Nhiều nhà lãnh đạo cam kết ngăn chặn mất đa dạng sinh học của Trái đất
Ngày 28-9, đã có 64 nhà lãnh đạo của các quốc gia, trong đó có Pháp, Đức và Anh ký vào cam kết hợp tác đẩy lùi sự mất mát đa dạng sinh học vào năm 2030 để phát triển bền vững. Dự kiến tối nay, theo giờ Việt Nam, cam kết này sẽ được công bố.
Ngày 28-9, đã có 64 nhà lãnh đạo của các quốc gia, trong đó có Pháp, Đức và Anh ký vào cam kết hợp tác đẩy lùi sự mất mát đa dạng sinh học vào năm 2030 để phát triển bền vững. Dự kiến tối nay, theo giờ Việt Nam, cam kết này sẽ được công bố.
Không có "vaccine" cho sự nóng lên toàn cầu
Tại cuộc họp thường niên của Liên hợp quốc diễn ra trong tuần qua, một số nhà lãnh đạo thế giới cảnh báo: Nếu Covid-19 không giết chết chúng ta, thì biến đổi khí hậu sẽ làm điều đó.
Với việc Siberia chứng kiến nhiệt độ nóng kỷ lục trong năm nay và những tảng băng khổng lồ ở Greenland và Canada đang trượt xuống biển, các quốc gia nhận thức sâu sắc rằng không có vaccine cho sự nóng lên toàn cầu.
Người đứng đầu nhà nước và chính phủ từ 64 quốc gia, trải dài khắp năm châu lục, và Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã ký cam kết khắc phục tình trạng mất mát đa dạng sinh học vào năm 2030. Các quốc gia tán thành cam kết đại diện cho hơn 1,3 tỷ người và hơn một phần tư GDP toàn cầu. Họ hứa hẹn đưa động vật hoang dã và khí hậu vào trọng tâm của các kế hoạch phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Với bản cam kết này, các quốc gia sẽ kiềm chế ô nhiễm, áp dụng các hệ thống kinh tế bền vững và loại bỏ việc đổ rác thải nhựa trên các đại dương vào giữa thế kỷ này như một phần của “hành động có ý nghĩa” nhằm ngăn chặn sự tàn phá thiên nhiên trên Trái đất.
64 nhà lãnh đạo từ năm châu lục cảnh báo rằng, nhân loại đang ở trong tình trạng khẩn cấp của hành tinh do khủng hoảng khí hậu và sự tàn phá tràn lan của các hệ sinh thái duy trì sự sống. Để khôi phục sự cân bằng với thiên nhiên, các chính phủ và Liên minh châu Âu đã đưa ra 10 điểm cam kết.
Các cam kết bao gồm nỗ lực đổi mới nhằm giảm nạn phá rừng, ngăn chặn các hoạt động đánh bắt không bền vững, loại bỏ các khoản trợ cấp có hại cho môi trường và bắt đầu chuyển đổi sang các hệ thống sản xuất lương thực bền vững và một nền kinh tế tuần hoàn trong thập kỷ tới. Các nhà lãnh đạo mô tả cam kết như một "bước ngoặt" mà qua đó các thế hệ tương lai sẽ đánh giá sự sẵn sàng trong hành động của những người đi trước.
Về thiên nhiên, các nhà lãnh đạo cam kết đặt động vật hoang dã và khí hậu vào trọng tâm của các kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch, hứa hẹn giải quyết khủng hoảng khí hậu, phá rừng, suy thoái hệ sinh thái và ô nhiễm.
Thông báo này được đưa ra trước Hội nghị thượng đỉnh về đa dạng sinh học của Liên hợp quốc diễn ra vào thứ Tư, 30-9 và nó như một phần cuộc đàm phán về một thỏa thuận quốc tế Paris về tự nhiên. Các vị trí phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh tuần này đã được đăng ký quá mức, với hơn 116 nguyên thủ quốc gia và chính phủ.
“Khoa học cho thấy rõ ràng rằng mất đa dạng sinh học, suy thoái đất đai và đại dương, ô nhiễm, cạn kiệt tài nguyên và biến đổi khí hậu đang gia tăng với tốc độ chưa từng có. Sự gia tốc này đang gây ra tác hại không thể đảo ngược đối với các hệ thống hỗ trợ cuộc sống của chúng ta và làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng cũng như nạn đói và suy dinh dưỡng”, bản cam kết viết.
Bản cam kết cho rằng: “Bất chấp các thỏa thuận và mục tiêu toàn cầu đầy tham vọng về bảo vệ, sử dụng bền vững và phục hồi đa dạng sinh học, và bất chấp nhiều câu chuyện thành công của địa phương, các xu hướng toàn cầu tiếp tục đi sai hướng nhanh chóng. Cần có một sự thay đổi mang tính cách mạng: chúng ta không thể đơn giản tiếp tục như trước đây”.
