Người dân phải được thụ hưởng những giá trị của sự phát triển

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, tập trung đông dân cư. Nhu cầu về lương thực, thực phẩm cho khối lượng dân cư có mật độ lớn nhất cả nước đã dẫn đến việc Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đầu mối lưu thông một lượng lớn thực phẩm được sản xuất trong nước và nhập khẩu.

Ngày 24/6/2023, tại kỳ họp thứ V, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (Nghị quyết số 98). Theo dõi truyền thông và dư luận xã hội những ngày qua, có thể nói rằng, đây là một sự kiện mang tính bước ngoặt lịch sử đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Nghị quyết số 98 như cơn mưa trên sa mạc giữa mùa hè, giải cơn khát về cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đã phần nào làm chậm sự phát triển của thành phố so với tiềm năng sẵn có, cũng đồng nghĩa với sức đóng góp của đầu tàu kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đối với cả nước cũng bị ảnh hưởng.

Đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân

Một trong những cơ chế được Quốc hội trao cho Thành phố Hồ Chí Minh trong Nghị quyết số 98 là việc thành lập Sở An toàn thực phẩm. Điều đó vừa đảm bảo có một bộ máy chuyên trách đủ chuyên môn, thẩm quyền thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm cho một đô thị đông dân như Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời, cũng thể hiện được mục đích cao cả là người dân phải được thụ hưởng những giá trị của sự phát triển.

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, tập trung đông dân cư. Nhu cầu về lương thực, thực phẩm cho khối lượng dân cư có mật độ lớn nhất cả nước đã dẫn đến việc Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đầu mối lưu thông một lượng lớn thực phẩm được sản xuất trong nước và nhập khẩu. Do đó, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại Thành phố luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, về cơ chế chính sách pháp luật, về thực trạng sản xuất chế biến phân phối thực phẩm, cũng như trong tổ chức bộ máy, hoạt động phối hợp liên ngành vẫn còn nhiều thách thức, rào cản, bất cập… đặc biệt là tại thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm sản xuất lưu thông và tiêu thụ thực phẩm lớn của cả nước.

Trong bối cảnh đó, căn cứ Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10 tháng 8 năm 2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập mô hình thí điểm Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh theo Quyết định số 2349/QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2016. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 06/2017/QĐ-UBND ngày 02 tháng 02 năm 2017 về Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý An toàn thực phẩm và tổ chức trao Quyết định công bố thành lập và bổ nhiệm lãnh đạo Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố.

Đồng chí Lê Minh Hải, Phó Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố (viết tắt là Ban Quản lý) cho biết: Sau 6 năm được thí điểm thành lập trên cơ sở kết hợp lực lượng từ 03 Sở (Sở Y tế, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Ban Quản lý đã hoàn thành tốt nhiệm vụ là đầu mối thống nhất tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước, phối hợp các sở - ngành, quận - huyện, tổ chức chính trị - xã hội; xây dựng và triển khai hiệu quả chương trình hành động; triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm nhanh hơn, hiệu quả hơn, tạo bước chuyển biến tích cực trong nhận thức cộng đồng.

 Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là điều kiện thiết yếu bảo vệ sức khỏe người dân.

Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là điều kiện thiết yếu bảo vệ sức khỏe người dân.

Ban Quản lý đã thực hiện được những nội dung quan trọng trong công tác quản lý an toàn thực phẩm, như: Cấp 208.575 giấy chứng nhận/giấy xác nhận trong các lĩnh vực an toàn thực phẩm. Xây dựng Đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn”, thẩm định và cấp cấp giấy chứng nhận cho 319 trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh đạt chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn với sản lượng rau, trái cây: 293.767,3 tấn; thịt các loại: 650.652,1 tấn; thủy sản các loại: 23.499,55 tấn, trứng gia cầm: 2.201.222.852 quả và 50,1 triệu lít nước mắm. Xây dựng Đề án “Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm”, tổ chức kiểm soát, quản lý và truy xuất nguồn gốc thịt heo từ khi con heo được xuất bán tại 3.403 trang trại từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, được vận chuyển đến 116 cơ sở giết mổ từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh; tổ chức kiểm soát, quản lý và truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm từ giai đoạn gà giống 65 trang trại tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, 813 trang trại gà lấy thịt tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, 32 cơ sở giết mổ từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh. Xây dựng mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm trên cơ sở Quyết định số 6727/QĐ-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Tiêu chuẩn kỹ thuật TCVN 11856:2017 Chợ kinh doanh thực phẩm.

