Nhà máy của Nga tiếp tục sản xuất toàn diện LNG

Phó Giám đốc điều hành Gazprom Vitaly Markelov xác nhận với hãng tin Interfax vào tuần trước, dự án khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Sakhalin-2 ở vùng Viễn Đông của Nga đã trở lại hoạt động toàn diện sau khi hoàn thành công việc bảo trì theo kế hoạch.

Theo ông Markelov, việc bảo trì bắt đầu vào tháng 7 và liên quan đến tất cả các cơ sở sản xuất của địa điểm. Nhà máy LNG Sakhalin-2 đi vào hoạt động từ năm 2009 và hiện có công suất 11,5 triệu tấn LNG mỗi năm.

Các công ty năng lượng lớn bao gồm Shell của Anh đã chọn rời khỏi dự án sau khi phương Tây trừng phạt Nga về hoạt động quân sự của nước này ở Ukraine, mặc dù Mitsui và Mitsubishi của Nhật Bản vẫn giữ lại 22,5% cổ phần của họ. Những người mua LNG dài hạn khác ở châu Á từ Sakhalin-2, bao gồm cả Hàn Quốc, đã tiếp tục nhập khẩu khí đốt từ liên doanh này.

 Ảnh minh họa: Sputnik/Maksim Blinov.

Ảnh minh họa: Sputnik/Maksim Blinov.

Năm ngoái, Nhật Bản chiếm 60,6% tổng lượng vận chuyển LNG từ nhà máy của Nga. Hàn Quốc nhập khẩu 15,8%, Trung Quốc 17,9% và Đài Loan 4,5%, trong khi Indonesia chiếm 1,2% lượng nhập khẩu do Nga lần đầu tiên cung cấp LNG cho nước này.

Theo Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolay Shulginov, xuất khẩu LNG của Nga đã tăng trưởng đều đặn kể từ đầu năm, với nhu cầu ngày càng tăng ở châu Âu và châu Á.

Trong khi EU đã cấm xuất khẩu dầu của Nga bằng đường biển thì LNG không bị cấm bởi các lệnh trừng phạt.

Báo cáo mới nhất của tổ chức phi chính phủ Global Witness cho thấy lượng mua LNG của Nga của EU đã tăng 40% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 7 so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 1,7% so với năm ngoái.

Báo cáo chỉ ra rằng EU dự kiến sẽ nhập khẩu khối lượng kỷ lục LNG của Nga trong năm nay, bất chấp khối này đang có mục tiêu tách mình ra khỏi ngành nhiên liệu hóa thạch của nước này.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong tháng 8, Nga đã thu được 17,1 tỷ USD từ xuất khẩu dầu thô, tăng 11,8% và cao hơn 1,8 tỷ USD so với tháng Bảy.

Đây là con số cao nhất kể từ tháng 10/2022 và cao nhất trong những tháng gần đây. Mặc dù khối lượng xuất khẩu dầu và các sản phẩm dầu mỏ giảm 150.000 thùng/ngày xuống còn 7,2 triệu thùng/ngày song giá bán cao đã bù đắp.

Kể từ cuối tháng 6/2023, giá dầu WTI đã tăng 26%, lên khoảng 93 USD/thùng và giá dầu Urals của Nga tại thời điểm này đã tăng 33%.

Khánh Vy (Theo RT)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nha-may-cua-nga-tiep-tuc-san-xuat-toan-dien-lng-post265155.html