Người truyền lửa làm giàu cho nhà nông

Dù xác định đi lên từ nông nghiệp nhiều vất vả và là bài toán khó với nhà nông trẻ, song anh Lê Minh Sang, Giám đốc Hợp tác xã Cây ăn quả Tân Mỹ luôn nỗ lực biến khát vọng giúp chính mình và nhà nông đi lên từ chính mảnh đất quê hương, thành hiện thực.

Đông Nam bộ có sông Đồng Nai, Sông Bé chảy qua. Bên này sông là Đồng Nai có làng bưởi Tân Triều, còn bên kia sông là Bình Dương với làng bưởi Tân Mỹ đều nổi tiếng. Làng bưởi Tân Mỹ những năm gần đây còn được biết đến nhiều hơn khi có "thương hiệu" Nông dân trẻ tiêu biểu toàn quốc 2022 - Lê Minh Sang, Giám đốc Hợp tác xã Cây ăn quả Tân Mỹ, tỉnh Bình Dương. Dù xác định đi lên từ nông nghiệp nhiều vất vả và là bài toán khó với nhà nông trẻ, song anh Lê Minh Sang luôn nỗ lực biến khát vọng giúp chính mình và nhà nông đi lên từ chính mảnh đất quê hương, thành hiện thực.

Động lực từ chính sách đúng

Năm 2006, với 10 ha bưởi da xanh, bưởi đường lá cam, anh Lê Minh Sang khởi nghiệp tại quê nhà. 7 năm sau, anh đã nỗ lực đưa bưởi vào một số siêu thị tại khu vực Đông Nam bộ.

Khát vọng cống hiến cho quê hương cũng bắt đầu từ đó, khi địa phương có chủ trương mỗi xã phải có một đơn vị kinh tế hợp tác. Năm 2015 anh Sang cùng các nông dân lân cận đã thành lập tổ hợp tác đầu tiên ở địa phương với 7 thành viên.

Hiện số thành viên tham gia HTX Tân Mỹ, Bình Dương lên tới 22 xã viên

Hiện số thành viên tham gia HTX Tân Mỹ, Bình Dương lên tới 22 xã viên

Từ đó đến nay, Hợp tác xã Tân Mỹ được chính quyền địa phương hỗ trợ từ thủ tục pháp lý đến phương hướng hoạt động, hiện số thành viên tham gia lên tới 22 xã viên. Hợp tác xã có tổng diện tích canh tác trên 62 ha, gồm bưởi, cam, ổi, táo, quýt, sapo… Tổng sản lượng mỗi năm khoảng 1.000 tấn, lợi nhuận bình quân 20 tỷ đồng/năm.

Không chỉ mang sứ mệnh kết nối các thành viên, tạo chuỗi liên kết về giá trị mà quan trọng nhất là hợp tác xã đã giải quyết nhu cầu vốn, chính sách hỗ trợ tốt hơn cho các nông hộ nhỏ lẻ. Đây chính là mấu chốt đem lại hiệu quả cho sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh tạo việc làm cho các thành viên thì hợp tác xã này cũng tạo việc làm ổn định cho hơn 30 lao động với thu nhập bình quân 8 đến 10 triệu đồng/tháng/người.

Anh Sang hướng dẫn quy trình canh tác táo tại Nông trại Tuy Phong, Bình Thuận

Anh Sang hướng dẫn quy trình canh tác táo tại Nông trại Tuy Phong, Bình Thuận

Chị Trương Thị Bông, quê tỉnh Hậu Giang đến đây làm việc, chia sẻ: Gia đình chị đã gắn bó với hợp tác xã từ những ngày đầu, được sự quan tâm chăm lo nơi ăn ở và thu nhập ổn định nên rất yên tâm.

Khi hợp tác xã có kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất, dù biết có nhiều khó khăn, nhưng gia đình chị cũng như nhiều anh em lao động cũng xung phong đi mở rộng vùng trồng mới.

Làm việc cho anh Sang, anh em công nhân luôn cảm nhận được sự vui vẻ thoải mái từ anh. Anh am hiểu việc, có chuyên môn nên làm việc cũng dễ dàng. Gia đình tôi làm từ Bình Dương ra tới Bình Thuận luôn. Làm cho anh, thấy anh tốt quan tâm anh em dữ lắm, luôn lo lắng từng chút cho anh em công nhân. Chị Bông cho biết.

Những định hướng, chính sách hỗ trợ đúng từ phía địa phương chính là động lực để Hợp tác xã Cây ăn quả Tân Mỹ mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp.

Đến nay, hợp tác xã đã xây dựng và đăng ký nhãn mác, sử dụng tem điện tử (QR code) để truy xuất nguồn gốc. Với những nỗ lực đó, sản phẩm của hợp tác xã đã có mặt tại nhiều siêu thị nội địa. Riêng bưởi của hợp tác xã còn đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc, Singapore, Đông Âu và EU…Hợp tác xã còn đưa ra thị trường sản phẩm phụ đi kèm trái cây tươi như muối tiêu lốp.

