Nhà thơ Duy Thảo - thăm thẳm một tình yêu quê hương
Thuộc thơ ông, biết về ông đã lâu nhưng những ngày xuân này gặp lại người lính pháo binh năm nào - nhà thơ Duy Thảo (phường Tân Giang - TP Hà Tĩnh) hôm nay, tôi mới cảm nhận hết tình yêu của ông dành cho quê hương: vừa kỳ vĩ, lớn lao, vừa thẳm sâu, thâm trầm, tựa con sông La quê nhà chảy thao thiết, êm đềm dọc tháng năm, dâng hiến phù sa cho đời.
Quê hương - dâng trào những cung bậc cảm xúc
Ai đó nói, bài thơ hay có sức mạnh bằng cả một sư đoàn. Sức mạnh của “Mừng chiến thắng trời quê” (bản in đầu tiên là “Mừng chiến thắng”) không chỉ làm nức lòng người dân Hà Tĩnh lúc ấy mà mãi đến hôm nay vẫn lay thức lạ kỳ. Người lính trẻ Phan Duy Thảo đang ở chiến hào, nghe tin quê nhà đánh thắng giặc Mỹ, từ cung bậc náo nức, chuyển sang “niềm tự hào, nước mắt bỗng rưng rưng”.
Những dòng thơ về miền quê Hà Tĩnh cứ mở ra như một bức tranh đủ màu sắc tươi đẹp, mướt mát, như lòng nhà thơ đang hát: Cây cỏ Đèo Ngang, cánh buồm Cửa Hội/ Thiên Nhẫn trùng trùng soi bóng bến Tam Soa… Cho Ngàn Sâu, Ngàn Phố gỗ xuôi bè/ Chiếc bánh tày Voi nếp đồng nhà thơm dẻo… Tình yêu quê hương của tác giả cứ thế dẫn dắt cảm xúc bao người suốt gần 6 thập niên qua.
Đọc kỹ tập “Đi dọc lối xanh”, tôi như lạc vào miền xúc cảm của ông. Câu thơ nào về làng quê ông, miền quê Hà Tĩnh cũng đằm sâu, da diết, giản dị, chân thành mà gây xúc động. Ấy là vì dòng mạch quê hương đã thấm sâu vào tâm hồn ông, trở thành máu thịt, hiện lên trong mọi buồn vui, mọi cảnh huống, mọi thăng trầm của cuộc đời. Đó là khi: Trưa hè vọng một tiếng rao/ Nhớ canh hến Thượng, nôn nao muốn về(Vườn xưa). Đó là khi bị đau ốm, thao thức không ngủ được: Đêm đau/ nằm nhớ con đường/ Khe Giao, Đồng Lộc, Truông Bồn/ mình qua. Là sự biết ơn với những người dân một nắng hai sương: Có hôm nay cầm bát cơm gạo trắng/ Biết cội nguồn hạt đồng trũng, đồng xa(Đêm nghe tiếng cuốc). Là niềm hân hoan vui sướng dâng trào trong ngày hội đêm pháo hoa: Một trăm mười sáu năm, đất nước hợp một nhà/ Bao kỷ niệm vui dâng trào nước mắt… (Đêm hội pháo hoa này).
Trong cuộc trò chuyện với tôi, ông nhắc nhiều đến nạn đói 1945 mà gia đình ông cũng như bao gia đình khác trải qua, những nhọc nhằn cơm áo, chuyện phải bỏ học dở chừng cấp 3… Chính vì vậy, trong niềm hạnh phúc vỡ òa của cả đất nước, quê hương ngày thống nhất, người đầu tiên ông nghĩ đến, nhớ đến là Bác Hồ. Những dòng thơ viết về Bác đến thật tự nhiên:
Ôi ước mơ, mơ ước thành sự thật
Hạnh phúc này nhớ Bác lắm, Bác ơi!
(Đêm hội pháo hoa này)
Trong 12 tập thơ của nhà thơ Duy Thảo, phải có đến gần chục bài thơ ông viết về sông La - con sông quê hương thân thương đã tắm mát cuộc đời, đã nuôi dưỡng tâm hồn ông, cho ông tình yêu, sức mạnh để ra chiến trường thời trai trẻ, cho ông được “ngược nguồn thương nhớ” khi về già. “Bến Tam Soa, sông La”, “Ngược nguồn con nước”, “Bến quê”, “Dọc bãi sông La”, “Thơ xuân tặng quê”… mỗi bài thơ là một cung bậc cảm xúc khác nhau nhưng đều là những ngôn từ long lanh, ẩn chứa nhạc điệu reo vui, tươi sáng như sóng nước sông La rì rào kể chuyện dưới trời xanh mây trắng. Tôi đặc biệt yêu thích bài “Thu sớm” vì nó phảng phất chất cổ thi của Đỗ Phủ, Thôi Hộ, lại có chút man mác, thâm trầm của Hàn Mặc Tử, Huy Cận khi viết về sông nước:
Lãng đãng mây trời quê
Bóng đổ dài bờ đê
Miên man tìm bến cũ
Lành lạnh chút thu se
Sông chảy qua bao thác
Oằn lưng như mỏi nhừ?
