Nhật ký bác sĩ điều trị F0 chứng kiến giây phút sự sống và cái chết
Bác sĩ Bùi Thị Kim Kha, đang công tác tại Bệnh viện dã chiến số 3, TP.HCM chia sẻ câu chuyện người cha già ngất lịm khi thấy con qua đời.
Sài gòn, một đêm mưa!
Lại một đêm trực nữa sắp trôi qua, mưa đang rơi nặng hạt, càng khiến lòng tôi nặng trĩu. Dẫu biết sinh ly tử biệt từ ngàn xưa vẫn là quy luật của tạo hóa bất di bất dịch, có sinh có tử, có hợp có tan. Và sinh ly tử biệt nơi bệnh viện là chuyện không quá xa lạ, nhưng tử biệt trong hoàn cảnh bệnh nhân mắc COVID-19 là điều đau xót cho người ra đi cũng như người ở lại.
Hôm nay là sự ra đi của một chàng trai trẻ 8X đời cuối.
Tôi vẫn còn nhớ rất rõ ngày đầu nhận bệnh nhân ở cổng bệnh viện, hình ảnh một chàng trai cùng người cha già gần 70 tuổi tay xách nách mang khá nhiều đồ cho một chuyến đi dài của hành trình chiến đấu với kẻ thù vô hình mang tên COVID-19.
Khi được khám sàng lọc, người cha nói “chú còn khỏe, con trai chú có tiền sử hen từ nhỏ, các cô các chú quan tâm nó nhiều giúp chú với”.
Nhập viện chưa được bao lâu thì cả hai cha con đều được đưa xuống phòng cấp cứu để theo dõi. Anh nặng hơn nên ở phòng thở máy HFNC, chú nhẹ hơn ở phòng thở oxy qua mask.
Đều như vắt chanh, ngày nào tôi cũng thấy bóng dáng người cha già trốn qua phòng con trai mình chăm và động viên con từng ly từng tí. Nghị lực sống của anh rất kiên cường, luôn tuân thủ hướng dẫn của y bác sĩ, thở oxy áp lực cao đi qua mũi gây cảm giác đau và khó chịu nhưng chưa bao giờ anh ấy gỡ ra, như thường gặp ở các bệnh nhân khác.
Trước khi đưa ra quyết định đặt nội khí quản, tua trực dẫn cha anh đến trước anh, 2 cha con nắm tay nhau thật chặt và những giọt nước mắt cứ thế trào ra.
Bác sĩ Bùi Thị Kim Kha
Thời gian trôi qua, sức khỏe của anh ngày một yếu đi, thêm nhiều cơn hen xuất hiện khiến hô hấp của anh ngày một tệ hơn. Trước khi đưa ra quyết định đặt nội khí quản, tua trực dẫn cha anh đến trước anh, 2 cha con nắm tay nhau thật chặt và những giọt nước mắt cứ thế trào ra.
Lòng chúng tôi đau như thắt, ai trong nghề cũng hiểu đặt nội khí quản thở máy là để duy trì sự sống, nhưng sự sống ấy không kéo dài được bao lâu, rất ít trường hợp phục hồi lại.
Và anh ấy cũng thế, chúng tôi đã cố gắng hết sức, một e-kip hồi sức hoạt động cật lực, người ép tim, người bóp bóng, người cho y lệnh, người vào thuốc... nhưng có lẽ đã đến lúc anh cần được nghỉ ngơi, đã quá xuất sắc rồi chàng trai của chúng tôi ạ!
Không có nỗi đau nào sánh bằng nỗi đau cha mẹ mất con. Nhìn dáng người cha già liêu xiêu đi vào nhìn con lần cuối mà thấy thương vô hạn. Nước mắt chú không ngừng rơi, tay chân run rẩy ôm con, vuốt ve gương mặt con…Và rồi chú ngất lịm đi.
Chúng tôi nhanh chóng đưa chú lại giường bệnh và cho chú thở oxy. Hai cha con đã kiên cường chiến đấu với bệnh tật, nay một người ra đi, một người ở lại, kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh... Cuộc đời... chỉ một tích tắc, có thể thay đổi tất cả. Có đó, rồi mất đó.
Thật sự chàng trai đã ra đi thanh thản, chẳng phải chịu đau đớn thêm khi hồi sức như hồi sinh tim phổi, đặt nội khí quản, thở máy... nhẹ nhàng trút hơi thở cuối.
Đồng nghiệp của tôi dường như ai cũng kiệt sức, mồ hôi ướt đẫm trong trong bộ đồ bảo hộ kín mít, nhiều người đã nằm quỵ xuống. Nhiều lúc muốn bỏ tất cả để về với gia đình, nhưng khi nhìn nét lo sợ trên gương mặt bệnh nhân, niềm khao khát được sống nên chúng tôi chỉ biết dặn lòng phải cố gắng, cố gắng hơn nữa.
Vỗ vai, kéo nhau dậy tiếp tục chiến đấu nào anh em ơi!
Hơn 2 tháng trời ròng rã cùng bệnh nhân trải qua những cuộc chiến giành giật sự sống đầy khốc liệt nơi Bệnh viện dã chiến số 3, có nhiều bệnh nhân chúng tôi phải gọi là sự hồi sinh một cách đầy ngoạn mục, họ đã kiên cường chiến đấu với “tử thần”. Đó là lý do chúng tôi có mặt ở nơi này.
Bạn bè tôi hay hỏi: “Sao mày đi chống dịch lâu thế còn chưa chịu về, ở lâu sức đề kháng yếu không sợ nhiễm bệnh à?”, tôi nói: “Tao lỡ yêu nơi này mất tiêu rồi mày à”.
Tôi yêu nơi này thật đó, yêu vì lý tưởng cao cả chữa bệnh cứu người được thực hiện, yêu vì những người đồng nghiệp luôn kề vai sát cánh tiếp sức cho nhau, yêu vì những câu nói “nay tôi khỏe lắm rồi, cảm ơn các y bác sĩ thật nhiều”... Nhiễm bệnh ai mà không sợ, nhưng hơn lúc nào hết Tổ quốc đang cần chúng tôi.
Ba má tôi ngày nào cũng gọi điện chỉ để dặn hai câu ăn nhiều vô con nhé và cẩn thận con nha. Nghe lời ba má dặn, tôi chiến đấu hết mình, nhưng vẫn luôn cẩn thận để giữ sức khỏe và tinh thần thật tốt.
Cuộc chiến với kẻ thù vô hình này sẽ còn kéo dài, kiên cường lên nào chúng ta ơi!
Thật lòng chúng tôi nhớ nhà lắm, chỉ ước hết dịch chạy thẳng về nhà ngủ một giấc thật sâu và chờ mâm cơm thịnh soạn của má. Tôi hy vọng COVID-19 sẽ đi thật nhanh để mọi người trở lại cuộc sống bình thường như trước.
Cuộc sống vốn dĩ vô thường, dẫu có lúc muộn phiền, nhưng đi qua những gian khó tôi trân trọng hơn những người xung quanh mình, tôi thêm yêu cuộc sống, yêu từ những điều nhỏ nhặt nhất.
Lực lượng tuyến đầu chống dịch ơi, chúng ta mạnh mẽ và cười thật nhiều nhé. Hết đêm nay, mặt trời sẽ lên, nắng sẽ rực rỡ!