Những điểm mới dự thảo Nghị định thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu

Dự thảo Nghị định thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu đã được Bộ Công Thương lấy ý kiến các bộ, ngành, đơn vị liên quan, các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu, chuyên gia kinh tế nhiều lần, nhưng vẫn còn một số vướng mắc...

Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã có những trao đổi với báo chí để làm rõ những vấn đề mới về Dự thảo Nghị định thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu.

Doanh nghiệp tự tính toán, công bố giá bán lẻ

Phóng viên (PV): Bà có thể chia sẻ rõ hơn về một số điểm mới trong dự thảo nghị định này?

Bà Nguyễn Thúy Hiền: Một số điểm mới của dự thảo nghị định có thể kể tới đó là: Cơ chế điều hành giá xăng dầu. Dự thảo nghị định đưa ra công thức giá bán xăng dầu để doanh nghiệp tự tính toán giá, quy định Nhà nước công bố các yếu tố hình thành giá để doanh nghiệp tự quyết định giá, thực hiện kê khai giá và gửi văn bản kê khai giá, thông báo giá về cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền để giám sát.

 Dự thảo Nghị định thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu đã được Bộ Công Thương lấy ý kiến nhiều lần. Ảnh: LÂM PHONG

Dự thảo Nghị định thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu đã được Bộ Công Thương lấy ý kiến nhiều lần. Ảnh: LÂM PHONG

Về bình ổn giá xăng dầu, dự thảo quy định việc bình ổn giá xăng dầu thực hiện theo quy định tại Luật Giá năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2024) do Luật Giá đã quy định rõ danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, các trường hợp bình ổn và biện pháp thực hiện bình ổn giá.

Cùng với đó là bổ sung điều kiện đối với thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Đó là phải có thời gian làm thương nhân phân phối xăng dầu trong thời hạn ít nhất 36 tháng để thương nhân có kinh nghiệm trong kinh doanh xăng dầu; thực hiện việc kết nối mạng với Bộ Công Thương về dữ liệu kho chứa xăng dầu, tình hình thực hiện tổng nguồn xăng dầu… để kiểm soát cung cầu xăng dầu trên thị trường; có trách nhiệm thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu 100.000m3, tấn xăng dầu trong một năm.

Đồng thời, đối với thương nhân phân phối xăng dầu, dự thảo nghị định bỏ quy định thương nhân phân phối xăng dầu phải dự trữ lưu thông xăng dầu 5 ngày; bỏ điều kiện về kho chứa xăng dầu, phòng thử nghiệm chất lượng xăng dầu.

Ngoài ra, để tránh việc mua bán lòng vòng, tạo nhiều tầng nấc trung gian, dự thảo nghị định quy định thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu của nhau, chỉ được mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (là doanh nghiệp có trách nhiệm đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường).

 Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước. Ảnh: PHONG LÂM

Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước. Ảnh: PHONG LÂM

Dự thảo nghị định tạo ra nhiều cải cách hành chính trong kinh doanh xăng dầu. Đó là, bỏ điều kiện về chứng chỉ nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường; bỏ điều kiện quy định về sở hữu hoặc thuê phương tiện vận tải xăng dầu do trên thực tế, việc vận chuyển xăng dầu là công đoạn tất yếu khi doanh nghiệp đưa xăng dầu lưu thông; bỏ yêu cầu doanh nghiệp cung cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thành phần hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận, Giấy xác nhận đủ điều kiện…

PV: Có thể thấy với khoảng 300 thương nhân phân phối xăng dầu thì thị trường xăng dầu phát triển và cạnh tranh hơn. Thế nhưng có những hạn chế nào từ thị trường này thưa bà?

Bà Nguyễn Thúy Hiền: Thời gian qua, thực hiện quan điểm, đường lối của Đảng, cơ chế, chính sách pháp luật của Nhà nước về kinh doanh xăng dầu đã tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước. Nhiều thương nhân phân phối xăng dầu được hình thành và phát triển trở thành một mắt xích quan trọng trong hệ thống phân phối xăng dầu, tạo nên một hệ thống phân phối hoàn chỉnh bắt đầu từ khâu tạo nguồn (nhập khẩu, mua của nhà máy sản xuất) - phân phối - bán lẻ.

