Nhật Bản - Vì sao nhớ mãi…
Nhật Bản là đất nước ân tình với Việt Nam nhưng cũng luôn ghi nhớ những gì Việt Nam đã chia sẻ với họ, nhất là trong các thảm họa thiên nhiên.
Vào đúng ngày đầu tiên của năm mới 2024, khoảng hơn 16 giờ chiều, anh Nguyễn Trí Dũng, một Việt kiều thường trú và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, đang về thăm gia đình ở thành phố Nagoya, miền Trung Nhật Bản, gọi điện thoại cho chồng tôi báo tin: Vừa xảy ra động đất lớn ở tỉnh Ishikawa và khu vực lân cận phía Tây Bắc Nhật Bản kèm theo cảnh báo sóng thần!
Chỉ có thể thốt lên “đáng khâm phục!”
Bất giác, tôi nhớ lại những khoảnh khắc đầu tiên mà tôi đã trải qua gần 13 năm trước khi thấy tất cả mọi thứ xung quanh rung lắc dữ dội trong trận động đất kinh hoàng 9,1 richter xảy ra cách Tokyo đến 150 km. Lần đầu tiên, tôi thực sự cảm thấy nguy hiểm chết người lơ lửng ngay trước mắt mình!
Trận động đất lần này, tuy không lớn bằng trận động đất ở Tohoku 11/3/2011 và sóng thần không lớn, không xảy ra sự cố rò rỉ phóng xạ tại các nhà máy điện hạt nhân nhưng người dân ở đều phải hứng chịu hậu quả. Tình hình càng trở nên nghiêm trọng khi tuyết rơi dày đặc làm sập tiếp những ngôi nhà đã bị hư hại, nhiệt độ xuống đến 0 độ khiến những nơi mất điện vô cùng lạnh giá. Mặc dù vậy, những người vùng bị nạn, khi được phỏng vấn, chỉ nói về những khó khăn do bị cô lập, thiếu nước, lương thực… mà không hề thấy sự hoảng hốt, bi quan.
Ở một đất nước hứng chịu số trận động đất hàng năm lên đến khoảng 1.500 vụ, nhiều nhất thế giới, việc thích ứng để sống còn đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân ở đây!
Nhớ lại trận động đất kinh hoàng 13 năm trước tàn phá cả một vùng rộng lớn ở Đông Bắc nước Nhật, sóng thần đã cướp đi gần 20 nghìn sinh mạng, nhưng trong thảm họa, kỷ cương và đạo đức vẫn được giữ vững, người Nhật xếp hàng nhận từng chai nước, không ai lấy quá phần của mình, mọi người nhường nhịn chia sẻ cho nhau!
Đúng tuần sau thảm họa đã diễn ra một Lễ tưởng niệm ở trung ương, với sự có mặt của Nhật Hoàng, Hoàng hậu, toàn thể Quốc hội và nội các, cùng lúc là nghi thức tưởng niệm với tiếng còi vang lên ở mọi nơi trên đất nước, báo hiệu một tuần lễ đau buồn đã kết thúc, cuộc sống đã trở lại bình thường! Thật cảm phục người dân xứ sở Mặt trời mọc!
Tôi được biết rằng trẻ em Việt Nam sang sống ở Nhật Bản, từ nhỏ đã được dạy cách ứng phó với động đất. Chẳng hạn: Khi thấy có hiện tượng rung lắc, trước hết phải bình tĩnh tìm chỗ trú ẩn, tìm những phòng hẹp, ít khả năng sập trần, chui vào gầm bàn để tránh chấn thương đầu và cơ thể, đợi khi hết rung lắc thì chuyển đến chỗ an toàn hơn!
Để phòng khi xảy ra động đất, nguồn cung cấp thực phẩm bị tê liệt trong vài ngày, mỗi gia đình luôn chuẩn bị ba lô với nước uống và thức ăn khô không cần chế biến, có thể ăn luôn để cầm cự cho đến khi được cứu hộ hoặc sơ tán đến chỗ an toàn hơn!
Một điều rất đáng khâm phục là công nghệ và quy trình xây dựng chống động đất ở Nhật Bản ở trình độ rất cao. Sau mỗi trận động đất, các cơ quan chức năng và nghiên cứu khoa học đều đưa ra những quy chuẩn mới về xây dựng và những biện pháp gia cố những công trình xây dựng trước đây.
Chúng tôi đã chứng kiến tình trạng rung lắc dữ dội khi động đất xảy ra ngày 11/3/2011, nhưng không có bất cứ ngôi nhà nào, kể cả các tòa nhà chọc trời ở Tokyo bị hư hại. Tháp truyền hình mới của Tokyo, với tên gọi là Tokyo Skytree cao 634m là Tháp truyền hình cao nhất thế giới, đồng thời là cấu trúc cao thứ hai thế giới, sau tháp Khalifa (Dubai) vẫn đứng vững trước trận động đất này!
“Lòng biết ơn” cao hơn tất cả
13 năm trước, số lượng người Việt ở Nhật Bản khoảng vài chục nghìn người, trong đó có nhiều lao động làm việc ở khu vực xảy ra động đất. Nhờ sự cưu mang, đùm bọc của chính quyền, các cơ quan, tổ chức và người dân Nhật Bản tại tất cả các địa phương, công dân Việt Nam được cứu hộ và chăm sóc kịp thời nên không xảy ra bất cứ thương vong nào.
