Người dân tộc Cơ Tu làm giàu nhờ ba kích, đẳng sâm

Hơn 500 lao động thường xuyên và hàng nghìn lao động thời vụ trên địa bàn xã có việc làm nhờ dự án trồng và chế biến dược liệu. Người dân Cơ Tu đã có thu nhập ổn định lên tới hàng trăm triệu đồng/năm.

Từ lâu, các loại dược liệu như ba kích, đẳng sâm… vốn đã trở nên quen thuộc với người dân Cơ Tu (huyện Tây Giang – tỉnh Quảng Nam). Loài giống chuẩn, chế độ canh tác hoàn toàn tự nhiên khiến ba kích, đẳng sâm nơi đây trở nên quý giá hơn. Thế nhưng, do đồng bào nơi đây chưa biết canh tác đúng kỹ thuật nên giá trị thu được thấp, hơn nữa còn bị thương lái ép giá, bên cạnh đó đầu ra cho sản phẩm không có nên chẳng mấy ai mặn mà.

Anh Alăng Lơi (thôn Achoong, xã Ch'Ơm) từng trồng hơn 1ha đẳng sâm đến mùa thu hoạch mà vẫn chưa bán được vì giá quá thấp. Đã nhiều lần liên hệ với doanh nghiệp chế biến dược liệu để tìm đầu ra nhưng vẫn chưa có kết quả. Không chỉ có anh Lơi, nhiều hộ trồng sâm ở xã cũng gặp khó khăn đầu ra sản phẩm vì giá quá thấp, bấp bênh, chỉ rơi vào khoảng 25-120 nghìn đồng/ký đẳng sâm tươi.

Bà con dân tộc thiểu số ở Quảng Nam từng bước thoát nghèo nhờ dược liệu.

Bà con dân tộc thiểu số ở Quảng Nam từng bước thoát nghèo nhờ dược liệu.

Huyện Tây Giang đã triển khai "Mô hình cây dược liệu liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm" tại địa bàn 2 xã Ga Ry và Ch'Ơm để giúp đỡ người dân. Cùng với đó là sự ra đời HTX Trường Sơn Xanh với vai trò thu mua sản phẩm các cây dược liệu như táo mèo, đẳng sâm, sa nhân.

Tính riêng ở xã Ch'Ơm đã có 100% hộ dân tham gia trồng đẳng sâm với tổng diện tích hơn 200ha, trong đó thôn Achoong chiếm gần một nửa. Mô hình trồng cây dược liệu của huyện Tây Giang đã giúp cho người dân có nguồn thu nhập và nâng cao đời sống, vậy nên nhiều hộ dân phấn khởi tham gia.

Được HTX Nông nghiệp dịch vụ xã Ch'Ơm hỗ trợ bao tiêu sản phẩm, hàng trăm hộ gia đình như anh Alăng Lơi đã có thu nhập ổn định nhờ dược liệu.

Anh Alăng Lợi vui mừng: "Cây đẳng sâm đem lại cho gia đình thêm kinh tế, có tiền mua gạo để ăn. Không giống như hồi xưa, không có tiền chỉ có thể lấy lúa rẫy về giã cũng mệt mỏi".

Những dược liệu như đẳng sâm vốn đã quen thuộc với đồng bào Cơ Tu. Nay loài cây này lại giúp hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện Tây Giang thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Chỉ sau 2 năm trồng, đẳng sâm đã cho thu hoạch, hơn nữa đây là loài dược liệu dễ trồng, dễ chăm sóc.

Không chỉ thoát nghèo, bà con Cơ Tu còn có công việc thường xuyên và thu nhập ổn định.

Không chỉ thoát nghèo, bà con Cơ Tu còn có công việc thường xuyên và thu nhập ổn định.

Đi cùng với việc các hộ gia đình tham gia trồng dược liệu, HTX nông lâm nghiệp Thiên Bình ở huyện Tây Giang đã ra đời nhằm phát triển việc trồng dược liệu hiệu quả hơn nữa. HTX Thiên Bình có 11 thành viên, chủ yếu là người Cơ Tu. Tổng số vườn ươm giống ba kích của HTX lên tới 1.500m2 và có thể ươm tạo 400.000 cây giống ba kích tím mỗi năm. Để tăng năng suất và giúp bà con đỡ vất vả hơn lại tăng giá trị kinh tế cho nông sản, HTX đã mua sắm nhiều loại máy móc phục vụ việc sơ chế, rửa, sấy nông sản, máy ngâm ủ và lọc rượu ba kích, đẳng sâm.

Sau gần 5 năm hoạt động, HTX đã dần đi vào ổn định. Khó khăn ban đầu phần lớn là do chủ yếu thành viên HTX đều là người dân tộc Cơ Tu, số vốn ít ỏi cần phải vay mượn nhiều nơi để triển khai mô hình.

Nhờ có mô hình hoạt động từ khâu trồng dược liệu tới chế biến ổn định, hiện nay, giá ba kích đã lên tới 400 - 500 nghìn đồng/kg. Cùng lúc này, HTX cũng nỗ lực tạo nguồn giống ba kích thương phẩm, giúp hạ giá thành nguyên liệu ba kích xuống còn 150 - 200 nghìn đồng/kg tươi.

Dự án, mô hình trồng và chế biến dược liệu ở huyện Tây Giang đã giúp nhiều hộ dân Cơ Tu có thu nhập ổn định lên tới hàng trăm triệu đồng/năm. Không những vậy, có tới hơn 500 lao động thường xuyên và hàng nghìn lao động thời vụ trên địa bàn xã có việc làm.

PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-dan-toc-co-tu-lam-giau-nho-ba-kich-dang-sam-169231029101656538.htm