Song, hoạt động của thương nhân phân phối thời gian qua bộc lộ một số điểm hạn chế. Cụ thể: Việc cho phép thương nhân phân phối xăng dầu được mua xăng dầu của nhau tạo ra nhiều tầng nấc trung gian trong khâu phân phối (thị trường thứ cấp) làm tăng thêm chi phí trong khâu này.

Việc mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu với nhau trên thực tế khiến cho cùng một lượng xăng dầu đưa ra tiêu thụ trên thị trường nhưng đều nằm trong số liệu báo cáo tiêu thụ xăng dầu của nhiều thương nhân phân phối xăng dầu, tạo nên con số tiêu thụ "ảo" trên thị trường, gây khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước trong việc kiểm soát nguồn cung, điều tiết thị trường.

 Tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng, dầu. Ảnh: qdnd.vn

Tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng, dầu. Ảnh: qdnd.vn

Việc thương nhân phân phối xăng dầu mua bán xăng dầu lẫn nhau như hiện nay, trên thực tế còn phục vụ mục đích kinh doanh tài chính của doanh nghiệp, tạo doanh thu cho thương nhân phân phối xăng dầu để chứng minh tài chính khi vay vốn ngân hàng, không đảm bảo đúng mục tiêu kinh doanh xăng dầu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Thương nhân phải tuân thủ điều kiện khi tham gia kinh doanh

PV: Liên quan quyền mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu, dự thảo nghị định đã sửa đổi theo hướng thương nhân phân phối không được mua bán xăng dầu với nhau. Lý do tại sao thưa bà?

Bà Nguyễn Thúy Hiền: Dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu đã xây dựng hệ thống phân phối xăng dầu với 3 cấp (phân khúc), giảm 1 phân khúc so với trước đây, gồm: Thương nhân đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu-Thương nhân phân phối xăng dầu-Thương nhân bán lẻ xăng dầu.

Qua đó, giúp cho thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu tính toán chính xác được lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước để mua từ các nhà sản xuất trong nước, nước ngoài phục vụ cho tiêu thụ trong nước. Đồng thời, cơ quan quản lý Nhà nước xác định được chính xác nhu cầu tiêu thụ trong nước để thực hiện phân giao tổng nguồn hằng năm cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện nhằm bảo đảm nguồn cung phục vụ tiêu thụ trong nước, loại bỏ số liệu “ảo” về lượng xăng dầu tiêu thụ trên thị trường.

PV: Có nhiều ý kiến đưa ra là nếu quy định như vậy là trái quy định, vi phạm luật kinh doanh, không đảm bảo sự công bằng theo nguyên tắc thị trường… Quan điểm của cơ quan quản lý Nhà nước như thế nào trước ý kiến như vậy?

Bà Nguyễn Thúy Hiền: Một số ý kiến cho rằng quy định thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu với nhau có thể có yếu tố hạn chế cạnh tranh trên thị trường, không đảm bảo sự công bằng theo nguyên tắc thị trường gây ra phản ứng của thương nhân phân phối xăng dầu cho rằng bị phân biệt đối xử.

Tuy nhiên, kinh doanh xăng dầu là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nên thương nhân phải tuân thủ điều kiện khi tham gia kinh doanh.

Việc quy định thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu lẫn nhau không làm mất đi tính cạnh tranh trên thị trường. Các thương nhân trong từng phân khúc thị trường vẫn tự do cạnh tranh với nhau. Đồng thời, quy định này cũng tạo động lực cho thương nhân phát triển hướng tới phân khúc thị trường cao hơn (làm thương nhân đầu mối).

PV: Xin cảm ơn bà.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nhung-diem-moi-du-thao-nghi-dinh-thay-the-cac-nghi-dinh-ve-kinh-doanh-xang-dau-797268