Nhân viên ngân hàng kịp thời ngăn chặn một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của tội phạm sử dụng công nghệ cao

Gần 11h20 ngày 5/5, một người phụ nữ hơn 70 tuổi đẩy cửa bước vào quầy giao dịch của Ngân hàng Seabank Vĩnh Phúc ở phường Ngô Quyền, thành phố Vĩnh Yên. Bà ấy chìa ra một sổ tiết kiệm và nói với nhân viên quầy giao dịch: “Cô ơi, cho tôi rút tiền”.

Chị N.T.H, cán bộ Ngân hàng Seabank nhận cuốn sổ tiết kiệm từ tay bà, thấy sổ còn 2 tháng nữa mới đến kỳ hạn tất toán bèn hỏi: “Bà ơi, bà có việc gì vội mà phải rút tiền vào lúc này ạ?”.

Bà già trả lời: “Tôi có việc, cô cho tôi rút tiền để gửi vào số tài khoản này”. Bà lại chìa một tờ giấy ghi chi chít những con chữ nguệch ngoạc đưa cho chị H. Lúc này, quan sát thấy gương mặt bà già tái xanh, thất thần, chị H. ân cần hỏi: “Bà ơi, có chuyện gì mà bà có vẻ hốt hoảng như vậy?”. Bà già mếu máo: "Công an họ gọi điện bảo tôi liên quan đến đường dây buôn ma túy. Tôi bị oan cô ạ...".

Chị H. giật mình và hiểu ngay sự việc. "Bà ơi, đây là số tài khoản họ yêu cầu bà chuyển tiền vào phải không?". Bà gật đầu xác nhận. Chị H. ôn tồn bảo: "Cháu hiểu rồi bà ạ. Bà đang bị họ lừa đảo đấy. Bà không phải rút tiền mà cũng không phải chuyển tiền cho ai đâu".

Bà già nghi ngờ: “Nhưng mà họ bảo... Đây, họ lại gọi cho tôi đây này". “Vâng, bà đưa điện thoại đây để cháu nói chuyện với họ”. Chị H. cầm điện thoại của bà già và nói luôn: “Tôi là con gái của bà đây, các anh cần gì?”. Vừa nghe thấy vậy, đầu dây phía bên kia lập tức tắt máy.

Người phụ nữ trong câu chuyện này là Nguyễn Thị Thành ở thành phố Vĩnh Yên. Vẫn chưa hết hoang mang, bà Thành kể với chị N. T. H. đầu đuôi câu chuyện: Khoảng 8h30 sáng 5/5, bà nhận được cuộc điện thoại từ số máy 1277692342… nói rằng kết quả test Covid-19 ở Trung tâm Y tế của một phường nào đó ở thành phố Hà Nội của bà vào ngày hôm trước là dương tính. Bà Thành trả lời bà không ở Hà Nội và hôm trước bà cũng không đi test Covid-19.

Nghe vậy, đối tượng bèn nói ít phút nữa sẽ có cán bộ Công an Hà Nội gọi điện cho bà làm rõ việc này. Đúng như đối tượng nói, vài phút sau bà lại nhận được một cuộc điện thoại từ số máy 1766693187…, xưng danh là cán bộ Công an Hà Nội.

Bà Thành thật thà trả lời tất cả các câu hỏi của người này, từ việc nhà bà ở đâu, con cái làm nghề gì, có bao nhiêu tài sản… Sau khi nghe bà Thành nói có một sổ tiết kiệm ngân hàng, đối tượng bèn nói bà Thành đang bị điều tra vì liên quan đến một đường dây buôn bán ma túy.

Bà Thành hoảng hốt thanh minh thì đối tượng nói bà phải lập tức ra ngay ngân hàng rút toàn bộ tiền tiết kiệm để gửi vào một số tài khoản ở Ngân hàng BIDV, chi nhánh Nha Trang, Khánh Hòa để cơ quan công an xác minh xem đó có phải là tiền do phạm tội mà có không, nếu kết quả xác minh bà Thành vô tội thì cơ quan công an sẽ trả lại tiền cho bà. Quá sợ hãi, bà Thành răm rắp làm theo yêu cầu của các đối tượng.

Tình huống bà Thành gặp phải trên đây là một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao phổ biến trong thời gian qua. Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng là giả danh cán bộ các cơ quan tư pháp như công an, viện kiểm sát… gọi điện cho bị hại nói họ liên quan đến những đường dây tội phạm như buôn ma túy, rửa tiền..., số tiền trong tài khoản ngân hàng của họ là tiền liên quan đến hoạt động phạm tội.

Tiếp đó, chúng yêu cầu các bị hại phải chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do chúng cung cấp để xác minh, nếu xác định số tiền đó không liên quan đến vụ án thì sẽ chuyển trả lại cho bị hại.

Trong nhiều trường hợp, các đối tượng còn gửi cả lệnh bắt khẩn cấp của cơ quan điều tra vào điện thoại của bị hại để họ sợ hãi và tin tưởng làm theo yêu cầu của chúng.

Ngay sau khi bị hại chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp, các đối tượng sẽ nhanh chóng rút tiền mặt hoặc chuyển tiếp sang các tài khoản khác để chiếm đoạt. Thực tế đã có nhiều trường hợp người dân bị lừa mất hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ .

Trong trường hợp trên, bà Thành rất may mắn vì chị N.T.H, nhân viên ngân hàng đã tinh tế nhận thấy biểu hiện bất thường khi bà đến yêu cầu tất toán sổ tiết kiệm trước hạn nên đã kịp thời ngăn chặn việc bà chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng lừa đảo. Nói về việc này, chị H. cho biết chị đã đọc được thông tin cảnh báo của cơ quan công an trên các phương tiện thông tin đại chúng nên nhanh chóng hiểu ra vấn đề bà Thành đang gặp phải.

Vụ việc sau đó đã được gia đình bà Thành trình báo cơ quan công an. Trung tá Vũ Văn Hào, Đội trưởng Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an tỉnh cho biết, qua xác minh cho thấy hai số điện thoại gọi cho bà Thành có đầu số 127 và 176 là của nước ngoài, không phải ở Việt Nam.

Đây cũng là một đặc điểm của tội phạm sử dụng công nghệ cao gây khó khăn cho công tác điều tra của lực lượng công an. Qua vụ việc trên, một lần nữa cảnh báo người dân phải nêu cao tinh thần cảnh giác với tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong gia đình, người trẻ cần chủ động thông tin với người cao tuổi về thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao và cách ứng phó trong những trường hợp đó, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở... cho bất kỳ người lạ nào, đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản do các đối tượng chỉ định.

Đối với các ngân hàng cũng cần cập nhật thường xuyên về thủ đoạn của tội phạm để chủ động phòng ngừa, giúp cho các khách hàng không mắc bẫy của tội phạm.

Đặc biệt, người dân luôn cần ghi nhớ các cơ quan tư pháp như công an, viện kiểm sát… không bao giờ thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại. Nếu có việc liên quan, các cơ quan tư pháp sẽ gửi giấy mời hoặc triệu tập người dân đến làm việc trực tiếp tại trụ sở cơ quan.

Minh Ánh

(Công an tỉnh)

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/phap-luat/76967/nhan-vien-ngan-hang-kip-thoi-ngan-chan-mot-vu-lua-dao-chiem-doat-tai-san-cua-toi-pham-su-dung-cong-nghe-cao.html