Nhiều mỏ cát bị thổi giá 'ảo' tại khu vục miền Tây hiện ra sao? (Bài 6)
Sau khi đẩy giá đấu các mỏ cát lên gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần giá khởi điểm, các doanh nghiệp trúng đấu giá lại bỏ cọc 'lặn mất tăm'. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn tới vấn đề quy hoạch, thị trường vật liệu xây dựng tại khu vực miền Tây.
Theo tìm hiểu, tháng 4/2021, tỉnh An Giang tổ chức đấu giá mỏ cát trên sông Tiền tại xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới với khối lượng mời đấu giá 2.372.500 m3 và mức đấu giá khởi điểm 7,2 tỷ đồng. Kết thúc phiên đấu giá, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ T-S.Home trúng đấu giá với mức giá hơn 2.811 tỷ đồng, cao hơn 390 lần so với giá khởi điểm.
Sau khi T-S.Home trúng đấu giá, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang đã phối hợp với Trung tâm địch vụ đấu giá tài sản tỉnh An Giang gửi thông báo đến doanh nghiệp này và đề nghị nộp tiền trúng giá quyền khai thác khoáng sản tại mỏ cát.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, với số tiền trúng đấu giá quyền khai thác cát lên tới hơn 2.800 tỷ đồng, Công ty T-S.Home phải nộp hơn 140 tỷ đồng trước khi được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Với số tiền còn lại, công ty sẽ nộp trong 4 năm, mỗi năm phải nộp số tiền tạm tính là hơn 667 tỷ đồng.
Tuy nhiên, phía công ty lại đề xuất cho nộp tiền trúng đấu giá lần đầu là 50 tỷ đồng trước khi cấp phép khai thác và số tiền hơn 90 tỷ đồng sẽ được nộp trong năm khai thác đầu tiên.
Trong trường hợp UBND tỉnh không chấp thuận đề xuất này, Công ty T-S.Home xin nhận lại 1,4 tỷ đồng tiền đặt cọc và đồng ý trả chi phí tổ chức đấu giá tại khu mỏ cát.
Từ những lý do trên, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang đã đề xuất UBND tỉnh hủy kết quả đấu giá quyền khai thác mỏ cát sông trên sông Tiền đối với Công ty T-S.Home.
Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang yêu cầu Công ty T-S.Home phải trả lại chi phí tổ chức đấu giá cho Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh An Giang với số tiền 330 triệu đồng trước khi được nhận lại tiền đặt cọc là hơn 747 triệu đồng.
Sau đó, UBND tỉnh An Giang đã có văn bản thông báo đến Công ty TNHH thương mại và dịch vụ T-S.Home việc hủy bỏ giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, hủy kết quả đấu giá tài sản đối với quyền khai thác mỏ cát sông tại khu mỏ cát trên sông Tiền thuộc xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới. Lý do hủy bỏ, theo UBND tỉnh An Giang, là do Công ty T-S.Home có công văn về việc ngưng thực hiện thủ tục khai thác mỏ cát.
"Số tiền đặt cọc của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ T-S.Home đã nộp khi tham gia đấu giá hơn 1 tỉ đồng không được trả lại, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh An Giang thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước, sau khi trừ thù lao dịch vụ đấu giá tài sản cho Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh là 330 triệu đồng, số tiền còn lại nộp ngân sách nhà nước gần 760 triệu đồng", văn bản của UBND tỉnh An Giang nêu rõ.
Thông tin với Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường liên quan đến việc đấu giá mỏ cát sông Tiền trên địa bàn tỉnh An Giang vào tháng 3/2021 sau đó đơn vị trúng đấu giá đã bỏ cọc, ngày 17/11 ông Thái Minh Hiển - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cho hay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã hủy kết quả đấu giá mỏ cát này và hiện nay chưa có kế hoạch tổ chức đấu giá lại.
“Hiện nay chúng tôi đang tập trung thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao mỏ cát cho việc xây dựng cao tốc. Cho nên chúng tôi không làm việc gì khác ngoài việc này hết. Còn những việc khác năm tới tính sau”, ông Thái Minh Hiển thông tin.
Trước đó, trong các năm 2019 và 2020, Sở TN&MT tỉnh Bến Tre đã tổ chức đấu giá thành công quyền khai thác khoáng sản đối với 5 mỏ cát khác trên các tuyến sông thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh. Tuy nhiên chỉ có mỏ cát Cẩm Sơn (huyện Mỏ Cày Nam) do Công ty TNHH Xây dựng - Dịch vụ - Thương mại - Vận tải Trung Hiếu Phát trúng đấu giá là thực hiện thủ tục và được cấp quyền khai thác. Còn 4 mỏ khai thác cát khác đã bị hủy kết quả.
