Nhạc kịch 'Bầy chim thiên nga': Truyện cổ Andersen có cả Tiktok
Truyện cổ tích 'Bầy chim thiên nga' của Andersen (Đan Mạch) dựng thành nhạc kịch trên sân khấu Việt mang nhiều nét hiện đại.
"Bầy chim thiên nga" được dựng thành nhạc kịch pha giữa thần thoại và hiện đại
“Bầy chim thiên nga” là truyện cổ tích quen thuộc của Andersen, xuất hiện lần đầu vào năm 1838, sau đó được chuyển thể trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật như: vũ kịch ba lê, truyền hình, điện ảnh. Nội dung kể về nàng công chúa Lidơ xinh đẹp nhưng tội nghiệp. Nàng phải chịu bao đớn đau về thể xác và lo lắng, đau khổ để hóa giải lời nguyền của mụ phù thủy độc ác, giải thoát cho các hoàng tử - anh của nàng.
Nhà hát Tuổi trẻ cũng vừa ra mắt tác phẩm này dưới hình thức mới mẻ khi dựng với phong cách nhạc kịch, kết hợp giữa cổ tích thần thoại và hiện đại. Ở đó, có tổng hợp các các loại hình như diễn xuất, nhảy hiện đại, múa bale, hát…
Theo đạo diễn Lê Ánh Tuyết, những truyện cổ của đại thi hào Andersen luôn là những giấc mơ cổ tích dành cho các em nhỏ. Trong đó, “Bầy chim thiên nga” là câu chuyện cổ tích có tính nhân văn, gợi trí tưởng tượng phong phú cho khán giả.
Đồng thời, có những bài học trong cuộc sống phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi như tình yêu, sự hy sinh của nàng công chúa xinh đẹp Lidơ dành cho các anh trai và gia đình mình. Từ những tình huống của câu chuyện, các em nhỏ sẽ biết phân biệt việc tốt, việc xấu, thêm yêu thương người thân trong gia đình.
Nữ đạo diễn thừa nhận, nhạc kịch ở Việt Nam từ trước tới nay thường được cho là mang tính hàn lâm và dành cho những người trẻ hiện đại, ít khi dành cho trẻ em.
"Trước đây, chúng tôi thường dựng cho trẻ em nhưng vở tạp kỹ ca múa, nhạc, kịch. Ở đây, chúng tôi nâng cấp thành câu chuyện kịch, trong đó có yếu tố âm nhạc và múa. Hiện nay, để xem nhạc kịch chỉ có một số bộ phân khán giả có trình độ để thưởng thức nhưng chúng tôi muốn đào tạo một lứa khán giả thưởng thức được nhạc kịch, từ đó, sau này các em sẽ phong phú hơn trong cách thưởng thức nghệ thuật", nghệ sĩ Cao Ánh Tuyết chia sẻ.
Đảm nhận vai trò biên kịch, nhà lý luận phê bình Trần Lệ Chiến tâm sự, trước khi bắt tay là viết kịch bản, chị và đạo diễn đã trao đổi nhằm tìm những chi tiết đắt của cốt truyện để sân khấu hóa, tạo đất diễn cho diễn viên được bộ lộ tài năng của mình.
"Nội dung kịch bản dựa trên cốt truyện cổ tích nhưng không quá lệ thuộc vào chi tiết của nội dung một cách máy móc. Chúng tôi đã đưa vào đó những tình tiết khá thú vị mang hơi thở cuộc sống, mang thông điệp giáo dục, và rất gần gũi với các em, thông qua ngôn ngữ diễn xuất, âm nhạc và lời thoại", chị cho hay.
Để có thể tiếp cận với các em nhỏ ngày nay, nhạc kịch "Bầy chim thiên nga" phiên bản mới lần này được lồng ghép khá nhiều ngôn ngữ, lời thoại, bài hát mang đậm tính "thời sự". Từ những câu nói trend trên MXH như "chuyện nhỏ như con thỏ đang ăn cỏ" hay nhân vật thích xem Tiktok, tới những ca khúc được yêu thích như "Tình bạn diệu kỳ"...
Nói về việc làm nhạc kịch để khán giả nhỏ tuổi ngày nay có thể tiếp cận được, NSƯT Chí Trung - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho hay, thông điệp của vở diễn đơn giản nói về tình cảm gia đình nhưng được đầu tư truyền tải thông qua đầu tư về mặt hình ảnh, diễn xuất, phục trang, những bài hát nổi tiếng trên YouTube, các hot trend..
"Cứ nói nhạc kịch khó xem nhưng chúng tôi từng làm "Trại hoa vàng" đã thành công và sắp tới có sự án nhạc kịch "Sóng". Tôi nghĩ nếu kịch hoặc ca múa nhạc đơn lẻ sẽ không thu hút khán giả bằng tổng hòa các mối quan hệ. Với tôi, đó là hướng đi có thể đúng trong thời điểm này", nghệ sĩ Chí Trung bộc bạch.