Nhóm bệnh hiểm nghèo nào được đề xuất bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí?

Bộ Y tế đang đề xuất bảo hiểm y tế chi trả 100% cho trường hợp khám chữa bệnh hiểm nghèo trong phạm vi được hưởng và mức hưởng.

Tại báo cáo đánh giá tác động của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế lần 2, Bộ Y tế đề xuất quy định tỉ lệ hưởng bảo hiểm y tế 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng đối với: Một số trường hợp đặc thù không phải theo trình tự, thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định của Bộ Y tế.

Ngoài ra, trường hợp người bệnh được chẩn đoán xác định đối với một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật, thủ thuật phức tạp hoặc sử dụng kỹ thuật cao được đến thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có chuyên khoa, năng lực chuyên môn kỹ thuật cao hơn theo quy định của Bộ Y tế.

Bộ Y tế cho rằng, quy định này sẽ giúp tiết kiệm chi cho Quỹ bảo hiểm y tế do người bệnh không phải khám nhiều lần ở cấp dưới và khám lại ở cấp trên. Từ đó góp phần giảm số lượt khám bệnh và tăng tính hiệu quả của mỗi đợt điều trị. Người dân tiết kiệm chi phí đi lại và chi phí chi trả trong trường hợp phải tự đi khám, chữa bệnh vượt cấp.

Theo đề xuất của Bộ Y tế, người khám chữa bệnh hiểm nghèo không cần phải theo trình tự, thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nhưng vẫn được hưởng tối đa chi phí khám chữa bệnh. Ảnh minh họa

Theo đề xuất của Bộ Y tế, người khám chữa bệnh hiểm nghèo không cần phải theo trình tự, thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nhưng vẫn được hưởng tối đa chi phí khám chữa bệnh. Ảnh minh họa

Như vậy, người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo (theo danh mục bao gồm 42 loại bệnh như ung thư, phẫu thuật động mạch vành, đột quỵ, mất thính lực, bệnh Parkinson, bại liệt,....) sẽ không cần phải theo trình tự, thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nhưng vẫn được hưởng tối đa chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng.

Danh mục các bệnh hiểm nghèo quy định tại Phụ lục IV theo Nghị định 134/2016/NĐ-CP như sau:

Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, đến hết năm 2023, bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ bao phủ 93,35% dân số (tương ứng với 93,6 triệu người tham gia bảo hiểm y tế); cả nước có gần 13 nghìn cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (gồm khoảng 2.897 cơ sở khám chữa bệnh và gần 10.000 trạm y tế xã). Năm 2023, số chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế từ Quỹ bảo hiểm y tế khoảng 123 nghìn tỷ đồng, gấp 8 lần so với năm 2009. Quỹ bảo hiểm y tế đã thực sự trở thành nguồn tài chính quan trọng, góp phần chăm lo sức khỏe nhân dân.

Cùng với đó, mức chi trả bảo hiểm y tế và Danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả ngày càng được mở rộng, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người bệnh bảo hiểm y tế. Nhiều loại thuốc đắt tiền, thuốc điều trị đích để chữa trị bệnh ung thư cũng được được đưa vào danh mục chi trả của bảo hiểm y tế. Các loại vật tư thay thế đắt tiền như khớp háng nhân tạo, stent động mạch… đã được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Về mức chi trả, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2014 đã tăng mức chi bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ gia đình nghèo từ 95% lên 100%; người cận nghèo từ 80% lên 95%; nhóm bảo trợ xã hội cũng được quỹ bảo hiểm y tế chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh. Ngoài việc chi trả chi phí khám chữa bệnh thông thường, nhiều trường hợp người bệnh hiểm nghèo, bệnh hiếm… đã được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả lên tới hàng tỷ đồng/năm.

Bảo Thoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhom-benh-hiem-ngheo-nao-duoc-de-xuat-bao-hiem-y-te-thanh-toan-100-chi-phi-340272.html