Những căn cứ để chuyên gia đề xuất thay đổi chính sách quản lý sản xuất vàng miếng
Ý kiến của các chuyên gia trong cuộc họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia diễn ra chiều qua (28/3) đều ghi nhận kết quả đạt được nổi bật nhất của Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng là hạn chế được rủi ro cho hệ thống ngân hàng, ổn định thị trường vàng, hạn chế tình trạng 'vàng hóa', coi vàng là phương tiện thanh toán. Nhưng các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng đã đến lúc thay đổi chính sách quản lý.
Nghị định 24 hoàn thành “sứ mệnh” lịch sử
Nhìn nhận Nghị định 24 đã hoàn thành “sứ mệnh” lịch sử khi đã hạn chế được rủi ro cho hệ thống ngân hàng, ổn định thị trường, vàng không còn là phương tiện thanh toán, chuyên gia Võ Trí Thành phân tích bối cảnh ra đời Nghị định là do tình trạng bất ổn thị trường vàng, “vàng hóa” thanh toán. “Vàng hóa” thanh toán cũng giống như “đô-la hóa”, không để các ngân hàng thương mại huy động và đầu tư vàng vì rất rủi ro. Trong tài sản tài chính, vàng cũng giống bitcoin, độ biến động ngắn hạn rất lớn, rủi ro cao.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, “vàng hóa” hay “đô-la hóa”, khi vào được ngân hàng mới “hóa” được, “vì một đồng tiền vào ngân hàng có thể biến thành 10 đồng”, vàng hay đô-la cho vào ngân hàng đều có bội số như vậy. Sai lầm của chúng ta trước đây là cho nhận tiền gửi và cho vay bằng vàng mới dẫn đến câu chuyện “vàng hóa”.
Còn Tiến sỹ kinh tế Trần Du Lịch nhấn mạnh “thành công thấy rõ” của Nghị định 24 là không để ngân hàng lợi dụng thao túng, đặc biệt là vàng không còn là phương tiện thanh toán. Trước đây thành quy luật, vàng là đồng tiền tốt.
Báo cáo của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho thấy, thị trường vàng miếng được sắp xếp lại căn bản, trật tự, kỷ cương. Nhiều thời điểm giá vàng biến động phức tạp nhưng hoạt động của thị trường vẫn tương đối ổn định so với giai đoạn trước, không gây áp lực sang thị trường ngoại tệ chính thức như trước đây. Một phần nguồn lực vàng trong dân đã được chuyển hóa để phát triển kinh tế.
Thị trường vàng trang sức mỹ nghệ được sắp xếp lại, sàng lọc các doanh nghiệp làm ăn chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu chặt chẽ về tiêu chuẩn đo lường, chất lượng, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất với mô hình công nghệ hiện đại, năng lực sản xuất tiếp cận thị trường quốc tế. Bộ Công Thương cũng nhận định, hiện nay, kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ đã có nhiều phát triển, đóng góp nhiều đối với kinh tế của đất nước.
Vướng mắc, tồn tại của thị trường vàng miếng hiện nay là chênh lệch cao giữa giá vàng miếng SJC so với các loại vàng khác, nhưng không ảnh hưởng tới hệ thống tổ chức tín dụng, tỷ giá và thị trường ngoại hối chính thức. Doanh nghiệp kinh doanh vàng mua vào vàng miếng SJC ở mức cao và cũng bán vàng miếng SJC ở mức cao, hưởng chênh lệch mua – bán, không hưởng lợi từ việc chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và quốc tế.
Các ý kiến trong Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định, các giải pháp quản lý thị trường vàng đồng bộ theo Nghị định 24 đã đem lại những kết quả tích cực. Hoạt động huy động, cho vay vốn bằng vàng chấm dứt, loại bỏ rủi ro liên quan đến vàng khỏi hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng, không còn tình trạng vàng hóa trong hệ thống tổ chức tín dụng.
Biến động giá vàng thế giới, trong nước nhiều thời điểm diễn biến phức tạp nhưng nhìn chung tương đối ổn định so với giai đoạn trước. Trong 12 năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của giá vàng thế giới, nhiều thời điểm giá vàng miếng SJC biến động phức tạp nhưng doanh số mua, bán vàng miếng SJC tương đối cân bằng, giảm từ năm 2013 đến nay, phản ánh nhu cầu vàng miếng trong nền kinh tế có xu hướng suy giảm.
Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, do giá vàng quốc tế tăng mạnh, giá vàng miếng SJC tăng với tốc độ nhanh hơn giá vàng quốc tế chủ yếu do yếu tố tâm lý trên thị trường, khiến mức chênh lệch giãn rộng (trên 10 triệu đồng/lượng), có thời điểm lên đến 18 triệu đồng/lượng. Bộ Công an đánh giá giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch cao dẫn đến tình trạng buôn lậu vàng vào Việt Nam.
Cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, từ năm 2014 Ngân hàng Nhà nước chưa tổ chức đấu thầu bán vàng miếng và nguồn cung vàng miếng SJC trên thị trường hạn chế có thể là một trong những nguyên nhân chênh lệch cao giữa giá vàng miếng SJC và quốc tế. Bộ Công an đề nghị nghiên cứu phương án Nhà nước không độc quyền sản xuất vàng miếng mà lựa chọn một số doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện sản xuất.
Đối với thị trường vàng trang sức mỹ nghệ, theo Bộ Công an và Hiệp hội Vàng, hạn chế việc nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành vàng trang sức mỹ nghệ.
