Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu – người thợ cày cần mẫn trên cánh đồng tri thức

Tôi và Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu, nguyên Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật là những người bạn thân thiết, gắn bó lâu năm. Từng trực tiếp nghe anh kể nhiều chuyện vậy mà khi đọc các cuốn sách của anh, từ lần đầu xuất bản rồi cả khi tái bản, tôi vẫn cứ bị cuốn hút vì những tình tiết về cuộc đời. Mới đây nhất là hai cuốn sách mang tên 'Những nẻo đường thời gian' và 'Những vị tướng tôi từng được biết' vừa được xuất bản, giới thiệu tới bạn đọc.

Trước hết, tôi xin chúc mừng Trung tướng, nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu đã xuất bản được hai cuốn sách trong dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-2024) rất ý nghĩa này. Một cuốn kể về cuộc đời của chính anh, từ khi là một chiến sĩ đến khi là một tướng lĩnh cao cấp trong quân đội. Một cuốn viết về cảm nghĩ của bản thân, về những vị tướng đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng tác giả.

Tôi được nhiều vị tướng lĩnh quân đội tặng hồi ký. Tôi nhận ra rằng, nếu xếp nội dung của những cuốn sách ấy cạnh nhau, ta sẽ có một bức tranh sinh động về các cuộc kháng chiến của dân tộc ta. Hai cuốn sách mới của Trung tướng, nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu đã thêm một mảng màu sinh động mới cho bức tranh ấy. Nó sinh động hơn không chỉ vì được viết ra bởi chính anh, một vị tướng - người trong cuộc, với ngòi bút gan ruột của mình mà còn bằng trí nhớ tuyệt vời mà hiếm ai có được.

Tôi và tác giả là bạn thân thiết từ trước tuổi bốn mươi, hai người nói chuyện rất tâm đắc, lại thêm tôi là thư ký Thượng tướng Trần Sâm, nhạc phụ của tác giả, nên quan hệ giữa chúng tội còn pha chút tình cảm gia đình. Nghe anh kể nhiều chuyện, vậy mà khi đọc cuốn sách “Những nẻo đường thời gian” xuất bản lần đầu, rồi tái bản lần này, tôi vẫn cứ bị cuốn hút vì những tình tiết về cuộc đời người lính: Khai tăng tuổi để đi bộ đội, nỗi ngỡ ngàng chập chững của người lính trẻ trong trận đầu ở Huội Mua, những trận đánh ác liệt tiếp theo của cuộc đời quân ngũ…, rồi câu chuyện chàng thương binh trẻ Nguyễn Mạnh Đẩu bị để lại bên đường giao liên trên tuyến 559.

Trong giây phút cô độc ấy, anh đã tự sửa lại tên cha để nếu có chết thì người ta tìm về đúng gia đình. May có đoàn dân chính Đảng trên đường ra phát hiện, đã cáng anh vào trạm phẫu thuật, lại có sự tận tình, quyết đoán của bác sĩ Nguyễn Mạnh Lợi, anh mới qua được cơn hiểm nghèo. Bây giờ khi đọc lại những dòng ấy, hậu thế có thể chỉ cảm thấy tò mò và ly kỳ, còn với chúng tôi, nhắc lại bao giờ cũng thấy bồi hồi xúc động.

Hai cuốn sách mang tên “Những nẻo đường thời gian” và “Những vị tướng tôi từng được biết”.

Hai cuốn sách mang tên “Những nẻo đường thời gian” và “Những vị tướng tôi từng được biết”.

