Nhận thức về 'Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc'

Gần đây, lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thường nói đến “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” trong nhiều bài viết và phát biểu. Tuy chưa có một định nghĩa đầy đủ về “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, chúng ta có thể hình dung về sự “vươn mình” của một thực thể (ở đây là Quốc gia - dân tộc) và tính khích lệ của câu nói ấy. Trong chừng mực có thể, chúng ta cùng tìm hiểu vài vấn đề liên quan đến “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Theo Từ điển Wiktionary tiếng Việt, “Kỷ nguyên là thời kỳ đánh dấu bởi một việc lớn xảy ra, có ảnh hưởng quan trọng đến tình hình sau này của xã hội” (kỷ nguyên hạt nhân, kỷ nguyên số...). Trong bài viết Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 9/10/2024 có giải thích: “Kỷ nguyên thường được hiểu là một thời kỳ lịch sử trong tiến trình phát triển của quốc gia dân tộc mà ở đó các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược được hoàn thành, được đánh dấu bằng những sự kiện tạo ra bước ngoặt vận động, mở ra trang sử mới”. Cũng theo từ điển tiếng Việt, “Vươn mình là sự chuyển mình vươn lên khí thế mạnh mẽ”. Như vậy, có thể hiểu “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” là một bước tiến lớn, mạnh mẽ của Việt Nam và dân tộc Việt Nam. Có người cho rằng, trong lịch sử cận và hiện đại, dân tộc Việt Nam đã trải qua 2 kỷ nguyên: Kỷ nguyên độc lập, tự do và kỷ nguyên đổi mới và phát triển. Hiện nay, Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” với chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chiến lược khoa học - công nghệ và chiến lược phát triển nhanh và bền vững.

Từ thực tế lịch sử của dân tộc Việt Nam thời cận hiện đại, chúng ta có thể thấy rằng dân tộc Việt Nam đã trải qua kỷ nguyên bị lệ thuộc, kỷ nguyên bị kìm hãm và hiện nay là kỷ nguyên vươn mình. Dân tộc Việt Nam đã phải trải qua hơn 80 năm bị đô hộ của thực dân Pháp và sau khi giành được độc lập, dân tộc Việt Nam lại liên tiếp cuộc chiến vì một đất nước thống nhất và vượt qua sự khủng hoảng kinh tế - xã hội trong thời đoạn bị cấm vận. Từ sự trỗi dậy sau đổi mới, đất nước đã có được thế và lực mới - “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Với những tiền đề đã “tích lũy”, Việt Nam có đầy đủ cơ sở hiện thực đạt được mục tiêu: Đến năm 2025, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Thực tế cho thấy, dân tộc Việt Nam đã và đang “vươn mình”.

Dân tộc Việt Nam vươn mình trong môi trường được cho là “đủ” cả về “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Trên bình diện quốc tế, Việt Nam đã và đang gia nhập sâu và rộng với thế giới, bang giao với hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ; hòa mình vào cuộc cách mạng khoa học - công nghệ với làn sóng AI (Artificial Intelligence: Trí tuệ nhân tạo), biến điều không thể thành điều có thể và đang hành trình một cuộc đua “không ai bị bỏ lại phía sau”. Về yếu tố bên trong, nội sinh - có tính quyết định, dân tộc Việt Nam được dẫn dắt bởi một chính đảng - Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, vì lợi ích của Nhân dân và được tôi luyện, thử thách ở các thời kỳ khác nhau với những bước ngoặt và ngã rẽ của chính trường quốc tế đã tạo nên độ dày dạn, bản lĩnh của một chính đảng chân chính. Cùng với Đảng và dưới sự lãnh đạo tập trung của Đảng, cả hệ thống chính trị tạo nên sức mạnh “vô địch” bởi tính thống nhất và bền chặt của nó - “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”. Mặt khác, bệ đỡ của cuộc “vươn mình” chính từ tài nguyên phong phú, điều kiện địa lý thuận lợi, vị trí giao thương quan trọng và từ phẩm chất và tài năng nguồn nhân lực, dân tộc Việt Nam có đủ cơ sở và điều kiện vươn mình.

Dĩ nhiên, “kỷ nguyên vươn mình” - cuộc chiến này phải được thực hiện dưới hình thức và cách làm hoàn toàn khác so với các kỷ nguyên trước đây. Để lật đổ “ách thống trị”, dân tộc Việt Nam đã phải “vùng lên”, “xuống đường”... đã “đập tan mọi xích xiềng”. Để thoát khỏi sự kìm hãm, dân tộc Việt Nam đã phải “phá rào”, “bung ra” trong sự nghiệp “đổi mới”. Và để “vươn mình”, dân tộc Việt Nam cần hấp thụ và chinh phục. Kỷ nguyên này nên và cần tiếp cận mọi việc một cách thông minh (Smart) với lộ trình cụ thể và bền bỉ. Các phong trào, chiến dịch, sự đột phá là cần thiết nhưng phải được đặt trên nền tảng khoa học của các cứ liệu và sự đánh giá nghiêm túc những tác động cả bên trong và bên ngoài. Trong mỗi giai đoạn, nhiều việc mới và khó khăn, thử thách, buộc con người muốn thành công phải mạo hiểm, nhưng “kỷ nguyên vươn mình” không cho phép hành động phiêu lưu. Bước tiến và độ lùi trong kỷ nguyên số là khoảng cách xa. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Sai một ly, đi một dặm” vẫn mang tính thời sự của nó.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ người nô lệ và đất nước không có tên trên bản đồ thế giới, dân tộc Việt Nam đã quật khởi vùng lên “thu giang san về một mối”; từ một nước bị kìm hãm và nghèo nàn, dân tộc Việt Nam đã gồng mình “cởi trói” để có thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình. Và từ đây, theo vận hội mới và khí thế mới, dân tộc Việt Nam “vươn mình” thẳng tiến đến: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Dân Biện

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/chinh-tri/nhan-thuc-ve-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc--126621.aspx