Với sự giúp đỡ của Bộ Ngoại giao và các địa phương Nhật Bản, Đại sứ quán ta đã đưa được gần 100 công dân ở vùng nguy hiểm nhất do phóng xạ về tạm trú tại chùa Nissin Kutsu ở Tokyo, do Đại lão Hòa thượng Daichi Yosumizu trụ trì và Sư cô Thích Tâm Trí làm trợ lý. Từ đó, Nissin Kutsu đã trở thành chỗ dựa tinh thần của cộng đồng người Việt tại vùng Kanto, Nhật Bản.
Vào thời điểm hiện tại, cộng đồng người Việt tại Nhật Bản đã lên đến trên nửa triệu người, là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai ở Nhật Bản và cộng đồng người Việt lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau cộng đồng người Việt tại Mỹ, nguy cơ xảy ra thương vong đối với công dân ta lớn hơn nhiều và trách nhiệm bảo hộ công dân của các cơ quan đại diện ta tại Nhật Bản cũng nặng nề hơn rất nhiều!
Tại khu vực xảy ra động đất mới đây, có hàng nghìn người Việt đang sinh sống, làm việc. Cũng như người dân địa phương, công dân ta ở trong cảnh hoạn nạn với bao thiếu thốn nhưng điều mừng nhất là chưa xảy ra bất cứ thương vong nào. Sự hỗ trợ về tinh thần, vật chất của chính quyền, nhân dân địa phương, các cơ quan đại diện ta, các doanh nghiệp có lao động Việt Nam cũng như các hội người Việt tại địa phương đang xua dần đi những lo âu, vất vả của công dân!
Đặc biệt, chúng ta vô cùng biết ơn chính phủ và nhân dân Nhật Bản ngay trong hoàn cảnh hiểm nghèo nhất, đã cưu mang, giúp đỡ công dân Việt Nam trong các vụ thiên tai, nhất là trong hai trận động đất nghiêm trọng xảy ra năm 2011 và đầu năm 2024 này!
Nhật Bản là đất nước ân tình với Việt Nam như vậy nhưng cũng luôn ghi nhớ những gì Việt Nam đã chia sẻ, nhất là trong các thảm họa thiên nhiên. Cuối năm 2011, chồng tôi kết thúc nhiệm kỳ Đại sứ tại Nhật Bản về nước. Có lần đi ngang qua Đại sứ quán Nhật Bản trên đường Liễu Giai, chúng tôi thấy một tấm băng khẩu hiệu lớn trải dài trên bức tường Đại sứ quán với quốc kỳ của hai nước ở hai đầu và dòng chữ rất lớn bằng tiếng Việt và tiến Nhật: “Xin chân thành cảm ơn sự hỗ trợ quý báu của nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế dành cho các nạn nhân thiên tai Nhật Bản”, tiếp theo là dòng chữ lớn “Với lòng biết ơn của nhân dân Nhật Bản!”.
Tôi nhớ lại nội dung các cơ quan truyền thông đưa tin về các đợt quyên góp do chính phủ và các tổ chức xã hội ta phát động năm ấy là những hình ảnh cảm động như các em học sinh tiết kiệm chút tiền nhỏ, các cụ già mang cả tháng lương hưu hay những người bán hàng rong vỉa hè cũng dành giụm chút tiền mang đến ủng hộ người dân Nhật Bản. Các đợt quyên góp phải kéo dài nhiều lần theo yêu cầu của nhân dân. Có lẽ đây là chiến dịch quyên góp nhân đạo sôi nổi nhất, kéo dài nhất và thành công nhất ở Việt Nam từ trước tới nay!
Không rời xa khi hoạn nạn
Tôi nhớ lại những ngày xảy ra động đất sóng thần, tiếp theo là sự cố hạt nhân đầu năm 2011, hàng loạt các Đại sứ quán nước ngoài ở Tokyo cho hầu hết cán bộ, nhân viên về nước, khuyến cáo công dân tạm thời rời khỏi Nhật Bản để đề phòng nguy cơ phóng xạ hạt nhân lan rộng.
Qua tiếp xúc của cán bộ Đại sứ quán ta với Bộ Ngoại giao và bạn bè Nhật Bản, ngoài trách nhiệm phải nhanh chóng xử lý hậu quả thiên tai, các bạn rất lo lắng về sự kéo dài tình trạng cô lập của đất nước Nhật Bản! Ngoài sự hỗ trợ về vật chất, việc Việt Nam cùng các nước ASEAN duy trì nguyên đội ngũ cán bộ, nhân viên các cơ quan Đại diện cũng như công dân tại Nhật Bản là sự động viên rất lớn đối với chính phủ và nhân dân Nhật Bản.
Không những thế, theo kiến nghị của Đại sứ quán ta, trong năm đó, các đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam cũng như Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, phóng viên báo chí tiếp tục thăm Nhật Bản và những địa phương chịu thảm họa, được phía Nhật Bản coi là sự ủng hộ vô giá về tình thần đối với nhân dân Nhật Bản trong lúc khó khăn nhất. Chúng tôi thường xuyên được nghe các bạn Nhật Bản, từ lãnh đạo cấp cao đến người dân bình thường nhắc câu ngạn ngữ Nhật: “Những người bạn trong lúc nguy nan là những người bạn chân thành nhất!”.
Quả như vậy, quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản mới được nâng cấp thành quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện nhưng giữa nhân dân hai nước từ lâu đã có mối quan hệ ân tình đặc biệt, nhất là trong lúc khó khăn, là cơ sở vững chắc cho mối quan hệ hợp tác và hữu nghị lâu bền giữa hai nước!
(*) Phu nhân nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Phú Bình (2008-2011).
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhat-ban-vi-sao-nho-mai-257991.html