Các nhà lãnh đạo cũng cam kết chấm dứt tội phạm môi trường và trấn áp các nhóm tội phạm có tổ chức liên quan đến buôn bán động vật hoang dã và gỗ trái phép.
Kế hoạch không thể trì hoãn
Lời cam kết của các nhà lãnh đạo đối với thiên nhiên sẽ chính thức ra mắt tại sự kiện trực tuyến diễn ra từ 21 giờ đến 22 giờ 30 tối nay, ngày 28-9 theo giờ Việt Nam. Dự kiến, sẽ có 20 người đứng đầu nhà nước và chính phủ phát biểu.
Bài phát biểu dự kiến tại buổi lễ ra mắt cam kết của Thủ tướng Anh Boris Johnson có đoạn viết: “Chúng ta phải biến những lời này thành hành động và sử dụng chúng để tạo động lực, để thống nhất các mục tiêu ràng buộc đầy tham vọng”.
“Chúng ta phải hành động ngay bây giờ. Chúng ta không thể trì hoãn vì ngày nay sự mất mát đa dạng sinh học đang diễn ra với tốc độ đáng sợ. Nếu không được kiểm soát, hậu quả sẽ rất thảm khốc cho tất cả chúng ta. Sự tuyệt chủng là mãi mãi, vì vậy hành động của chúng ta phải ngay lập tức”.
Ông cũng sẽ thông báo, vào năm 2030, 30% đất đai của Vương quốc Anh sẽ dành để bảo vệ thiên nhiên. Có nghĩa là thêm 400.000 ha, tương đương với diện tích của các công viên quốc gia Lake District và South Downs cộng lại, sẽ được bảo tồn.
Các bên ký cam kết khác bao gồm các nhà lãnh đạo của Bangladesh, Bhutan, Colombia, Costa Rica, Fiji, Kenya, Seychelles và Mexico. Các nhà lãnh đạo Mỹ, Brazil và Trung Quốc đã không ký cam kết này.
Đầu tháng 9, Liên hợp quốc thông báo rằng thế giới đã không đạt được một mục tiêu duy nhất để làm chậm sự mất mát của thế giới tự nhiên trong thập kỷ thứ hai liên tiếp, bao gồm các mục tiêu bảo vệ các rạn san hô, bảo tồn môi trường sống tự nhiên và giảm chất thải nhựa và hóa chất xuống mức có thể không làm hỏng hệ sinh thái.
Đã có một loạt các báo cáo và nghiên cứu về tình trạng tự nhiên trên Trái đất trong những tuần gần đây, như báo cáo Sức sống hành tinh năm 2020 của WWF, trong đó phát hiện ra các quần thể động vật có vú, chim, cá, lưỡng cư và bò sát giảm trung bình 68% từ năm 1970 đến năm 2016.
Bà Elizabeth Maruma Mrema, thư ký điều hành của Công ước Liên hợp quốc về Đa dạng sinh học vào năm 2020 hoan nghênh cam kết mới của các nhà lãnh đạo thế giới, mô tả đây là “đóng góp đầy cảm hứng” cho các cuộc đàm phán đang diễn ra do “tính cấp thiết, thống nhất và tham vọng của cam kết”.
Ông Robert Watson, Chủ tịch Diễn đàn Khoa học - Chính sách liên chính phủ về Đa dạng sinh học và Dịch vụ Hệ sinh thái (IPBES), đã mô tả cam kết này là “nổi bật” và ca ngợi những mối liên hệ mà các nhà lãnh đạo đã đạt được giữa sự hủy diệt thế giới tự nhiên và các mục tiêu phát triển bền vững. Nhưng ông Watson cảnh báo những gì có thể xảy ra nếu không có chữ ký của những quốc gia gây ô nhiễm lớn.
“Nhiều quốc gia quan trọng nhất trên thế giới đang gây ra biến đổi khí hậu do phát thải khí nhà kính hoặc đang phá hủy đa dạng sinh học của họ lại không ký cam kết này. Nếu không có các quốc gia như Mỹ, Brazil, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Australia, chúng tôi không thể thành công trong việc đạt được mục tiêu Khí hậu Paris hoặc dừng lại và cuối cùng là đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học”, ông nói với Guardian.
Tổng giám đốc WWF Marco Lambertini cho biết: “Lời cam kết của các nhà lãnh đạo vì thiên nhiên đánh dấu một thời điểm quan trọng khi các quốc gia thể hiện sự lãnh đạo thực sự từ cấp chính trị cao nhất và cam kết đẩy lùi sự mất mát đa dạng sinh học vào năm 2030. Chúng tôi kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo xây dựng về tham vọng này tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới của Liên hợp quốc về đa dạng sinh học”.