền địa phương và các lực lượng khác có liên quan đến đầu tư xây dựng, quản lý hành lang an toàn giao thông.

"Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để tình hình trật tự an toàn giao thông xảy ra phức tạp trên địa bàn do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý. Tất cả các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra phải được xem xét, cá thể hóa, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan", theo Chỉ thị.

Hiện trường vụ tai nạn xảy ra tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam ngày 14/2, giữa ô tô khách và ô tô đầu kéo khiến 10 người tử vong, 11 người bị thương.

Hiện trường vụ tai nạn xảy ra tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam ngày 14/2, giữa ô tô khách và ô tô đầu kéo khiến 10 người tử vong, 11 người bị thương.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong quá trình xử lý các vi phạm pháp luật về giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tất cả các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Chỉ thị cũng chỉ rõ việc nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng; nghiêm cấm lực lượng chức năng "xuê xoa", bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức.

Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị. Cương quyết khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm và đối tượng chống người thi hành công vụ.

Quý 2 hoàn thành tổng kiểm soát ô tô kinh doanh vận tải

Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trình Quốc hội xem xét, thông qua.

"Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ Giao thông Vận tải và UBND các địa phương tổ chức tổng kiểm soát ô tô kinh doanh vận tải hành khách, ô tô vận tải container trên toàn quốc (hoàn thành trong quý 2/2023)", Chỉ thị nêu rõ.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an xây dựng Đề án tổng thể về định danh biển số xe ô tô và hạn chế đăng ký phương tiện cá nhân, báo cáo Chính phủ trong quý 4/2023.

Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, tập trung xử lý những hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Thực hiện thường xuyên, quyết liệt việc kiểm soát nồng độ cồn của người tham gia giao thông. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để đổi mới mạnh mẽ, căn bản phương thức hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm.

Bộ Công an phối hợp Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu sửa đổi các quy định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo hướng tăng nặng mức, hình thức xử phạt, nhất là người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn; nhóm các hành vi do lỗi cố ý, vi phạm nhiều lần trong khoảng thời gian nhất định…; bổ sung các hình thức xử phạt hành chính như bắt buộc lao động công ích, trừ điểm giấy phép lái xe…; phối hợp Bộ Y tế, Bộ Tư pháp nghiên cứu quy định thu hồi Giấy phép lái xe đối với người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy.

Bộ Công an phối hợp Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu sửa đổi các quy định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo hướng tăng nặng mức, hình thức xử phạt, nhất là người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn.

Bộ Công an phối hợp Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu sửa đổi các quy định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo hướng tăng nặng mức, hình thức xử phạt, nhất là người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn.

Chấn chỉnh công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; rà soát, hoàn thiện các tiêu chuẩn, điều kiện về cơ sở vật chất đối với các cơ sở đào tạo lái xe; có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, chấm dứt tình trạng cấp Giấy phép lái xe cho người nghiện ma túy, người không đủ năng lực, hành vi, sức khỏe; đề xuất giải pháp quản lý lái xe sau đào tạo.

Chỉ thị cũng yêu cầu nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm, kiểm định phương tiện; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo, sát hạch, quản lý lái xe và công tác đăng kiểm phương tiện.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với UBND các địa phương tổ chức tổng rà soát các "điểm đen", "điểm tiềm ẩn" tai nạn giao thông và các bất hợp lý trong tổ chức giao thông trên toàn quốc để đề ra phương án, kế hoạch, lộ trình giải quyết khắc phục (hoàn thành trong quý 2/2023)...

Anh Văn

Nguồn VTC: https://vtc.vn/nghiem-cam-can-bo-dang-vien-can-thiep-vao-qua-trinh-xu-ly-vi-pham-giao-thong-ar766976.html