Xác định nơi sinh vật sống có thể đang ẩn nấp trên Sao Hỏa

NASA tin rằng những vùng có địa hình được 'điêu khắc' kỳ ảo bởi băng nước bụi như Terra Sirenum của Sao Hỏa có thể đang che giấu sự sống.

Một nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature Communications Earth & Environment cho rằng các sinh vật bé nhỏ có thể tìm thấy nơi trú ẩn phù hợp ngay gần bề mặt một số vùng ở Sao Hỏa ngày nay.

Tác giả chính Aditya Khuller từ Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực (JPL) của NASA khẳng định: "Nếu chúng ta đang cố gắng tìm kiếm sự sống ở bất cứ nơi nào trong vũ trụ ngày nay, thì các vùng băng trên Sao Hỏa có lẽ là một trong những nơi dễ tiếp cận nhất".

Các khu vực Terra Sirenum (trái) và Dao Vallis (ảnh trên, bên phải) trên Sao Hỏa có thể tồn tại cấu trúc lỗ cryoconite như vùng băng giá Alaska của Trái Đất (ảnh dưới, bên phải) - Ảnh: NASA

Các khu vực Terra Sirenum (trái) và Dao Vallis (ảnh trên, bên phải) trên Sao Hỏa có thể tồn tại cấu trúc lỗ cryoconite như vùng băng giá Alaska của Trái Đất (ảnh dưới, bên phải) - Ảnh: NASA

Sao Hỏa có hai loại băng: Nước đóng băng và carbon dioxide đóng băng. Nghiên cứu mới đã tập trung vào loại thứ nhất.

Một lượng lớn băng nước trên Sao Hỏa hình thành từ tuyết trộn với bụi rơi trên bề mặt trong một loạt các kỷ băng hà liên tiếp hàng triệu năm qua, tạo thành một thứ băng lấm tấm hạt bụi.

Mặc dù các hạt bụi có thể che khuất ánh sáng ở các lớp băng sâu hơn, nhưng chúng đóng vai trò quan trọng trong việc giải thích cách các vũng nước ngầm có thể hình thành trong băng khi tiếp xúc với Mặt Trời.

Bụi đen vốn hấp thụ nhiều ánh sáng mặt trời hơn lớp băng xung quanh, có khả năng khiến băng ấm lên và tan chảy ở độ sâu vài chục cm dưới bề mặt.

Ở hành tinh đỏ, các hiệu ứng khí quyển khiến việc tan chảy trở nên khó khăn trên bề mặt, nhưng những trở ngại này sẽ không tồn tại bên dưới bề mặt của một lớp tuyết bụi hoặc sông băng.

Trên Trái Đất, bụi trong băng có thể tạo ra các lỗ cryoconite, là các khoang nhỏ hình thành trong băng khi các hạt bụi do gió thổi rơi xuống đó, hấp thụ ánh nắng và tan chảy sâu hơn vào băng mỗi mùa hè.

Cuối cùng, khi các hạt bụi này di chuyển xa hơn khỏi tia nắng, chúng ngừng chìm nhưng vẫn tạo ra đủ nhiệt để giữ quanh mình một túi nước tan chảy.

Các túi này có thể nuôi dưỡng một hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ với các dạng sống đơn giản như vi khuẩn.

Đồng tác giả Phil Christensen từ Đại học bang Arizona ở Tempe (Mỹ), người đứng đầu hoạt động camera tầm nhiệt THEMIS trên tàu quỹ đạo Mars Odyssey của NASA, cho biết ông và các cộng sự từng phát hiện ra lớp băng nước bụi lộ ra trong các khe núi trên Sao Hỏa.

Trong nghiên cứu mới, họ cho rằng ở những nơi đó, băng bụi cho phép đủ ánh sáng để quang hợp ở độ sâu 3 m dưới bề mặt, nơi tồn tại những túi nước lỏng không bị bốc hơi nhờ lớp băng phía trên.

Trong đó, vùng giữa vĩ độ 30 và 40 của Sao Hỏa, ở cả bán cầu Bắc và Nam sẽ là khu vực tìm kiếm tiềm năng nhất.

Theo Người lao động

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/xac-dinh-noi-sinh-vat-song-co-the-dang-an-nap-tren-sao-hoa/20241102082102320