Núi đứng nhìn mấy đỉnh
Mỏi mắt chừng tương tư?
Quê hương, lối về
“Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc” (I-li-a Ê-ren-bua). Duy Thảo dù ở thành phố mấy chục năm trời, song vẫn gắn bó, ràng rịt với với ngôi nhà cũ, họ mạc ở làng quê Đông Thái, xã Tùng Ảnh (Đức Thọ). Trong thơ ông có gương mặt của rất nhiều người mà ông yêu mến nhưng rõ nét và sâu đằm nhất vẫn là hình ảnh người mẹ tảo tần, người vợ thủy chung. Tập “Lối về” (NXB Văn học - 2020) được ông đề trang trọng ở trang đầu: Kính dâng mẹ, dành tặng em. Những câu thơ rút ruột của ông khiến người đọc không khỏi rưng rưng: Tìm về năm giáp hạt/ Đồng làng trụi lá khoai/ Đại hàn đêm gió rú/ Xen tiếng mẹ thở dài(Tìm về). Mỗi câu thơ là một dòng ký ức trong trường ký ức miên man về người mẹ yêu dấu đã ấp iu che chở, nuôi nấng, dạy dỗ, hy sinh, chịu đựng bao nỗi cô đơn, nhọc nhằn vì ông. Thi thoảng mẹ mua cá trích/ Sắp vào nồi đất kho lên/ Chia phần cho con, cho chị/ Ôi mùi cá trích khó quên… Bây giờ chị thì đã mất/ Mẹ vào thiên cổ từ lâu/ Con ngồi gắp con cá trích/ Bỗng nhiên nước mắt tuôn trào!(Cá trích).
32 bài thơ trong “Lối về” của Duy Thảo, mỗi bài một cách nói, khi thủ thỉ tâm tình, khi tha thiết sôi nổi, lại có khi hài hước, dí dỏm… nhưng đều có điểm chung là trân quý tình yêu người bạn đời dành cho ông trong hơn 50 năm nhẫn nại hy sinh, chia ngọt sẻ bùi, cùng ông nuôi đàn con khôn lớn. Sự đồng cảm sẻ chia, trân quý ấy là sợi dây gắn kết họ với nhau cho đến tận bây giờ: Em về bên tôi/ Quả là tất cả/ Vừa quen vừa lạ/ Cay, đắng, ngọt, chua/ Năm nắng mười mưa/ Tình ta nếm trải… Xa nhau khắc khoải/ Thư viết bao lời/ Gần nhau lặng lẽ/ Mát dịu cây đời(Quả là thế).
Nhà thơ Hữu Thỉnh từng nhận xét về thơ Duy Thảo: “Thơ chân cảm tránh được sự nhất thời. Đó là thứ thơ coi đời sống nội tâm là nguồn mạch… Tôi yêu và trân trọng những tâm sự này của anh”.
Nguồn mạch nội tâm về quê hương, gia đình luôn thăm thẳm, ăm ắp trong ông đã chuyển hóa, thăng hoa thành những vần thơ thấm đẫm hồn người, neo vào năm tháng, thanh lọc tâm hồn… Với một đời thơ như Duy Thảo, những gì người đọc 60 năm qua còn nhớ, còn cảm, còn yêu thích, thế đã là niềm hạnh phúc lớn lao. Mong chờ những vần thơ phía mùa xuân của ông. Xuân Quý Mão 2023, chúc ông luôn dồi dào sức khỏe và bút lực, có lẽ, đó là lời chúc không của riêng tôi mà của tất cả bạn đọc yêu thơ Duy Thảo gửi tới ông!
Rất kiệm lời khi nói về bản thân, nhà thơ Duy Thảo gửi tới bạn đọc những dòng tâm sự đầu xuân, cũng chính là phương thức sáng tạo thi ca của ông:
Thấy ngàn việc, mong nhìn ra một việc
Nghe trăm lời muốn chọn được một câu
Viết mươi dòng cố tìm ra một chữ
Chút nghề riêng làm bao kẻ bạc đầu
Nhà thơ Phan Duy Thảo sinh ngày 3/6/1938 tại làng Đông Thái, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ; hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam. Ông tham gia quân đội 10 năm, thuộc Binh chủng Phòng không - Không quân, là chiến sỹ - nhà báo Báo Phòng không.
Trở về quê hương, ông làm Tuyên huấn Tỉnh đoàn, Thư ký Tòa soạn Báo Nghệ Tĩnh, Báo Hà Tĩnh, Phó Tổng Biên tập Tập san “Hà Tĩnh - Người làm báo”, Trưởng Văn phòng đại diện Báo Dân trí khu vực Bắc miền Trung.
60 năm làm thơ, với 12 tập đã xuất bản, ông nhận được nhiều giải thưởng của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam và Giải thưởng Văn học Nguyễn Du tỉnh Hà Tĩnh.