Nhộn nhịp phiên chợ cuối năm trên 'Cao nguyên trắng'

Khi những nụ đào bắt đầu khoe sắc trong gió đông, ấy là lúc vùng cao Bắc Hà vào xuân. Giữa bao tất bật, hối hả của cuộc sống, phiên chợ đặc biệt ngày cuối năm ở rẻo cao này vẫn giữ được nét đặc trưng với sự nguyên sơ, mộc mạc mà không kém phần náo nhiệt.

Từ lâu, chợ phiên Bắc Hà đã nổi tiếng là điểm đến hấp dẫn ở vùng đất “cao nguyên trắng”. Một phiên chợ đậm hình ảnh dân dã, phản ánh rõ nét đời sống của đồng bào vùng cao. Đó là khu chợ trâu được quây gọn trong một khu đất hẹp nhưng trải dài, với hàng trăm con trâu được mang đến đây. Người mua đi tìm những con béo, khỏe, người bán trao đổi về tình trạng vật nuôi và giá cả để thuận mua, vừa bán.

Chợ phiên Bắc Hà cuối năm chật kín người mua, kẻ bán.

Chợ phiên Bắc Hà cuối năm chật kín người mua, kẻ bán.

Một góc chợ trâu.

Một góc chợ trâu.

Tiếp đó là khu chợ bán các loại giống chó, trong đó, nổi tiếng nhất là chó lửa được mệnh danh là “quốc khuyển” ở Bắc Hà. Giống những phiên chợ trong năm, đồng bào ở các thôn, xã từ sáng sớm đã chuyển vật nuôi về phiên chợ cuối cùng của năm Kỷ Hợi để tìm chủ cho giống chó quý hiếm này và có tiền trang trải, mua sắm cho gia đình dịp tết.

Người dân mua nhu yếu phẩm cần thiết tại chợ phiên.

Người dân mua nhu yếu phẩm cần thiết tại chợ phiên.

Chợ Bắc Hà còn đông vui hơn với hoạt động mua bán gia súc, gia cầm, trong đó, đặc biệt nhất là giống lợn đen bản địa. Không chỉ đồng bào ở vùng cao Bắc Hà tới đây, mà cả những người vùng thấp muốn thưởng thức món ăn chế biến từ giống lợn ngon của địa phương cũng chẳng ngại đường sá xa xôi mà lặn lội tìm đến.

Nhiều người lặn lội tìm mua lợn đen bản địa ở Bắc Hà để ăn tết.

Nhiều người lặn lội tìm mua lợn đen bản địa ở Bắc Hà để ăn tết.

Về chợ phiên Bắc Hà, chẳng thể nào bỏ lỡ những gian hàng bán đồ thổ cẩm, nơi rộn rã nhất chợ phiên. Tiếng nói cười của những phụ nữ dân tộc Mông, những bộ trang phục rực rỡ sắc màu càng khiến bức tranh phiên chợ vùng cao thêm nhiều màu sắc. Các chị, các em thi nhau ướm thử những chiếc váy, áo truyền thống, xoay qua, chuyển lại để tìm cho mình bộ đồ ưng ý diện đi vui xuân, trảy hội.

Sắm sửa váy áo để đi hội xuân.

Sắm sửa váy áo để đi hội xuân.

Là phiên chợ nổi tiếng còn giữ được nét nguyên sơ, đặc trưng của đồng bào ở vùng cao nguyên trắng, vậy nên tại phiên chợ Bắc Hà cuối cùng của năm Kỷ Hợi, ngoài dòng người sôi động mua bán, người đến giao lưu, tâm tình, còn có sự xuất hiện của những đoàn du khách nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu về mảnh đất giàu văn hóa và những con người chân quê, mến khách.

Du khách mua sắm và trải nghiệm chợ phiên Bắc Hà.

Du khách mua sắm và trải nghiệm chợ phiên Bắc Hà.

Dường như ở chợ phiên Bắc Hà, hầu như mặt hàng nào cũng có. Từ những bó hương truyền thống của đồng bào Mông, tấm lá dong, nông sản đặc trưng của vùng đến đồ trang sức, may mặc, đồ gia dụng... đều được bày bán.

Mua bán lá dong.

Mua bán lá dong.

Cha mẹ sắm sửa áo quần, giày dép cho trẻ nhỏ diện tết.

Cha mẹ sắm sửa áo quần, giày dép cho trẻ nhỏ diện tết.

Tết về khiến phiên chợ rẻo cao thêm phần nhộn nhịp và bước chân người lại qua thêm vội vã. Người bán mong muốn bán được hàng để kiếm tiền sắm sửa cho gia đình, người mua tất bật để lo tết trọn vẹn sau một năm làm việc vất vả, hăng say.

Lựa chọn trang sức làm đẹp để đi vui xuân.

Lựa chọn trang sức làm đẹp để đi vui xuân.

Ngoài mua bán, trao đổi hàng hóa, phiên chợ cuối năm còn là dịp để đồng bào vùng cao gặp gỡ, hỏi thăm nhau về gia đình, cuộc sống khi ngày tết đã cận kề. Để rồi đến lúc chợ tan, người ta lại trao nhau lời hẹn gặp nhau ở phiên chợ đầu tiên của năm mới Canh Tý để gặp gỡ, chúc nhau những điều tốt đẹp, bình an.

Quỳnh Trang – Hoàng Thương

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/nhon-nhip-phien-cho-cuoi-nam-tren-cao-nguyen-trang-z5n20200123094002636.htm