Nhiều trẻ, giáo viên mầm non chưa được hưởng trợ cấp, Sở GD TP.HCM có kiến nghị
Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị điều chỉnh giảm tỷ lệ % con công nhân học mầm non ở khu công nghiệp, khu chế xuất.
Ngày 28/3, Ban Văn hóa – Xã hội, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 27/2021/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Chính sách theo Nghị quyết 27 là nhân văn
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Lương Thị Hồng Điệp – Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, các chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non tại địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất theo Nghị quyết 27 là nhân văn, tạo nhiều thuận lợi cho các đối tượng thụ hưởng, nhưng vẫn còn có nhiều khó khăn khi thực hiện.
Đó là việc giáo viên mầm non được hưởng chính sách hỗ trợ này chưa cao, do các nhóm, lớp phụ trách không đủ 30% số trẻ là con của công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Ngoài ra còn do trình độ đào tạo của giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non độc lập chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019. Còn số lượng trẻ được hưởng trợ cấp chưa nhiều do chưa hoàn tất hồ sơ để xét.
Hiện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã có công văn gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, kiến nghị điều chỉnh đối tượng áp dụng “cơ sở giáo dục mầm non độc lập ở địa bàn có khu công nghiệp thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cấp có thẩm quyền cấp phép thành lập theo đúng quy định, có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp” giảm xuống tỷ lệ là 20%.
Đối với lãnh đạo thành phố, Sở này kiến nghị quan tâm hơn đến chế độ hỗ trợ giáo viên ngoài công lập, trong việc nâng chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019, tiếp tục có thêm những chính sách hỗ trợ cho trẻ, giáo viên mầm non, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập ở các khu công nghiệp, khu chế xuất trong thời gian tới.
Tiến sĩ Phạm Đăng Khoa – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 3 cho hay, hoàn toàn đồng tình với việc điều chỉnh giảm tỷ lệ trẻ từ 30% xuống còn 20%.
Ngoài ra, Tiến sĩ Phạm Đăng Khoa còn nói tới việc nhiều công nhân còn có những hạn chế trong việc sử dụng công nghệ thông tin, nên chưa thể tiếp cận được với chính sách theo Nghị quyết 27.
Song song đó, còn có việc con học ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng cha mẹ đang làm công nhân ở các khu công nghiệp – khu chế xuất ở các tỉnh lân cận thì sao. Đây cũng là điều cần phải được bàn bạc, quan tâm.
Một số địa phương chậm triển khai
Qua tiến hành việc kiểm tra, giám sát, ông Cao Thanh Bình – Trưởng ban Văn hóa, Xã hội thẳng thắn nêu ra thực trạng, có một số quận huyện vẫn còn chậm triển khai, chưa quan tâm đến việc thực hiện Nghị quyết 27/2021/NQ-HĐND, dẫn đến hiệu quả chưa cao.
Ông Cao Thanh Bình nêu ra, văn bản này có hiệu lực từ tháng 12/2021, nhưng đến nay vẫn có những địa phương chỉ mới triển khai trong các cuộc họp giao ban thường kỳ, chứ chưa có văn bản cụ thể.
Một số nơi khác thì có triển khai, có quan tâm, nhưng khi hỏi về dự toán thì lại chưa có.
“Không có dự toán thì làm sao triển khai, thực hiện được” – ông Cao Thanh Bình đặt vấn đề.
Trưởng ban Văn hóa – Xã hội của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, chỉ có 6.151 trẻ là con công nhận làm việc ở khu công nghiệp, khu chế xuất thực hiện hồ sơ hỗ trợ chính sách theo Nghị quyết 27 là quá khiêm tốn.
Ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các đơn vị của Sở này sẽ tiếp tục rà soát, để các cơ sở giáo dục mầm non, học sinh, giáo viên nhận được mức hỗ trợ tốt nhất của thành phố.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam bên lề buổi làm việc, ông Cao Thanh Bình khẳng định, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong báo cáo của mình sẽ có kiến nghị thêm về các chính sách phát triển giáo dục mầm non tại địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất.
Cụ thể là tăng số tháng hỗ trợ trẻ mầm non từ 9 tháng lên 12 tháng ở những địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất; giảm tỷ lệ % trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất từ 30% xuống còn 20% và nghiên cứu chế độ đào tạo, bồi dưỡng giáo dục đạt chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục 2019.