Những câu chuyện đời người chưa kể hết

LTS. Ngày 21.7.1954, Hội nghị Genève về hòa bình ở Đông dương kết thúc với 3 hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Campuchia. Ngoài những điều khoản chung cho 3 nước, với riêng Việt Nam còn có quy định về việc ngừng bắn, tập kết, chuyển quân được hai bên thực hiện trong thời hạn 300 ngày...

Nếu có một cuộc chuyển dịch dân cư nào trong lịch sử hiện đại Việt Nam vừa lớn về quy mô (vài trăm ngàn người), vừa lâu dài về thời gian chia ly - đoàn tụ (21 năm), thì đó chính là cuộc chuyển dịch được tác động bởi Hiệp định Genève 1954. Bảy mươi năm nhìn lại, những đứa trẻ trong cuộc chuyển quân ấy đang hoài niệm về những mất - còn, nhớ - quên... Và những câu chuyện đời người không phải lúc nào cũng có dịp để kể tỉ mỉ với thế hệ đi sau.

* * *

Thắng lợi đạt được từ Hiệp định Genève có ý nghĩa lịch sử to lớn. Nhưng bên cạnh đó còn có một thực tế lịch sử không thể phủ nhận là việc tập kết, chuyển quân cũng đã tạo ra một sự đứt gãy trong đời sống xã hội. Hàng trăm ngàn người rời xa gia đình, xứ sở, tập quán sinh hoạt, dự tính 2 năm đã kéo dài thành hơn 20 năm.

Những niềm đau giấu kín

Cuộc chia cắt Nam và Bắc, sự chia ly vợ và chồng, con cái và mẹ cha (với nhiều trường hợp là vĩnh viễn), sự khác biệt về tập quán sống tất nhiên không phải là cản trở để mỗi người trong cuộc rời xa nhiệm vụ của mình trong cuộc đấu tranh vì thống nhất và hòa bình cho Tổ quốc, nhưng cũng đã tạo ra những nỗi niềm sâu kín không thể tránh mà mỗi người dù đã nỗ lực vượt qua vẫn để lại vết hằn trong tâm cảm.

Những người con miền Nam đi ra Bắc, dù bằng những chuyến tàu tập kết vượt biển 1954 - 1955 hay bằng đường bộ và những phương tiện khác trong những thời điểm khác, tuyệt đại đa số đều đã thu xếp nỗi niềm riêng, ra sức phấn đấu học tập, làm việc, trở thành một lực lượng mạnh mẽ, có những đóng góp xứng đáng cho công cuộc kiến thiết nước nhà khi còn tạm thời chia cắt cũng như sau khi thống nhất, hòa bình từ năm 1975.

Bên cạnh niềm vui thành công và cảm xúc tích cực như một mảng chủ đạo trong cuộc sống xa quê, xa nhà, xa vợ chồng, xa cha mẹ, những người con miền Nam trên đất Bắc còn có không ít niềm đau mà người không cùng hoàn cảnh khó cảm thấu được.

Hơn hai mươi năm, đâu phải người chồng, người vợ nào cũng vượt qua được thử thách của con người để giữ trọn thủy chung với chồng, với vợ? Và đâu phải sự “trót lỡ” nào cũng được thứ tha trong buổi trùng phùng?

Còn những đứa trẻ, vì lý do bảo toàn sự sống cho mình để mẹ cha an tâm chiến đấu nên phải rời vòng tay bảo bọc, uốn nắn của cha mẹ từ khi quá nhỏ, có phải ai cũng thấu hiểu để không nhìn vào những lỗi lầm mà gọi chúng là những đứa trẻ hư?

Và những người mẹ, để con cái lại cho người thân ở miền Nam nuôi giữ trong bối cảnh hiểm nguy của chiến tranh để đi tập kết theo Hiệp định Genève, ai hiểu hết nỗi đau đớn, phập phồng trong lòng họ suốt hai mươi năm khi nghĩ đến lúc có thể mất con mãi mãi!

Còn nữa, những ray rứt tưởng không thể có trong đoàn tụ, hòa bình: những mảnh gia đình bị chia cắt quá lâu, khi ráp lại phải đâu tất cả sẽ liền mối như hình dung khi xa cách. Đọc những dòng ký ức đó đây của các thế hệ người miền Nam tập kết ra miền Bắc, nhất là vào dịp kỷ niệm 70 năm tập kết sẽ thấy những giọt nước mắt chảy vào trong ấy.

Và những ân tình chưa phai

Thế nhưng câu chuyện đời người mà tôi đang kể trong bài viết này đến đây vẫn chưa hết. Vẫn còn phải kể đến tấm lòng yêu thương của người miền Bắc đã nhường cơm sẻ áo cho đồng bào miền Nam tập kết những ngày đầu bỡ ngỡ ra Bắc; đã dành tuổi thanh xuân làm thầy, làm cô dạy dỗ, chăm sóc học sinh các trường miền Nam suốt hai mươi năm mà cán bộ miền Nam và học sinh miền Nam (HSMN) không bao giờ quên…

Tại buổi khai mạc triển lãm HSMN trên đất Bắc nhân kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève và chuyển quân, tập kết tổ chức ngày 17.5.2024 tại Bảo tàng TP.HCM, ông Huỳnh Văn Thòn, Anh hùng Lao động, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời, một trong những đứa con miền Nam được nuôi dạy trên đất Bắc đã phát biểu đầy cảm xúc: “Dù cho thời gian có lùi xa 70 năm hoặc lâu hơn nữa thì mỗi chúng ta người tóc bạc kẻ đầu xanh cũng không được quên rằng các giá trị lớn lao ta đang có: Hòa bình - Đoàn tụ - Thống nhất - Phát triển đã được đánh đổi bằng cái giá rất đắt của mất mát, hy sinh và chia cắt. Mỗi chúng ta hôm nay không được quên rằng, trong khi cha mẹ đang chiến đấu, hy sinh quên mình cho công cuộc giải phóng đất nước, các thế hệ HSMN trên đất Bắc đã được nuôi dưỡng, đào tạo trong một môi trường tận tình, chu đáo, trách nhiệm và tình thương cao cả của các thầy giáo, cô giáo, của các cô chú phục vụ; sự đùm bọc, che chở, yêu thương, chăm sóc của bà con nơi sở tại, của chính quyền và nhân dân địa phương, trong đó tập trung nhất là các tỉnh Vĩnh Phúc, Hải Phòng…”.