Các đoàn thanh kiểm tra cả 03 cấp của thành phố đã thanh kiểm tra 327.554 cơ sở và phát hiện vi phạm 36.953 cơ sở (tỷ lệ 11,3%), xử phạt 7.225 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 153 tỷ đồng (trung bình 21,18 triệu đồng/cơ sở); tiến hành lấy 383 mẫu sản phẩm thực phẩm để kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng thực phẩm gửi kiểm nghiệm tại các Phòng Thí nghiệm được chỉ định, kết quả: 337 mẫu đạt, 46 mẫu không đạt. Đối với loại hình thực phẩm chức năng, đã rà soát 23.196 sản phẩm; phát hiện 520 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm đã chuyển bộ phận thanh tra xử lý, giám sát; đã hậu kiểm 153.987 hồ sơ tự công bố sản phẩm (trong đó số hồ sơ đạt: 67.405 hồ sơ (chiếm tỷ lệ 43,77%), số hồ sơ có dấu hiệu vi phạm: 86.582 hồ sơ (chiếm tỷ lệ 56,23%)). Ban Quản lý cũng tăng cường công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm, đã tiến hành lấy 11.624 mẫu kiểm tra, giám sát chất lượng đối với các thực phẩm có nguy cơ cao gây mất an toàn thực phẩm, kết quả có 10.940 mẫu đạt (tỷ lệ 94,12 %) và 684 mẫu không đạt (tỷ lệ 5,88%). Giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm (định kỳ và đột xuất) đã lấy 1.673 mẫu, trong đó số mẫu có kết quả đạt: 1.494 mẫu, tỷ lệ 89,3% và số mẫu có kết quả không đạt: 179 mẫu, tỷ lệ 10,7%. So với giai đoạn trước khi thành lập Ban Quản lý (2014-2016) và sau khi thành lập Ban Quản lý (2017 - 2022), cho thấy: Số vụ ngộ độc trên địa bàn Thành phố: giai đoạn 2017 - 2022 giảm 10 vụ (55,6% số vụ), số người mắc giảm 8 lần so với giai đoạn 2014 - 2016.

Ban Quản lý luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền kiến thức an toàn thực phẩm hướng đến cả 03 đối tượng: cán bộ quản lý và giám sát (Sở - ngành, quận - huyện, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội…); người hành nghề (tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm) và cộng đồng (người tiêu dùng) với nhiều hình thức đa dạng, phong phú cụ thể trong 6 năm đã tổ chức được 303 lớp tập huấn với 29.351 người tham dự, 07 Hội thảo với 1.350 người tham dự và tổ chức 04 buổi nói chuyện chuyên đề cho 400 người tham gia, treo 3.195 băng rôn, 17 áp phích, 585.200 tờ gấp, 39.050 poster, 10.341 băng đĩa, sưu tầm biên soạn 571 bài viết, thiết kế 100 Banner tuyên truyền khẩu hiệu an toàn thực phẩm, … cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử của Ban Quản lý hướng đến mục tiêu đưa Trang thông tin điện tử của Ban Quản lý trở thành địa chỉ đáng tin cậy, cung cấp thông tin chính thống về an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố. Thường xuyên trao đổi, cập nhật thông tin về an toàn thực phẩm cho gần 60 các cơ quan báo chí, đài phát thanh truyền hình, phối hợp với các cơ quan truyền thông xây dựng kịch bản về an toàn thực phẩm kết hợp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hiệu quả với 40 chuyên đề phát sóng trên Đài Truyền hình Thành phố (HTV) và 36 chuyên đề phát sóng trên Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố (VOH) góp phần thay đổi nhận thức của người tiêu dùng trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm hiện nay.

Tuy nhiên, dù có nhiều nỗ lực và đạt được những kết quả nổi bật, nhưng với chức năng, quyền hạn hiện có, hoạt động của Ban Quản lý vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, chưa đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân ở mức cao nhất, do còn nhiều tồn tại, hạn chế cần có cơ chế để tháo gỡ.

