Nhiều mối quan tâm, lo lắng về chất lượng đào tạo của giáo dục nghề nghiệp

Hiện nay, nhu cầu doanh nghiệp có lao động tay nghề cao nhưng việc tuyển dụng lại khó khăn, đào tạo một đường làm việc một nẻo đang trở thành nỗi lo của cử tri của nhiều địa phương.

Lao động tay nghề cao vẫn còn thiếu

Vấn đề đào tạo nghề đang là nỗi lo đối với cử tri của nhiều địa phương. Đơn cử, cử tri tỉnh Long An gửi thông tin tới Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho rằng, việc tuyển dụng lao động hiện nay gặp nhiều khó khăn, nhất là lao động có tay nghề, qua đào tạo.

Một trong những nguyên nhân là việc giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh vẫn còn một số bất cập, hạn chế nhất định như: chất lượng đào tạo nghề tại một số trường còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và việc đào tạo liên thông các trường để lao động có tay nghề dễ dàng học tập nâng cao trình độ còn hạn chế, dẫn đến học sinh không thích vào học các trường nghề.

Cử tri kiến nghị có giải pháp, định hướng lâu dài để góp phần giải quyết những bất cập, hạn chế nêu trên.

 Đào tạo nghề đóng vai trò quan trọng trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (ảnh minh họa- nguồn internet).

Đào tạo nghề đóng vai trò quan trọng trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (ảnh minh họa- nguồn internet).

Cùng mối quan tâm đến vấn đề này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Nam với nội dung như sau: “Đề nghị tổ chức đào tạo nghề cho người lao động phải gắn với giải quyết việc làm và đáp ứng với nhu cầu, tiêu chuẩn của các doanh nghiệp trong khu cụm công nghiệp tại địa phương;

Tập trung đào tạo công nhân có tay nghề cao, có kỹ năng và tác phong công nghiệp, đáp ứng nhu cầu sản xuất công nghiệp trong nước và xuất khẩu lao động tại các nước phát triển”.

Trước những mối quan tâm trên, mới đây, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có trả lời. Theo Bộ LĐTB&XH, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, nhất là lao động có chuyên môn kỹ thuật đã qua đào tạo nghề các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN), nguyên nhân chủ yếu do nguồn “cung” lao động qua đào tạo chưa đáp ứng đủ so với “cầu” của thị trường lao động.

Số lượng đầu vào GDNN hạn chế: Số lượng người học trình độ trung cấp, cao đẳng trong GDNN hàng năm từ 400.000 - 500.000 người so với gần 1 triệu học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông và khoảng 1,2 triệu học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở hàng năm; số còn lại vào học đại học (đối với học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông) hoặc tham gia ngay vào thị trường lao động mà không qua đào tạo và vào học THPT (đối với học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở).

Năm 2024, các doanh nghiệp trên cả nước có nhu cầu tuyển dụng khoảng 1,9 triệu lao động, trong đó 44% lao động không qua đào tạo, 19% lao động có trình độ đại học trở lên và khoảng 37% lao động có trình độ trung cấp, cao đẳng (tương đương khoảng 700.000 người) so với nguồn cung lao động ở trình độ này của GDNN thì còn thiếu khoảng 200.000 - 300.000 người.

Doanh nghiệp sẵn sàng tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo với nhiều chính sách đãi ngộ tốt làm cho nguồn tuyển sinh các trình độ trong GDNN bị hạn chế, việc liên thông giữa các trình độ đào tạo hiện nay khá thuận lợi dẫn đến số người học tốt nghiệp ra trường tham gia ngay vào thị trường lao động giảm.

Công tác phân luồng, định hướng người học vào GDNN không chỉ là trách nhiệm của hệ thống GDNN mà còn là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành, các địa phương và cả hệ thống chính trị, xã hội, nhằm góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của người học đối với việc học nghề và lập nghiệp.

Với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực GDNN, Bộ LĐTB&XH đã quyết liệt chỉ đạo hệ thống GDNN, các cơ sở GDNN tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh người học vào GDNN.

Đồng thời, tăng cường phối hợp với hệ thống giáo dục đào tạo và các cơ sở giáo dục phổ thông làm tốt công tác phân luồng, định hướng người học vào GDNN nhằm tăng số lượng đầu vào, cải thiện số lượng và chất lượng đầu ra, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Đào tạo cần gắn bó với việc làm

Liên quan đào tạo gắn với việc làm, từ năm 2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thành lập Tổ công tác gắn kết giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với thị trường lao động và việc làm bền vững để xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch phối hợp hoạt động hàng năm. Qua đó tăng cường sự gắn kết giữa hoạt động đào tạo của các cơ sở GDNN với việc sử dụng lao động của doanh nghiệp, các doanh nghiệp được khuyến khích tham gia hoạt động đào tạo của các cơ sở GDNN để học sinh, sinh viên được tiếp cận với doanh nghiệp ngay trong quá trình học tập, là cơ hội để người học tìm kiếm được việc làm phù hợp, đồng thời doanh nghiệp cũng tuyển dụng được người lao động đúng với nhu cầu sử dụng.

Với chủ trương coi doanh nghiệp là môi trường đào tạo thứ hai ngoài nhà trường, áp dụng mô hình đào tạo “kép” kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp, tại nhiều cơ sở GDNN, học sinh, sinh viên được đến doanh nghiệp để thực hành, thực tập và ký hợp đồng làm việc ngay từ khi chưa ra trường và đến khi tốt nghiệp ra trường tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp.

Bộ LĐTB&XH cũng đã chỉ đạo và khuyến khích mô hình các cơ sở GDNN cam kết giải quyết việc làm cho người học ngay khi ra trường, hoàn trả học phí nếu không bố trí được việc làm đúng với ngành nghề đào tạo.

Các chính sách hỗ trợ, quyền lợi, nghĩa vụ của doanh nghiệp khi tham gia hoạt động GDNN đã được quy định rõ trong Luật GDNN và các luật về thuế liên quan, thu hút doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo của các cơ sở GDNN và sử dụng lao động qua đào tạo.

Qua theo dõi, báo cáo từ các địa phương, các cơ sở GDNN và phản hồi từ các doanh nghiệp, hiện nay người học các trình độ trong GDNN cơ bản đã đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp và trên 80% học sinh, sinh viên học các trình độ trong GDNN ra trường có việc làm ngay.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhieu-moi-quan-tam-lo-lang-ve-chat-luong-dao-tao-cua-giao-duc-nghe-nghiep-post307492.html