Khát vọng vươn mình

Mỗi chặng đường có một mục tiêu mới. Sau nhiều năm, diện tích đất sản xuất tại Bình Dương cũng bắt đầu bộc lộ sự manh mún, khó cho ứng dụng canh tác hiện đại.

Anh Lê Minh Sang đã mạnh dạn đầu tư nông trại mới tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận với ban đầu hơn 20ha, canh tác theo chuẩn GlobalGAP. Với diện tích đất tập trung, nông trại còn nhiều dư địa mở rộng, thuận lợi để ứng dụng công nghệ. Từ việc dùng năng lượng mặt trời tưới tiêu tập trung, đến sử dụng máy móc phương tiện vận chuyển sau thu hoạch…

Anh Lê Minh Sang khát vọng chinh phục vùng trồng mới tại Tuy Phong Bình Thuận

Trên vùng vùng đất khô cằn nắng gió của Bình Thuận, nông trại đã phủ màu xanh bạt ngàn của vườn táo, giải được bài toán khó để dẫn nước hơn 3 km từ hệ thống kênh mương thủy lợi về nông trại.

Ông Bùi Văn Khanh, một nông dân sản xuất giỏi địa phương chia sẻ: Hầu hết tại đây là những nhà vườn nhỏ lẻ, thiếu quy mô, kỹ thuật canh tác vẫn còn truyền thống. Mô hình nông trại này hình thành ngoài việc tạo thêm công ăn việc làm, còn tăng sự tương tác, chia sẻ kinh nghiệm nhiều hơn về quy trình kỹ thuật mới cho bà con địa phương.

Anh Lê Minh Sang (áo xanh) trao đổi về trồng cây ăn quả với nông dân tỉnh Bình Thuận

Anh Lê Minh Sang (áo xanh) trao đổi về trồng cây ăn quả với nông dân tỉnh Bình Thuận

Tôi làm cây táo 18 năm rồi nhưng vẫn học hỏi, bảo thủ thì đâu giải quyết được gì. Trồng bất cứ loại gì cũng nên học hỏi lớp trẻ vì mỗi ngày quy trình ngày càng hiện đại hơn. Riêng chỗ anh Sang từ Bình Dương ra đây trồng táo tôi và anh cũng thường xuyên trao đổi kinh nghiệm… Anh ấy cũng khẳng định việc sản xuất quy mô, lấy chất lượng làm tiêu chí đầu, ở vùng Tuy Phong có mô hình như vầy bà con cũng rất phấn khởi. Ông Khanh nói.

Hợp tác xã Cây ăn quả Tân Mỹ được xem là một ví dụ tiêu biểu về việc xây dựng thương hiệu dựa trên việc phát huy những giá trị nông sản sẵn có như cây bưởi của tỉnh Bình Dương.

Riêng anh Lê Minh Sang đã xem Tuy Phong, Bình Thuận là quê hương thứ 2 của mình và khao khát được đóng góp cho tỉnh Bình Thuận. Khát vọng này lại tiếp tục được thắp lên lần nữa với kế hoạch hình thành một hợp tác xã gắn với thương hiệu nông sản địa phương.

Anh Lê Minh Sang - Người truyền lửa cho nông dân làm giàu

Anh Lê Minh Sang - Người truyền lửa cho nông dân làm giàu

Anh Lê Minh Sang cho biết, táo và một số loại cây ăn trái tại đây sẽ sớm có mặt tại những hệ thống bán lẻ hiện đại nội địa và sản xuất theo đơn đặt hàng xuất khẩu. Năng suất dự kiến theo quy trình mới khoảng 60 tấn/ha nên sản lượng của nông trại có thể đến 1.200 tấn táo sạch cùng lượng lớn trái cây khác mỗi năm.

Trong thời gian tới, nếu có đơn hàng thì trang trại luôn đủ năng lực để sản xuất cho đơn xuất khẩu, kể cả châu Âu. Mục tiêu của mình khi đầu tư đã chọn phân khúc cao hơn bà con địa phương. Để tạo ra sự khác biệt trang trại đang xây dựng theo quy trình Globalgap để chuẩn bị tâm thế đưa trái táo Tuy Phong ra thị trường nước ngoài. Anh Sang cho biết.

Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình trước bối cảnh nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức. Trong sự phát triển đó, từng nông dân Việt Nam như anh Lê Minh Sang, từng hợp tác xã nông nghiệp như Tân Mỹ đang chuyển mình theo hướng tích cực, phát huy hết khả năng và lợi thế của mình để vươn xa. Hợp tác xã Cây ăn quả Tân Mỹ đã trở thành một trong 63 hợp tác xã tiêu biểu vừa được vinh danh tại Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam tháng 10/2024.

Nguyễn Quang/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/nguoi-truyen-lua-lam-giau-cho-nha-nong-post1130755.vov