Đặt kỳ vọng vào Sở An toàn thực phẩm

Với việc Quốc hội cho phép “Hội đồng nhân dân Thành phố thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Sở An toàn thực phẩm trên cơ sở chuyển chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn Thành phố” mang lại một sự kỳ vọng rất lớn nhằm giải quyết được nhu cầu về “ăn ngon, mặc đẹp” của người dân trong bối cảnh đất nước ngày càng phát triển, chứ không chỉ đơn thuần là “ăn no, mặc ấm” như giai đoạn còn khó khăn.

Quy định pháp luật về đơn giản hóa tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm tạo thuận lợi, bớt phiền hà cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên thực tế số lượng cơ sở trên địa bàn Thành phố rất lớn, do đó để bảo đảm thực hiện đầy đủ công tác hậu kiểm cần đầu tư hơn nữa về nguồn nhân lực. Tỷ lệ hồ sơ tự công bố có dấu hiệu vi phạm cao (chiếm 56,23%) cũng cho thấy các doanh nghiệp chưa nắm vững về các quy định pháp luật, phần nào chủ quan và tùy tiện khi tự công bố sản phẩm.

Sản xuất nông nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh chỉ đáp ứng được khoảng 20 - 30% nhu cầu thực phẩm của người dân, phần còn lại chủ yếu có xuất xứ từ các tỉnh hoặc nhập khẩu. Việc thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm còn hạn chế, cần có sự phối hợp kiểm soát chất lượng thực phẩm từ tỉnh trước khi đưa về thành phố tiêu thụ. Cần có quy định hướng dẫn chung từ các bộ chuyên ngành, theo đó nông sản, thực phẩm khi đưa vào tiêu thụ trên thị trường phải được kiểm tra và chứng nhận từ gốc (quy định thống nhất cách thực hiện việc giám sát, cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm kèm theo lô hàng). Bất cập trong quá trình thanh tra xử lý vi phạm với các mặt hàng nông sản tươi sống như: Đòi hỏi kết quả phân tích định lượng tại phòng kiểm nghiệm được chỉ định, chi phí lưu kho, chi phí xử lý tiêu hủy khi sản phẩm không đạt mà không xác định được chủ hàng hoặc chủ hàng bỏ trốn… Vấn đề kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm, thuốc thú y, thuốc an thần... trên nông sản vẫn còn nhiều khó khăn; quy định về quản lý kinh doanh phụ gia vẫn còn nhiều bất cập….

Theo đồng chí Lê Minh Hải, Phó Trưởng Ban Quản lý, hiện nay, dù được thí điểm là đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, nhưng chức năng thanh tra, kiểm tra của Ban Quản lý như một chi cục trực thuộc sở. Về công tác thanh kiểm tra trong lĩnh vực an toàn thực phẩm thì hiện nay Ban Quản lý An toàn thực phẩm mới chỉ thực hiện công tác thanh tra - kiểm tra chuyên ngành, chưa có chức năng thanh tra hành chính. Thực tế các đơn vị cung cấp suất ăn trong Khu Chế xuất- Khu công nghiệp, Bệnh viện và Trường học có triển khai thực hiện nhưng chưa được đồng bộ. Nguyên nhân chưa có chế tài trong công tác triển khai tự kiểm tra mà chỉ dừng ở mức tuyên truyền, hướng dẫn để đạt được hiệu quả trong công tác phòng ngừa ngộ độc thực phẩm xảy ra. Việc xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm trước đây Ban Quản lý áp dụng theo chức danh tương đương. Tuy nhiên, hiện nay do các Văn bản quy phạm pháp luật thay đổi không còn chức danh tương đương (Nghị định 124/2021/NĐ-CP) nên công tác kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính gặp khó khăn về cơ sở pháp lý.

Việc thí điểm thành công mô hình Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh có thể sẽ là cơ sở khoa học để triển khai rộng rãi trong cả nước, góp phần mang lại sự an tâm cho người dân trong hoạt động thiết yếu hàng ngày, kéo giảm bệnh tật và nguy cơ tử vong do vấn đề thiếu an toàn thực phẩm gây ra. Đó cũng là một trong những mục tiêu cao cả của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong quá trình xây dựng, ban hành chủ trương chính sách/.

Trịnh Thanh Toàn - Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/van-hoa-xa-hoi/xa-hoi/nguoi-dan-phai-duoc-thu-huong-nhung-gia-tri-cua-su-phat-trien-145487