Người Hà Nhì tảo mộ

Những ngày cuối năm, núi rừng vùng cao Y Tý (Bát Xát) hửng nắng nhưng cái lạnh vẫn khiến chúng tôi rùng mình mỗi khi có đợt gió kèm theo sương mù kéo đến. Trên khoảng rừng cây thưa nhìn ra thung lũng Lao Chải, có rất đông thanh niên Hà Nhì đang tất bật chuẩn bị cho một nghi lễ quan trọng, đó là xây 'nhà' cho người đã mất.

Lễ tảo mộ thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và tính cộng đồng sâu sắc.

Lễ tảo mộ thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và tính cộng đồng sâu sắc.

Đối với người Kinh, lễ tảo mộ thường được tổ chức vào dịp tháng 3 âm lịch hằng năm, còn với người Hà Nhì ở vùng cao Bát Xát, việc tảo mộ có thể diễn ra từ tháng 11, 12 âm lịch năm nay sang tận sau Tết Nguyên đán. Đây là nghi lễ tâm linh quan trọng nhưng không bắt buộc gia đình nào cũng phải làm thường niên, gia đình có điều kiện, kinh tế khá giả mới tổ chức xây “nhà” cho tổ tiên. Vì thế, có gia đình sau 3, 4 đời mới làm lễ tảo mộ cho thế hệ trước.

Để chuẩn bị cho ngày làm lễ tảo mộ, trước đó, gia chủ đã nhờ những người khỏe mạnh trong làng lên khu mộ của người đã mất dọn dẹp, xây “nhà” mới. Mộ của người Hà Nhì thường được xây theo hình bán nguyệt, tạo thành vòng cung bao trọn phía trước, sau đó gắn bia lên. Điều đặc biệt là những bia mộ này không chỉ khắc thông tin của người đã mất, mà còn khắc cả tên các con, cháu trong dòng họ.

Khi mộ đã cơ bản xây xong, trước ngày làm lễ tảo mộ, chủ nhà sẽ làm bữa cơm mời anh em, họ hàng, bà con trong làng đến ăn và nhờ mọi người tham gia tổ chức lễ. Buổi tối hôm đó, mọi người sẽ cùng nhau gấp hạc giấy, hoa giấy nhiều màu sắc xâu thành chuỗi làm cây tiền cho người đã mất. Những phụ nữ còn thức đến tận khuya để làm đậu phụ, giã bánh giầy, đồ xôi… chuẩn bị cho công việc hôm sau.

Sáng sớm hôm diễn ra nghi lễ tảo mộ, cánh trai tráng trong làng dậy sớm để chuẩn bị củi, nồi, nước và khiêng gà, lợn ra mộ. Những người khỏe mạnh dọn dẹp xung quanh mộ, đắp đất, hoàn thiện nốt “nhà” cho người đã mất. Một số khác phụ trách việc mổ lợn, gà, chế biến các món ăn. Bà con khi đến tham gia đều mặc trang phục truyền thống, mang theo con gà, mấy quả trứng, chai rượu, ít củi thể hiện tình cảm với gia đình và có chút lễ vật như bánh kẹo, hoa quả, rượu, chè… đặt lên mộ tưởng nhớ người đã mất.

Lễ tảo mộ diễn ra trong không khí thiêng liêng. Gia chủ dâng thủ lợn ngậm đuôi và thịt lợn luộc, thịt gà, rượu, xôi, bánh giầy… để lên tàu lá chuối xanh trải trước phần mộ rồi khấn vái thể hiện lòng biết ơn, cầu mong cho họ ở thế giới bên kia được an lành, phù hộ độ trì cho con cháu năm mới bình an, khỏe mạnh, làm ăn khá giả. Những người tham gia lễ tảo mộ cũng thể hiện sự nhớ thương người đã mất bằng việc thắp hương, dâng lễ vật lên phần mộ.

Lễ tảo mộ của người Hà Nhì là dịp thể hiện sự tri ân với tổ tiên, dòng họ nên không khí rất vui vẻ. Sau phần lễ, mọi người cùng ăn bữa cơm chúc mừng gia chủ ngay trong rừng. Các con, cháu trong gia đình sẽ mời rượu người cao tuổi trước. Sau đó, phụ nữ trong gia đình mang lễ vật như bánh kẹo, nước ngọt, hoa quả... chia đều hết cho mọi người.

Lễ tảo mộ của người Hà Nhì không chỉ là truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, mà còn thể hiện tính cộng đồng sâu sắc, một nét đẹp văn hóa được gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Tuấn Ngọc

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/nguoi-ha-nhi-tao-mo-z5n20200118091230316.htm