Ngôi đình 2.000 năm tuổi ở Hà Nam thờ 2 vị nữ thần nào?
Đình Phù Thụy (xã Thi Sơn, Kim Bảng, Hà Nam) vừa được nhà nước xếp hạng di tích Quốc gia, thờ 2 vị nữ thần thành hoàng làng...
Ngày 7/11, Sở VH-TT&DL Hà Nam cho biết, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL vừa cấp Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia với Đình Phù Thụy (xã Thi Sơn).
Đây là 1 trong 15 di tích vừa được xếp hạng Quốc gia dịp này, tại Hà Nội, Hưng Yên, Hà Tĩnh... và là di tích duy nhất trên địa bàn Hà Nam.
Đình Phù Thụy là nơi thờ hai vị nữ thần thành hoàng làng: Dương cảnh thành hoàng Lý Bà công chúa và Ngọc phả nữ tướng tiền nhiệm Đại vương thái trưởng công chúa Công thần triều Trưng Nữ Vương.
Ngôi đền được xây dựng khoảng trên dưới 2.000 năm nay, có bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc. Đến nay, các thế hệ người dân Kim Sơn luôn cẩn thận lưu giữ các văn bản, sắc phong qua các triều đại về hai nữ thành hoàng làng này.
Theo lịch sử truyền lại, nữ thành hoàng làng Dương cảnh thành hoàng Lý Bà công chúa có tên húy Quang Nương, tên thường gọi Lý (sau này gọi Lý Bà), sinh năm 245 trước công nguyên.
Khi còn sống, bà được An Dương Vương nạp vào cung và phong chức Cung phi thứ 8, Lý bà Công chúa... Chung sống 10 năm, bà Lý không có con nên được vua thiết lập một cung ở Phù Viên để bà Lý trở về bản quán ở đó.
Tại đây, bà thường xuất tiền của Vua cho để hỗ trợ người già yếu, bày cho dân nghề buôn bán... khiến khu vực này dần phát triển, no đủ, người dân hiểu sâu về thuần phong mỹ tục, ca ngợi bà Lý.
Bà qua đời năm 209 trước công nguyên, hưởng thọ 36 tuổi, được Vua An Dương Vương an táng và cho xây miếu trên quê nhà. Trải qua các triều đại Đinh, Lê, Lý và Trần khi các nhà vua mở sáng cơ đồ Hồng Lạc, bà đều giúp nước cứu dân nên được tặng phong thêm nhiều mỹ tự.
Vua Lê Anh Tông (trị vì 1556 đến năm 1573 thụy phong bà giữ nguyên chức vị Đương cảnh thành hoàng Lý Bà công chúa, xếp hạng trung đẳng thần...
Tại Đình Phù Thụy, dân làng thờ kính Thượng đẳng thần Nữ tướng Quyền nhiệm Đại Vương Thái Trưởng công chúa. Bà có tên húy Cao Dung, hiệu Thái Trưởng, tên thường gọi Bà Dung, sinh năm 15 sau công nguyên. Bà là chị em kết nghĩa với bà Trưng Trắc và Trưng Nhị.
Năm 40 sau công nguyên, bà Trưng Trắc tấn phong bà Dung làm Quyền nhiệm Đại vương rồi chia nhau chỉ huy quân tiến đánh Tô Định, khiến quân này tháo chạy về nước Tàu. Bà Trưng Trắc lên ngôi vua, tự lập là Trưng Vương và tấn phong bà Dung làm Quyền nhiệm Đại Vương Thái Trưởng công chúa, cho hưởng lộc ấp 1 vạn hộ dân.
1 năm sau (41 sau công nguyên), nhà Hán thấy bà Trưng Trắc xưng vương lên đem 30 vạn quân Hán sang xâm chiếm nước ta. Trưng Vương lệnh cho Quyền nhiệm Đại Vương Thái Trưởng công chúa đem 2 vạn quân lên Lạng Sơn ứng chiến. Trưng Vương sau đó cũng kéo hết binh lính đến kháng cự với Mã Viện. Quân ta đánh nhau với quân địch hơn 1 năm thì yếu thế nên phải rút lui về Cẩm Khê.
Tại Cẩm Khê, năm 43 sau công nguyên, sau một thời gian dài bị quân địch vây hãm, quân sĩ ta hy sinh gần hết, còn lại chưa đầy 3 phần 10, lương thảo cạn kiệt và không được quân cứu viện. Trưng Vương, Trưng Nhị và bà Dung đánh một trận sinh tử với giặc và anh dũng hi sinh.
Đền thờ Nữ tướng Quyền nhiệm Đại Vương Thái Trưởng công chúa được vua sau này cho xây dựng tại Cung cũ nơi bà ở tại Phù Thụy. Từ đó đến nay trải qua khoảng 2.000 năm, ngôi đền đã được dân làng Phù Thụy nhiều lần trùng tu.
Theo lãnh đạo UBND xã Thi Sơn, đình Phù Thụy được xếp hạng di tích Quốc Gia là vinh dự lớn cho người dân địa phương, thể hiện đạo lý thờ kính tiền nhân, các vị hoàng làng, giáo dục các thế hệ con cháu noi gương, nỗ lực phấn đấu học tập, xây dựng quê hương, đất nước.
Được biết, ngoài di tích quốc gia đình Phù Thụy, đến nay trên địa bàn tỉnh Hà Nam có hơn 70 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, hàng trăm di tích cấp tỉnh...