Ngư dân chủ động trang bị thêm nghề để khai thác biển hiệu quả

Trong tái cơ cấu nội ngành thủy sản của huyện Gio Linh thời gian qua, thì đóng góp của khu vực khai thác thủy sản tăng dần, ngày càng có nhiều tàu xa bờ có 2 - 3 nghề khai thác biển, cho thu nhập của ngư dân ngày bền vững hơn.

 Tàu xa bờ của ông Bùi Đình Còng ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh trang bị 2 nghề khai thác biển -Ảnh: T.L

Tàu xa bờ của ông Bùi Đình Còng ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh trang bị 2 nghề khai thác biển -Ảnh: T.L

Phó Chủ tịch UBND xã Gio Việt Trần Thanh Hải cho biết, trước đây trên mỗi tàu xa bờ đánh cá của ngư dân chỉ có một nghề như nghề pha xúc, khai thác tốt vào mùa đông. Vì nghề đánh bắt đơn điệu nên các mùa khác không có lưới cụ để làm, dẫn đến thu nhập của người lao động thấp, chưa phát huy hết sức lao động cũng như lợi thế của biển.

Không chịu khoanh tay nhìn trời, ông Nguyễn Văn Hợi ở thôn Xuân Tiến, người đầu tiên của xã Gio Việt mạnh dạn vay vốn trang bị đầy đủ 3 nghề cho tàu xa bờ để đánh bắt quanh năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 12 lao động, chỉ trừ những ngày có bão. Ông Hợi cho biết, ngoài nghề pha xúc đánh bắt cá vào mùa đông, tàu của ông còn có nghề vây rút chì đánh bắt cá vào vụ Nam và nghề rê bùng nhùng đánh bắt cá thu vào mùa thu-đông kéo sang đầu mùa xuân năm sau nên thu nhập trung bình của mỗi lao động trên tàu đạt từ 80 đến 100 triệu đồng/năm. Hiện tại Gio Việt có đội tàu đánh bắt xa bờ 40 chiếc, trong đó có 1 tàu trang bị đủ 3 nghề, 17 tàu trang bị đủ 2 nghề, 70 tàu trung bờ và gần bờ chỉ có một nghề.

Là một trong những địa phương đi đầu của Quảng Trị về tái cơ cấu nội ngành thủy sản, cụ thể khai thác xa bờ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt Mai Văn Minh cho biết, toàn thị trấn có 98 tàu xa bờ, trong đó hơn 40% tàu có trang bị hai nghề, chủ yếu là vây rút chì và pha xúc. Tàu của ông Võ Văn Hai ở Khu phố 2 đầu tư hai nghề vây rút chì và pha xúc, giải quyết việc làm đều đặn cho 10 lao động, mỗi tháng thu nhập hơn 10 triệu đồng/người, sau khi trừ các khoản chi phí, chủ tàu Võ Văn Hai thu về mỗi năm gần 1 tỉ đồng. Thông thường hằng năm tàu có nghề pha xúc khai thác cá duội từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch; từ tháng 4 đến 9 nghề vây rút chì khai thác cá nục, cá chù; còn nghề vây bùng nhùng khai thác cá thu từ tháng 9 đến đầu năm sau.

Ông Mai Văn Minh khẳng định, đẩy mạnh tái cơ cấu nội ngành thủy sản để mỗi tàu trang bị đủ 2 đến 3 nghề phá xúc, vây rút chì và rê bùng nhùng là chủ trương hoàn toàn phù hợp để tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu khai thác, cung cấp nguyên liệu đầu vào đến chế biến, bảo quản và tiêu thụ liên hoàn trong các thời gian của năm nhằm giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm để thực hiện tốt mục tiêu phát triển ngành khai thác thủy sản theo hướng công nghiệp hóa.

Huyện Gio Linh hiện có 15 đội tàu với 169 tàu xa bờ được lắp đặt máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp thiết bị vệ tinh, trong đó có 37 tàu chuyển đổi công nghệ đèn cao áp sang đèn led để tiết kiệm nhiên liệu, giúp ngư dân giảm chi phí sản xuất; có 18 tàu có chiều dài từ 24 mét trở lên lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh Movimar. Đặc biệt cho đến nay ở huyện Gio Linh ba nghề trên được ngư dân phối hợp sử dụng ánh sáng đèn để phục vụ khai thác biển một cách hiệu quả, mang lại sản lượng lớn. Các loại đèn được trang bị trên tàu cá gồm có đèn tìm cá pha, quét nhanh và đột ngột trên mặt nước tạo cho đàn cá có phản ứng bị choáng, nhảy lên trên mặt nước và bị phát hiện, sau đó ngư dân dùng các kỹ thuật tiếp theo để đánh bắt. Đèn này thường có cường độ mạnh, ánh sáng tập trung, sử dụng chủ yếu trên các tàu làm nghề pha xúc và nghề lưới vây.

Ông Nguyễn Văn Huân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Trị cho biết: Thời gian qua ngành luôn quan tâm tới các hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; công tác quản lý, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho ngư dân khai thác, đánh bắt thủy sản trên biển. Xác định mục tiêu phải phát triển ngành Thủy sản của tỉnh thành một ngành sản xuất hàng hóa có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh cao với thị trường trên cơ sở khai thác những tiềm năng, lợi thế từng vùng, từng địa phương nên ngành quyết tâm tiếp tục tái cơ cấu nội ngành thủy sản trên cơ sở đánh giá đầy đủ nhu cầu của ngư dân, thị trường trong nước và thế giới.

Để phát triển bền vững ngành thủy sản, nhất là khai thác biển, ngư dân cần phải chú trọng hơn nữa trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chuyển dần từ đội tàu công suất nhỏ sang nghề cá hiện đại với công suất lớn. Ngành sẽ cố gắng đẩy mạnh chuyển giao, hỗ trợ ngư dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào khai thác, bảo quản để nâng cao hiệu quả chuyến biển. Đặc biệt tập trung tuyên truyền để ngư dân nhận thức được trách nhiệm của mình, khai thác phải đảm bảo tính bền vững, kết hợp với bảo vệ nguồn lợi, tuân thủ các quy định của cộng đồng quốc tế.

Tuệ Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=151690