Đọc hồi ký của các vị tướng, thường đoạn hấp dẫn nhất, lôi cuốn nhất là phần nói về chiến đấu trong chiến tranh. “Những nẻo đường thời gian” vì được chính tác giả tái hiện nên ta có thể tìm thấy trong đó những câu chuyện rất lính, rất con người: Biết là có thể bị kỷ luật, nhưng thương lính đói sau những ngày dài chiến đấu, đồng ý cho họ thịt gà lợn dân bỏ lại và hàng của kho 559 bị địch đánh vương vãi trong rừng; một sĩ quan 12 năm với nam chinh bắc chiến, mà về hưu chỉ quân hàm Trung úy. Khi thấy tác giả ngạc nhiên và thương cảm, người sĩ quan ấy trả lời rằng: “Đấy là chuyện của tổ chức mà, biết làm sao được… Nhiều người còn thua thiệt hơn mình”! Đọc đến đây, tôi lại nhớ lời tâm sự của Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Khuất Duy Tiến, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1 khi nhận quyết định nghỉ hưu: “Tôi được như ngày nay là vô cùng may mắn rồi, vì trên con đường tôi đi, biết bao đồng đội, kể cả những người giỏi hơn tôi đã ngã xuống…”, đó là sự suy nghĩ cao thượng của những người đã qua trận mạc.

Cuốn “Những nẻo đường thời gian” còn kể về hoạt động của tác giả từ khi trở về hậu phương. Anh đã trải qua nhiều cương vị quan trọng khác nhau trong Bộ Quốc phòng: Từ cơ quan Tổng cục Chính trị, Cục Chính sách, Trường Sĩ quan Lục quân 1, đến Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật. Chính vì qua nhiều cơ quan đơn vị như vậy, cuốn sách cung cấp cho ta nhiều thông tin, nhiều vấn đề phát sinh, và cách xử lý của lãnh đạo, chỉ huy trong các dạng hình tổ chức của Quân đội ta.

Các đại biểu chụp ảnh tại lễ ra mắt sách của Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu.

Các đại biểu chụp ảnh tại lễ ra mắt sách của Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu.

Trong khi đó, cuốn sách ”Những vị tướng tôi từng được biết” lại là những nét chấm phá về tính cách, về cuộc đời của những vị tướng mà Nguyễn Mạnh Đẩu yêu mến. Họ là những tướng lĩnh tên tuổi của Quân đội Nhân dân Việt Nam như: Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Anh, Chu Huy Mân… Đó những người từng là cấp trên, đồng hương và cả những vị tướng là hàng xóm, có quan hệ gia đình. Cuốn sách chỉ hơn 200 trang nhưng là sự gửi gắm, là tình cảm của tác giả đến những vị tướng đáng kính thời trận mạc. Họ là những bậc cha chú, người thầy, người anh và cả là những người bạn vong niên. Mặc dù chỉ là những nét chấm phá, nhưng cuốn sách phần nào lột tả được trí tuệ, nhân cách chung của những vị tướng thuộc thế hệ vàng của Quân đội nhân dân Việt Nam: Họ là những người có tầm nhìn lớn, nhưng khiêm nhường. Với những người trẻ tuổi thì ân tình dạy bảo, với gia đình thì nặng nghĩa tình và nét đặc biệt trong tính cách của họ, là sống vô cùng trong sạch đôi khi như khắc kỷ...

 Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu (bên trái) tặng sách cho một đơn vị quân đội.

Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu (bên trái) tặng sách cho một đơn vị quân đội.

Từ khi về hưu, Nguyễn Mạnh Đẩu đã có khá nhiều tác phẩm, không chỉ là hồi ký mà cả thơ và truyện ngắn, phê bình văn học… Anh như một người thợ cày cần mẫn trên cánh đồng tri thức và chữ nghĩa. Cánh đồng mà anh cày cấy ấy là một cánh đồng dễ cho hoa trái bởi trong trong đó có sự màu mỡ của kiến thức, năng khiếu và sự đam mê. Tôi cũng như nhiều người quen biết, quý mến anh, luôn mong và tin rằng dù tuổi đã cao, anh sẽ còn gặt hái thêm nhiều hoa trái mới!

Thiếu tướng HỒ SỸ HẬU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/trung-tuong-nguyen-manh-dau-nguoi-tho-cay-can-man-tren-canh-dong-tri-thuc-801344