Nhà kinh tế đề xuất xem xét giảm thuế VAT 2% ngay từ dịp 30/4
Chủ trương giảm thuế VAT 2% khi được thực hiện sẽ ngay lập tức có tác động tích cực, giúp giá hàng hóa giảm, hỗ trợ cầu tiêu dùng gia tăng và tác động làm tăng vòng quay sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
Đó là nhận định của TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách thuộc Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội với Mekong ASEAN xung quanh đề xuất giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% đến hết năm 2023.
Ngày 17/4, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 2614 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về đề xuất giảm 2% VAT của Bộ Tài chính.
Phó Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho phép xây dựng, ban hành nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính khẩn trương phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng hồ sơ dự án nghị quyết để trình các cấp có thẩm quyền đảm bảo đúng quy trình, trình tự, thủ tục, trong đó nêu rõ căn cứ, cơ sở, sự cần thiết để đề xuất xây dựng, ban hành dự thảo nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn, báo cáo Chính phủ trước ngày 25/4.
Bình luận về động thái này, TS. Nguyễn Quốc Việt cho rằng việc Chính phủ đồng thuận trình Quốc hội xem xét giảm thuế VAT là động thái chính sách có tác động rất tích cực và hết sức cần thiết, dựa trên 3 góc độ.
Thứ nhất, chính sách này sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, nhất là những doanh nghiệp hướng vào thị trường bán lẻ trong nước khi việc giảm thuế sẽ kích thích chi tiêu, trong đó trực tiếp nhất là các lĩnh vực bán buôn bán lẻ, tiêu dùng thiết yếu, thậm chí là dịch vụ, du lịch.
Trong quý 1/2023, trong bối cảnh sản xuất công nghiệp và xuất khẩu còn gặp khó khăn nhất định, ngành dịch vụ đã trở thành điểm sáng đáng chú ý khi tăng trưởng 6,8% (so với cùng kỳ) trong 3 tháng đầu năm 2023, đóng góp 2,9 điểm phần trăm vào GDP.
Ông Việt kỳ vọng, hơn nữa với ngành du lịch, đi cùng với loạt động thái của Chính phủ tạo điều kiện mạnh mẽ hỗ trợ du lịch, việc giảm thuế VAT này sẽ vừa kích thích tiêu dùng dân cư trong nước, đồng thời hấp dẫn du khách quốc tế.
Thứ hai, theo ông Việt, chính sách này sẽ có tác động tích cực tới người lao động. Con số từ Tổng cục Thống kê cho thấy, cả nước có gần 118 nghìn lao động bị ảnh hưởng việc làm tại các doanh nghiệp trong quý 4/2022. Con số này là gần 149 nghìn lao động bị ảnh hưởng việc làm trong quý 1/2023. Tại một số trung tâm thương mại lớn, lượng khách lui tới vắng vẻ hơn, từ kinh doanh hàng tiêu dùng đến dịch vụ ăn uống, có thể gián tiếp cho thấy một lượng không hề nhỏ người tiêu dùng đang gặp khó khăn.
Việc giảm 2% thuế VAT tuy nhỏ nhưng giống như "một miếng khi đói" hỗ trợ cho những người lao động trong hoàn cảnh khó khăn. Hơn nữa, việc giảm thuế có tác động rộng rãi trên tất cả các lĩnh vực từ điện, nước, hàng hóa,...cộng dồn lại nhiều lần, nhiều món thì cũng thành nhiều, sẽ tác động rất tích cực đến người tiêu dùng.
TS. Nguyễn Quốc Việt
Thứ ba, mặc dù quý 1/2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chưa vượt khỏi lằn ranh đỏ, đè nặng áp lực đến nền kinh tế quốc dân tuy nhiên, việc phòng ngừa lạm phát ở giai đoạn cuối năm là điều Việt Nam vẫn cần tính toán khi rất nhiều yếu tố có thể đe dọa lạm phát.
TS. Việt dẫn chứng, sự biến động trở lại của giá năng lượng, khả năng tăng giá điện hay dự kiến tăng lương cơ bản từ 1/7/2023 có thể kéo theo giá cả hàng hóa tăng hay còn gọi là lạm phát kỳ vọng.
