Những điều chưa biết về biến chủng Omicron
Theo TS Nguyễn Hồng Vũ, chúng ta còn biết rất ít về biến chủng Omicron. Tin tốt là các công cụ phát hiện SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR hiện nay vẫn có thể tìm ra chúng.
Tổ chức Y tế Thế giới đặt tên biến chủng B.1.1.529 là Omicron và xếp vào danh sách "đáng lo ngại". Sau tuyên bố của WHO, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Âu (ECDC) cũng phân loại biến chủng Omicron vào nhóm "đáng lo ngại", bên cạnh biến chủng Alpha (lần đầu tiên phát hiện ở Anh), Beta (phát hiện ở Nam Phi), Gamma (phát hiện ở Brazil) và Delta (phát hiện ở Ấn Độ).
Các thông tin dường như rất bi quan, hàng loạt quốc gia đã tạm thời đóng cửa với nhiều nước châu Phi. Vậy các nhà khoa học đã biết những gì và điều nào chưa chắc chắn? Tôi sẽ phân tích thông tin liên quan để tìm ra hướng trả lời những câu hỏi trên.
SARS-CoV-2 tạo biến chủng mới như thế nào?
Cấu trúc của virus rất đơn giản, gồm một vỏ protein bao bọc vật liệu di truyền bên trong là RNA hoặc DNA. Khi xâm nhập tế bào, vật liệu di truyền sẽ được nhân lên với số lượng lớn, còn gọi là quá trình sao chép để tạo ra những virus mới. Trong quá trình sao chép đó, thế hệ sau sẽ có nguy cơ cao tạo ra những đột biến, dẫn đến việc tạo ra các protein có đặc điểm mới ở cả bên ngoài và bên trong virus.
Không phải mọi đột biến đều nguy hiểm và đáng sợ. Đôi khi, có những đột biến làm hại chính virus, nếu hầu hết đột biến không phù hợp để virus phát triển, chủng virus đó sẽ nhanh chóng biến mất. Số ít những đột biến mang lại lợi thế chọn lọc cho virus, làm tăng khả năng lây nhiễm, giúp biến chủng này phổ biến hơn sau này.
Bộ gene của virus cũng giống như con người chúng ta có DNA, nằm trên nhiễm sắc thể, chứa tất cả thông tin về di truyền để mã hóa các protein cần cho virus xâm nhập vào tế bào, phát triển và lây lan. Khi đột biến xảy ra ở virus, chúng có thể gây đột biến hàng loạt các vị trí trên bộ gene của mình.
Các chủng nguy hiểm thường tạo đột biến ở gai trên màng (vùng Spike protein). Virus thay đổi vùng này sẽ giống như chúng "giải phẫu thẩm mỹ", khiến hệ miễn địch được tạo ra bởi vaccine hoặc do nhiễm bệnh tự nhiên không nhận ra virus hiệu quả như trước đó, trốn thoát được hệ miễn dịch. Hiện nay với chủng Delta, vaccine vẫn còn phần nào giúp hệ miễn dịch nhận biết được chúng nên vẫn còn tác dụng bảo vệ, giảm nguy cơ bệnh nặng đặc biệt giảm tỷ lệ tử vong.
Những điều đã biết về chủng Omicron
Thực tế, chúng ta biết rất ít về biến chủng này. Ca nhiễm Omicron đầu tiên được xác nhận là từ mẫu bệnh phẩm được thu thập vào hôm 9/11. Tin tốt là các công cụ phát hiện SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR hiện nay có thể tìm ra biến thể mới Omicron. Điều đó cho phép các nước theo dõi và chuẩn bị ngay khi biến thể này bắt đầu xuất hiện.
Tuy nhiên, các nhà khoa học thấy rằng chủng Omicron chứa số lượng lớn đột biến. Trong đó, các đột biến nằm trên những vị trí của màng protein gai, có khả năng đánh lừa, vượt qua hàng rào miễn dịch được tạo ra bởi vaccine và người từng nhiễm nCoV.
Vì vậy, các chuyên gia lo ngại rằng biến chủng mới này có thể tăng khả năng lây nhiễm và kháng vaccine. Tuy nhiên, đây vẫn là những dự đoán dựa trên trình tự gene và quan sát trong thời gian rất ngắn nên chưa rõ ràng chúng có thực sự như vậy hay không.
5 câu hỏi về chủng Omicron
Chúng ta còn nhiều những điều chưa biết về chủng này.
- Thứ nhất, các nhà khoa học nghi ngờ chúng kháng với vaccine nhưng chưa biết sẽ kháng cụ thể bao nhiêu %.
- Thứ 2 là khả năng kháng vaccine của Omicron có mạnh hơn các chủng hiện tại hay không (Alpha, Beta, Gamma, Delta...).
- Thứ 3, chúng có kháng với hệ miễn dịch của những người đã từng mắc Covid-19 hay không.
- Thứ 4, Omicron có lây nhiễm nhanh hơn chủng Delta hay không trong khi Delta được nhận định là một trong những chủng lây lan nhanh nhất hiện nay.
- Thứ 5 là khả năng làm tình trạng bệnh của người nhiễm tiến triển nặng hơn hay không.
Để trả lời các câu hỏi trên, những nhà khoa học phải thực hiện một thí nghiệm rất quan trọng đó là trung hòa virus và kháng thể. Trong thí nghiệm này, người ta dùng huyết thanh của người bình thường, người đã chích vaccine, người từng mắc Covid-19 khỏi bệnh một cách tự nhiên. Họ trộn lẫn huyết thanh đó với virus và quan sát khả năng virus xâm nhập vào tế bào. Qua đó, khả năng kháng vaccine và vượt hàng rào miễn dịch sẽ được phân tích, đánh giá.
Với câu hỏi đột biến này có tăng khả năng lây nhiễm và độc tính hay không, các nhà khoa học không thể trả lời ngay mà phải dựa vào số liệu từ cộng đồng và quan sát chúng thêm một thời gian nữa. Các nhà khoa học đang gấp rút để nghiên cứu thêm thông tin về biển chủng mới và mối đe dọa nghiêm trọng mà chúng có thể gây ra.
Các quan chức y tế toàn cầu cũng khuyến khích mọi người đeo khẩu trang, tránh những nơi đông người và tiêm chủng vaccine đầy đủ.
Chúng ta không nên quá hoang mang hay ỷ lại. Trước nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam, người dân nên tiêm vaccine đầy đủ và thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K.
Bài viết do TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu City of Hope, California, Mỹ, cung cấp thông tin.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-dieu-chua-biet-ve-bien-chung-omicron-post1280237.html