Ông Phạm Thanh Hà nhấn mạnh đến việc tiếp tục kiên định các mục tiêu chính của Nghị định 24. Đó là, công nhận và bảo vệ quyền sở hữu vàng hợp pháp của người dân; tổ chức, sắp xếp lại một cách căn bản thị trường vàng, đặc biệt là thị trường vàng miếng. Ngăn chặn ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế. Nghiêm cấm việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán. Nâng cao vai trò quản lý và điều tiết thị trường vàng của Nhà nước.
Định hướng giải pháp quản lý thị trường vàng, ông Phạm Thanh Hà cho hay, về cơ chế sản xuất vàng miếng, trên cơ sở phân tích ý kiến của các bộ, ngành, đại biểu Quốc hội và một số chuyên gia, xem xét điều chỉnh phương án sản xuất vàng miếng theo hướng bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện. Đồng thời với phương án này, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện cấp hạn mức sản xuất vàng miếng trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ.
Về quy định điều kiện sản xuất, kinh doanh mua, bán vàng trang sức mỹ nghệ, từ khi Nghị định 24 được ban hành, trách nhiệm quản lý thị trường vàng trang sức mỹ nghệ được phân tách theo hướng Ngân hàng Nhà nước thực hiện việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ cho các doanh nghiệp. Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành các tiêu chuẩn vàng, quy định về đo lường và chất lượng vàng trang sức mỹ nghệ lưu thông trên thị trường và thực hiện thanh tra, kiểm tra chất lượng vàng trang sức mỹ nghệ. Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ.
Sau gần 12 năm triển khai, thị trường vàng trang sức mỹ nghệ không ảnh hưởng đến công tác điều hành chính sách tiền tệ. Do vậy, có thể xem xét điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh mua, bán vàng trang sức mỹ nghệ thành hoạt động kinh doanh thông thường.
“Vàng là một loại hàng hóa đặc biệt, vừa có tính chất tiền tệ, vừa có tính chất hàng hóa, trong đó vàng miếng là mặt hàng có tính chất tiền tệ cao. Vai trò chính là thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước chỉ nên tập trung quản lý mang tính chất tiền tệ (vàng miếng), ảnh hưởng đến mục tiêu điều hành chính sách tỷ giá, chính sách tiền tệ”, ông Hà nói.
Cũng theo ông Phạm Thanh Hà, các hoạt động liên quan đến vàng trang sức mỹ nghệ nên coi là hoạt động kinh doanh thông thường và giao cho một bộ, ngành khác thống nhất quản lý từ khâu nhập khẩu, sản xuất (bao gồm cả nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ) đến khâu lưu thông trên thị trường.
Phân tích sâu, Tiến sỹ Võ Trí Thành cho rằng, câu chuyện vàng liên quan đến ba yếu tố: Chính sách tiền tệ, cán cân thanh toán quốc tế và quyền sở hữu, giao dịch bình thường của thị trường vàng.
Đối với chính sách tiền tệ, vàng hóa theo nghĩa là phương tiện thanh toán đã giảm rất mạnh, nên có thể bỏ được quy định Nhà nước độc quyền vàng miếng. Cùng với đó có thể cho kinh doanh vàng.
Vấn đề lớn hơn là độc quyền trong xuất nhập khẩu nguyên liệu vàng. Đây là vấn đề chính sách tiền tệ, tỷ giá và cán cân thanh toán quốc tế. Làm sao phải đảm bảo cung – cầu vàng, đảm bảo được cán cân thanh toán quốc tế và điều này chỉ giải quyết được cơ bản khi đồng tiền Việt Nam chuyển đổi, khi tự do hóa đầy đủ cán cân thanh toán quốc tế. Nếu nhìn dài hạn, vấn đề chuyển đổi dần đồng tiền Việt Nam và chuyển dần một cách thận trọng cán cân thanh toán quốc tế là rất quan trọng. Đã đến lúc chúng ta không chỉ nhận đầu tư nước ngoài mà còn đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài.
Ông cũng đưa ra cảnh báo “rất cẩn trọng” trước kiến nghị về “tín chỉ” vàng do Ngân hàng Nhà nước đứng ra bảo lãnh, vì điều này liên quan đến dự trữ ngoại hối và vàng. Vàng dự trữ của các quốc gia và vàng SJC là hoàn toàn khác nhau. Vàng SJC bản chất là vàng nhẫn.
Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa khẳng định cần “bỏ toàn bộ Nghị định 24, không tiếc bất cứ một chữ nào”, vì thực tiễn đã thay đổi, không cần quota hạn ngạch nhập khẩu, không có ngân hàng trung ương nào trên thế giới còn quản lý vàng. Nghị định này là trường hợp hy hữu do chúng ta sai lầm đưa vàng vào ngân hàng.
“Không đưa vàng vào ngân hàng thì vàng không ‘đẻ’, tiền không ‘đẻ’ và không có gì hóa cả”, ông Nghĩa nói.
Còn chuyên gia Trần Du Lịch nêu quan điểm, đồng tiền Việt Nam chưa chuyển đổi thì vấn đề quản lý vàng giống như vấn đề quản lý ngoại hối. Ngân hàng Nhà nước phải tính toán nhập khẩu vàng phục vụ cho công nghiệp trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Ông đồng tình với ý kiến của Bộ Công an về nới rộng kinh doanh vàng miếng khi mặt hàng này vẫn được ưa chuộng. So sánh vàng Kim Thành trước đây cũng có giá cao hơn mặt bằng chung, ông cho rằng, vàng miếng SJC giờ đây cũng vậy, mang tính ưa chuộng để cất trữ, chênh lệch của SJC là chênh lệch giá độc quyền. Trong quản lý điều hành, cần nhìn vào vàng ròng 9999 để tính toán.