Những làng nghề nổi tiếng ở ngoại thành Hà Nội
Trong bán kính khoảng 25km từ trung tâm Hà Nội, bạn sẽ có cơ hội thăm nhiều làng nghề truyền thống với nhiều sản phẩm độc đáo và nổi tiếng.
Làng Thạch Xá làm chuồn chuồn tre
Làng nằm dưới chân núi Tây Phương nơi chùa Tây Phương tọa lạc thuộc xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất. Đi từ Hà Nội theo Đại lộ Thăng Long chừng 25km đến đoạn rẽ vào Thạch Thất thì rẽ phải rồi đi tiếp 10km nữa sẽ thấy biển chỉ vào chùa Tây Phương.
Chuồn chuồn làm bằng tre và được sơn vẽ đẹp mắt, điều đặc biệt là chuồn chuồn đứng cân bằng được bằng đầu mỏ. Tại đây chủ yếu sản xuất 3 loại chuồn chuồn theo 3 cỡ lớn, vừa, nhỏ, tương ứng với độ dài phần thân 12, 15 và 18cm, giá từ 3.000 đồng đến 10.000 đồng/con tùy theo kích cỡ. Chuồn chuồn được bày bán ở các gian hàng lưu niệm của chùa Tây Phương.
Nghề đậu bạc ở Định Công
Để đến làng nghề này, từ trung tâm Hà Nội, bạn di chuyển theo đường giải phóng đến phố Định Công thì rẽ phải qua đường tàu. Hiện, số nghệ nhân làm nghề đậu bạc theo lối truyền thống chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Đậu bạc tức là kéo bạc đã nung chảy thành những sợi chỉ bạc rồi từ những sợi chỉ này chuyển thành những hình hoa lá, chim muông gắn vào những đồ trang sức. Các sản phẩm chính bao gồm: Vòng tay, cài ve áo, nhẫn, hoa tai, mặt dây cổ, dây cổ, đồ trang trí lưu niệm bạc… Sản phẩm được đậu thủ công theo lối xưa.
Làng nón Chuông
Làng thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Chợ nón làng Chuông họp mỗi tháng 6 phiên và đều vào ngày chẵn trong tháng, mùng 4, 10, 14, 20, 24 và 30 âm lịch mỗi tháng. Chợ họp rất sớm vào thời gian từ 6 giờ đến khoảng 8 giờ thì chợ tan. Phiên chợ chỉ bán nón và các nguyên liệu phục vụ làm nón.
Nón làng Chuông từ lâu đã nổi tiếng đẹp, bền, đa dạng về màu sắc, kích cỡ. Không nhất thiết phải đi đúng phiên chợ, bạn có thể đến làng vào ngày thường để xem làm nón và mua nón.
Làng sơn mài Hạ Thái
Làng nằm ở xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Làng làm tranh sơn mài Hạ Thái ngày nay đã có tiếng với tranh, với những sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng như lọ hoa, bát, đĩa, đũa và những vật dụng trang trí trên tường, hành lang,…
Sơn mài của Việt Nam đã vươn tầm thế giới, do tranh được làm rất kỹ, hướng tới chất lượng, hướng về thiên nhiên đồng quê Việt Nam.
Làng quạt Chàng Sơn
Làng nghề làm quạt nức tiếng này thuộc huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Quạt Chàng Sơn đã có từ 200 năm nay. Thế kỷ 19, quạt Chàng Sơn từng được người Pháp đem sang Paris triển lãm. Bước vào thời kỳ đổi mới, cả xã Chàng Sơn gần một vạn dân thì có đến 3.000 người làm nghề quạt, mỗi ngày xuất ra thị trường gần trăm nghìn chiếc đủ loại: Quạt giấy, quạt nan, quạt the, quạt lụa, quạt tranh...
Làng gốm Bát Tràng
Ngoài các mặt hàng truyền thống, các lò gốm Bát Tràng còn sản xuất nhiều sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu tiêu dùng như các loại ấm chén, bát đĩa, lọ hoa… kiểu mới, các vật liệu xây dựng, các loại sứ cách điện.
Một số nghệ nhân đã bước đầu thành công trong việc khôi phục một số đồ gốm cổ truyền với những kiểu dáng và nước men đặc sắc thời Lý, Trần, Lê, Mạc.
Làng lồng chim Canh Hoạch
Làng nằm ở phố Vác, huyện Thanh Oai, cách trung tâm Hà Nội 30km về phía Tây Nam.
Làng Vác tên dân gian của làng Canh Hoạch nổi tiếng với nghề truyền thống: Làm quạt, làm nón, đặc biệt là nghề làm lồng chim.
Lồng chim làng Vác không chỉ cung cấp cho Hà Nội mà còn đưa vào trong Nam, thậm chí sang nước ngoài. Nhiều người yêu chim còn tìm về tận làng đặt lồng với giá hàng chục triệu đồng.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nhung-lang-nghe-noi-tieng-o-ngoai-thanh-ha-noi-ar904850.html