Người Xơ Đăng băng rừng gánh nước tưới cho 'quốc bảo'
Do diện tích ngày một tăng, thời tiết khô hạn nên thời điểm này, người dân tộc Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) phải gánh từng can nước lên các điểm trồng 'quốc bảo' sâm Ngọc Linh để tưới, giữ ẩm.
Sâm Ngọc Linh mọc ở độ cao hơn 2.000m ở khối núi Ngọc Linh (địa phận hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam). Sâm mọc dày thành đám dưới tán rừng dọc theo các suối ẩm trên đất nhiều mùn.
Những năm trở lại đây, diện tích loài sâm giá trị này ngày một tăng lên. Cộng với khí hậu biến đổi nên nhiều địa điểm trồng sâm Ngọc Linh bị khô, thiếu độ ẩm. Đến nay tổng diện tích sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông hơn 1.200 ha nên nơi đây được xem như “thánh địa” của loài sâm này.
Để giúp cây sâm Ngọc Linh sống sót qua mùa hạn, người dân thay phiên nhau lên rừng tìm, cõng nước hàng cây số để tưới sâm.
Những ngày Tết Giáp Thìn, người dân rủ nhau đem can nhựa ra khe suối hứng nước rồi gánh đến tưới các luống sâm dưới tán rừng. Có nơi người dân sử dụng ống nhựa để dẫn nước, lắp đặt hệ thống tưới phun sương đảm bảo cho cây sâm phát.
Ông A Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Na (huyện Tu Mơ Rông) chia sẻ, cánh rừng nguyên sinh với độ ẩm, khí hậu mát lạnh chính là môi trường ưu thích của sâm Ngọc Linh. Cứ thời điểm này, khi đi thăm vườn, người dân thường kiểm tra độ ẩm của đất. Sau đó sẽ điều chỉnh phương án tưới tiêu cho phù hợp. Đặc biệt, lượng nước tưới phải vừa đủ, không ít quá cũng không nhiều quá. Nếu tưới đẫm, cây sâm có thể bị úng nước
“Từng khu vực sẽ có phương án tưới nước khác nhau. Nơi gần sông suối thì tưới nước khoảng mỗi tháng một lần. Riêng những khu vực có cây phân tán, đất khô cằn thì cần tưới nhiều nước hơn, mỗi tuần tưới từ 1 đến 2 lần. Lượng nước tưới phải vừa đủ, không ít quá cũng không nhiều quá. Nếu tưới đẫm, cây sâm có thể bị úng nước”, ông Dũng nói.
Ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, để giúp bà con trồng sâm đạt hiệu quả cao, tránh bị chết do thiếu nước mùa khô, huyện đã cử cán bộ hướng dẫn người dân cách tưới phù hợp và làm mái che nắng. Cùng với đó, định kỳ, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện sẽ đi kiểm tra vườn sâm của bà con để có phương án tư vấn cho bà con cách phòng bệnh cho cây sâm.