Các đại biểu tham dự lễ khai mạc Triển lãm Học sinh Miền Nam trên đất Bắc tổ chức ngày 17.5.2024 tại Bảo tàng TP.HCM. Ảnh: CTV

Các đại biểu tham dự lễ khai mạc Triển lãm Học sinh Miền Nam trên đất Bắc tổ chức ngày 17.5.2024 tại Bảo tàng TP.HCM. Ảnh: CTV

Cũng với suy nghĩ ấy, tại lễ khánh thành biểu tượng tri ân của HSMN đặt tại thành phố Vĩnh Yên ngày 12.4.2019, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã xác quyết: “Ngày hôm nay, dù đã thành đạt đến đâu, dù đã ở những cương vị cao đến thế nào, chúng tôi biết rõ rằng HSMN, trong đó có HSMN Vĩnh Phú vẫn luôn ghi nhớ: trong sự thành đạt của mình có phần góp công sức và nghĩa tình của các thầy cô, của đồng bào Vĩnh Phú năm xưa và Vĩnh Phúc hôm nay. Thành công của HSMN trên đất Bắc cũng chính là thành công của mô hình giáo dục đặc biệt và mô hình dân vận - đại đoàn kết đặc biệt mà Đảng và Nhà nước chúng ta đã tạo dựng. Thành công ấy xứng đáng để chúng ta giữ gìn và truyền lại cho thế hệ kế tiếp”.

Nhiều cán bộ miền Nam và học sinh miền Nam (HSMN) trên đất Bắc đã trở thành cán bộ lãnh đạo cấp cao của Nhà nước và gương mặt tiêu biểu trên nhiều lĩnh vực như Thủ tướng Phan Văn Khải; Ủy viên Bộ Chính trị - Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn; Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Trần Hồng Quân; Bộ trưởng Ủy ban Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em Trần Thị Thanh Thanh; Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình; Trung tướng Trương Khánh Châu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tá quân chủng Phòng không - Không quân Huỳnh Văn Tùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang; các NSND: Can Trường, Trà Giang; điêu khắc gia Diệp Minh Châu (Giải thưởng Hồ Chí Minh); các NSƯT: Nguyễn Ngọc Bạch, Lê Thiện...

Năm 2018 và 2019, HSMN các trường từng trú đóng ở tỉnh Vĩnh Phúc đã trở lại thăm mảnh đất từng dành cho họ tình yêu thương những năm Bắc Nam bị chia cắt. Họ đã trân trọng trao cho bà con địa phương hàng trăm học bổng, những khoản đóng góp cho quỹ giúp người nghèo và một biểu tượng tri ân bằng đá ở thành phố Vĩnh Yên - biểu tượng chạm khắc hình ảnh hai bà mẹ miền Bắc - miền Nam cùng những đứa con tựa vào vai mẹ hết sức âu yếm…

Sắp hoàn thành biểu tượng Con tàu tập kết và không gian bảo tàng tập kết

Theo kế hoạch đã được UBND thành phố Sầm Sơn ban hành, ngày 27.10.2024 tại thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa) sẽ khánh thành Khu lưu niệm cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Khu lưu niệm do UBND thành phố Sầm Sơn làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng tháng 8.2022 trên diện tích hơn 40.000m2 ở ngay cạnh cảng Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn. Trong các hạng mục của khu lưu niệm có tượng đài Con tàu tập kết và phù điêu lớn hình cánh cung, bên trong lòng tượng đài là không gian bảo tàng về tập kết…

Một bức phù điêu của Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ và chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc tại thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: TL

Tượng đài Con tàu tập kết được làm bằng bê tông cốt thép, có diện tích mặt bằng 3.200m2; điểm cao nhất là mũi tàu cao 12m. Công trình có tổng vốn đầu tư gần 255 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ 76 tỷ đồng, còn lại gần 180 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố Sầm Sơn và các nguồn xã hội hóa.

Đơn vị thi công hiện đang gấp rút hoàn thiện hạng mục tượng đài Con tàu tập kết và phù điêu hình cánh cung để kịp ra mắt vào dịp kỷ niệm 70 năm Thanh Hóa đón đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (1954 - 2024).

Xây dựng Bảo tàng tập kết và tượng đài Con tàu tập kết là một việc làm có ý nghĩa nhằm lưu lại những hình ảnh, hiện vật, tư liệu thể hiện tình cảm ruột thịt của nhân dân hai miền Nam Bắc trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, ghi dấu một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc.

Sầm Sơn là điểm du lịch lớn của cả nước. Sau khi hoàn thành, những hạng mục kiến trúc ấn tượng của khu lưu niệm chắc chắn sẽ thu hút được đông đảo du khách đến tham quan, tìm hiểu về một giai đoạn lịch sử của đất nước mỗi khi về với thành phố biển Sầm Sơn.

Nguyễn Thế Thanh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nhung-cau-chuyen-doi-nguoi-chua-ke-het-45490.html