Do đó, triển khai giảm thuế VAT sẽ như một cú đệm để giảm áp lực tăng giá, giải tỏa áp lực lạm phát. Bởi, giảm thuế thì điều nhìn thấy ngay được là giá hàng hóa giảm.
Mặt khác, cũng theo vị chuyên gia này, nếu như Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ cảm thấy lạm phát không còn phải là một vấn đề đáng quan ngại nữa về mặt trung hạn, dư địa của các chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ càng rộng hơn nữa để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế.
Đề xuất cơ chế đặc biệt, xem xét áp dụng giảm thuế VAT ngay từ 30/4 - 1/5
TS. Nguyễn Quốc Việt cũng kiến nghị Chính phủ và Quốc hội có thể xem xét cơ chế thông qua chính sách này một cách nhanh chóng nhất có thể, thậm chí là áp dụng những trường hợp đặc biệt để việc giảm thuế VAT 2% cho các hàng hóa có thể áp dụng ngay trong dịp 30/4 - 1/5 mà không chờ đợi đến tháng 7 như đề xuất của Bộ Tài chính.
Nếu chính sách được triển khai luôn dịp 30/4-1/5 vừa có tác dụng hỗ trợ người lao động, vừa như một yếu tố kích cầu du lịch dịp nghỉ lễ dài ngày. Việc giảm thuế sẽ có tác động ngay, giúp giá hàng hóa giảm và từ đó hỗ trợ cầu tiêu dùng gia tăng và tác động làm tăng vòng quay sản xuất, TS Nguyễn Quốc Việt phân tích.
Giải đáp băn khoăn của người viết về con số Bộ Tài chính đã tính toán nếu giảm thuế VAT 2% thì số thu ngân sách giảm khoảng 5.800 tỷ đồng/tháng, TS. Nguyễn Quốc Việt cho rằng: "Việc thực hiện giảm 2% thuế VAT có thể làm giảm thu ngân sách nhưng nằm trong dự liệu của các cơ quan chức năng và hoàn toàn có thể được bù đắp bởi tăng trưởng".
Cũng trao đổi với Mekong ASEAN, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - giảng viên cấp cao Học viện Tài chính cho biết, việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% trong một thời gian nhất định có nhiều tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế năm 2023 và những năm tiếp sau.
Với doanh nghiệp, họ được giảm trừ một khoản chi phí đầu vào cũng như đầu ra trong quá trình mua bán hàng hóa, theo đó chi phí sản xuất hàng hóa giảm đi, tăng cường mua sắm dự trữ sản xuất kinh doanh.
Đáng chú ý, khi triển khai chính sách giảm VAT, doanh nghiệp sẽ tính toán ngay được khoản thuế được giảm trừ, từ đó đưa ngay vào sản xuất, đầu tư.
Với người tiêu dùng, rõ ràng, mức giảm trừ thuế 2% sẽ trực tiếp giảm vào giá cả hàng hóa, kích thích chi tiêu, mua sắm trong nền kinh tế, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa cho doanh nghiệp, TS Thịnh nói.
Đánh giá tác động đến yếu tố thu NSNN, theo ông Thịnh, Bộ Tài chính đã tính toán nếu giảm thuế VAT thì số thu ngân sách sẽ giảm khoảng 5.800 tỷ đồng/tháng. Trường hợp áp dụng chính sách này trong 6 tháng cuối năm thì ngân sách năm nay ước giảm khoảng 35.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, bù lại là sản xuất kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng tăng trưởng hoàn toàn có thể bù đắp lại khoản thu NSNN hụt đi.
"Chưa kể, giảm thuế VAT có thể làm giảm bớt áp lực tăng giá cả, kích hoạt cơ chế kiềm giữ lạm phát, góp phần hoàn thành mục tiêu Quốc hội đề ra", theo TS Đinh Trọng Thịnh.
Trước đó, Bộ Tài chính có văn bản gửi Chính phủ đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%) từ 1/7/2023 nhằm kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh sớm phục hồi và phát triển trở lại để đóng góp cho ngân sách.
Đồng thời, chính sách cũng nên cho phép giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng đối với cơ sở kinh doanh khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 10%.