Cụ thể, UBND tỉnh Bên Tre cũng đã có quyết định hủy kết quả trúng đấu giá đối với 3 mỏ cát khác gồm: mỏ cát Quới Sơn, mỏ An Đức - An Hòa Tây và mỏ An Hiệp- An Ngãi Tây, do quá thời hạn các doanh nghiệp trúng đấu giá không đến làm thủ tục để được cấp phép quyền khai thác.
Theo đó, Công ty TNHH Xây dựng -Thương mại Hiệp Hương trúng đấu giá mỏ cát Quới Sơn (huyện Châu Thành) có trữ lượng khoảng 1,1 triệu m3 với mức trúng đấu giá trên 22,4 tỉ đồng; Công ty TNHH Sơn Ninh trúng đấu giá mỏ An Đức - An Hòa Tây (huyện Ba Tri) có trữ lượng 1,5 triệu m2, với mức trúng đấu giá 220 tỉ đồng; Công ty Cổ phần Vận tải biển Đà Nẵng trúng đấu giá mỏ cát An Hiệp- An Ngãi Tây (huyện Ba Tri) có trữ lượng 1,5 triệu m3, đấu giá trúng trên 121 tỉ đồng.
Được biết, đây là 3 doanh nghiệp có mức trúng đấu giá cao gấp hơn 40 lần so với giá khởi điểm.
Mới đây nhất, UBND tỉnh Bến Tre vừa có quyết định về việc hủy kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (cát san lấp) đối với khu vực khoáng sản An Hòa Tây, thuộc xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri.
Lý do đơn vị trúng đấu giá mỏ cát An Hòa Tây, huyện Ba Tri là Công ty TNHH Thương mại Tùng Bách Việt (nay là Công ty TNHH Green Pearl Island) nộp hồ sơ tham gia đấu giá không còn giá trị sử dụng. Bên cạnh đó, công ty thay đổi tư cách pháp lý trong thời gian tổ chức đấu giá nhưng không bổ sung văn bản liên quan cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ đấu giá trước khi tiến hành đấu giá.
Do đó, UBND tỉnh Bến Tre giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu thực hiện hoàn trả số tiền còn lại mà đơn vị trúng đấu giá đã nộp vào ngân sách nhà nước, đảm bảo quyền và lợi ích các bên theo quy định.
Theo Sở TN&MT tỉnh Bến Tre, theo Nghị quyết số 08/2014/NQ-HĐND, đến thời điểm hiện nay đã hết kỳ quy hoạch và phải lập lại quy hoạch; sắp tới khi nào quy hoạch mới được phê duyệt, Sở TN&MT tỉnh sẽ thực hiện các thủ tục để đấu giá lại các mỏ cát trên.
Còn nữa...
Doanh nghiệp "hiến kế"
Về giải pháp ngăn chặn doanh nghiệp đấu giá mỏ khoán sản cao xong bỏ cọc, trao đổi với PV, một đại diện Công ty Cổ phần đầu tư Hải Hưng Thịnh cho rằng:Giải pháp để ngăn chặn việc doanh nghiệp đấu giá với giá cao sau đó bỏ cọc thực sự không khó. Cụ thể, các cơ quan chức năng cần có quy định, cam kết trước khi ra đấu giá, nếu đấu giá thắng mà bỏ cọc là cấm vĩnh viễn tham gia đấu giá trong lĩnh vực đó, doanh nghiệp nào chịu thì tham gia đấu giá, không đồng ý thì không tham gia. Thậm chí, doanh nghiệp nào cố tình tham gia đấu giá với giá cao sau đó bỏ cọc thì rút giấy phép.
Thứ hai, trong trường hợp đấu giá người thứ nhất bỏ thì người thứ 2 phải nhận vì tham gia đấu giá có nhiều đơn vị, nếu đơn vị nào bỏ thì lựa chọn đơn vị bỏ giá cao tiếp theo sẽ trúng đấu giá
Phải có những quy định như vậy thì sẽ xử lý được việc đấu giá cao rồi bỏ cọc.
Cũng theo đại diện Công ty Cổ phần Hải Hưng Thịnh, có những doanh nghiệp tham gia đấu giá và trúng thì họ sẽ mang kết quả đó rồi “phù phép” để “điền vào chỗ trống” đối với những sản lượng khoáng sản không rõ nguồn gốc để qua mặt ngành chức năng.
Một hiện tượng khác là Doanh nghiệp được công nhận đấu giá, xong về không làm tiếp, họ lấy cái đó tôi được công nhận đấu giá với khối lượng này nhét vô những phần đang bị hổng ở những công trình khác. Tức là hợp thức hóa câu chuyện đã làm rồi. Hoặc cũng có thể hộ cầm hồ sơ đấu giá đó để thực hiện thủ tục nhận, đấu thầu công trình mới. Và còn rất nhiều chiêu trò phía sau câu chuyện đấu giá cao rồi bỏ.
Phần khác nữa là trước khi đưa ra đấu giá cần phải có bảng giá đấu cụ thể và sát với thực tiễn và thông báo rộng rãi.