PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Cần tiếp tục duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, xăng dầu là mặt hàng chiến lược nên kinh doanh phải vừa bảo đảm cơ chế thị trường, vừa bảo đảm cơ chế quản lý của Nhà nước.

Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP với nhiều nội dung được cộng đồng doanh nghiệp xăng dầu quan tâm, trong đó có nội dung về xử lý số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng như nội dung Quỹ Bình ổn giá xăng dầu sẽ được vận hành như thế nào thời gian tới?

Cần có bước đệm trước khi xăng dầu chuyển sang vận hành theo cơ chế thị trường. (Ảnh:C.D)

Cần có bước đệm trước khi xăng dầu chuyển sang vận hành theo cơ chế thị trường. (Ảnh:C.D)

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này, PGS.TS Định Trọng Thịnh -chuyên gia kinh tế - cho hay, trên thực tế, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu chưa thể bỏ ngay vào lúc này, với những nguyên nhân sau:

Thứ nhất, khi do giá thế giới biến động, nếu không có quỹ này giá xăng dầu trong nước sẽ tăng cao gây áp lực rất lớn cho lạm phát.

Thứ hai, dù đã tự lực sản xuất được xăng dầu, song hiện nguồn cung trong nước chỉ có thể cung ứng được hơn 40% nhu cầu sử dụng. Để bỏ được Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đòi hỏi chúng ta phải chủ động, tự chủ hoàn toàn trong hoạt động sản xuất ,kinh doanh xăng dầu thì mới có thể an tâm trong vấn đề an toàn và an ninh năng lượng. Khi đó, giá xăng dầu trong nước theo cơ chế thị trường một cách đúng nghĩa, giá xăng dầu trong nước bám sát giá thế giới thì sẽ bãi bỏ Quỹ này.

Tuy nhiên, nhưng câu hỏi được đặt ra là trong thời gian trước mắt cần xem việc xả Quỹ thế nào cho hợp lý? Cơ chế quản lý ra sao? Các yếu tố liên quan đến hoạt động kinh doanh bán buôn và bán lẻ đến đâu? Việc này chúng ta cần vai trò điều tiết của cơ quan quản lý nhà nước.

"Tôi cho rằng, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Trước hết cần tận dụng hiệu quả của việc xuất hóa đơn từng lần bán hàng và kết nối với cơ quan thuế để cung cấp thông tin đầy đủ, công khai minh bạch trong việc sử dụng Quỹ này", PSG. TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Cùng với đó, cần có quy định cụ thể để trích lập và chi sử dụng Quỹ, đảm bảo kịp thời, thuận tiện trong trường hợp chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nhưng không làm ảnh hưởng đến vốn của doanh nghiệp. Về lâu dài, khi Nhà nước có hạ tầng dự trữ quốc gia, có thể tính tới việc sử dụng Quỹ vào dự phòng xăng dầu để can thiệp vào thị trường khi cần thiết.

Trong bối cảnh đó, hiện nay, cơ quan soạn thảo điều hành Quỹ Bình ổn giá xăng dầu theo quy định của Luật Giá, theo tôi là hợp lý.

Cũng theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, xăng dầu hiện nay vẫn là mặt hàng quan trọng có tính chiến lược với sản xuất và an sinh xã hội và đang được Nhà nước quản lý chặt chẽ, nên rất cần thận trọng trong việc triển khai các phương thức quản lý, kinh doanh. Đặc biệt, cần xây dựng kịch bản ứng phó với các tình huống khẩn cấp như gián đoạn nguồn cung hoặc biến động giá cực đoan.

Tại dự thảo Nghị định mới nhất, Bộ Công Thương đã không bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Dự thảo quy định việc bình ổn giá xăng dầu thực hiện theo quy định tại Luật Giá năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024) do Luật Giá đã quy định rõ danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, các trường hợp bình ổn và biện pháp thực hiện bình ổn giá. Bộ Tài chính, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước có ý kiến về công bố giá xăng dầu; Cơ chế điều hành giá xăng dầu; Xử lý số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu; Nguồn kinh phí phục vụ mua thông tin giá sản phẩm xăng dầu thế giới để làm căn cứ cho các thương nhân đầu mối thực hiện tính toán; Nhiệm vụ khi nhận chuyển giao từ Bộ Tài chính.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, cùng với khí đốt và điện, được xem như "bánh mì" của nền kinh tế. Chính vì vậy, xăng dầu được xác định là mặt hàng kinh doanh có điều kiện trong các văn bản quy phạm pháp luật từ trước đến nay. "Điều kiện đặt ra ở đây là làm thế nào để vừa bảo đảm được cơ chế thị trường vừa bảo đảm được cơ chế quản lý của Nhà nước. Hay nói khác là vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ.

Về xử lý số dư của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, theo phương án được nêu trong Dự thảo Nghị định thay thế, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là Quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước, không thể tự ý chuyển về ngân sách nhà nước hay đi làm việc khác. Do đó, duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu theo Luật Giá. Trường hợp mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường gây tác động lớn đến kinh tế - xã hội sẽ báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương bình ổn giá, trích từ ngân sách ra để bình ổn, để hỗ trợ. Còn trong điều kiện bình thường, doanh nghiệp tự cân đối, mọi thứ vận hành theo thị trường.

Thanh Hà

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/pgsts-dinh-trong-thinh-can-tiep-tuc-duy-tri-quy-binh-on-gia-xang-dau-350151.html