Những lưu ý để phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ
Việc phát hiện sớm và chăm sóc trẻ bị tay chân miệng đúng cách đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị bệnh và ngăn ngừa các hệ lụy nghiêm trọng do bệnh gây ra. Hiện nay, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội đã xuất hiện ổ dịch tay chân miệng, tập trung nhiều nhất tại các quận, huyện như Sóc Sơn, Cầu Giấy, Hoài Đức, Hà Đông.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trên địa bàn thành phố đã xuất hiện ổ dịch tay chân miệng tại trường mầm non. Và số ca mắc bệnh tay chân miệng ở Hà Nội trong tuần đầu tiên của tháng 10 tăng gần gấp đôi so với tuần cuối tháng 9.
Hiện nay đang trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường, kết hợp với việc học sinh quay trở lại trường học sau thời gian nghỉ hè khiến số ca tay chân miệng gia tăng. Đặc biệt trên địa bàn ghi nhận ổ dịch tại các trường mầm non, mẫu giáo. Dự báo, trong các tuần tới, số ca mắc có thể tiếp tục gia tăng. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần nhận biết các dấu hiệu của bệnh sớm, để trẻ được điều trị kịp thời.
Dấu hiệu nhận biết sớm bệnh tay chân miệng
Trẻ bị sốt, mệt mỏi là dấu hiệu nhận biết sớm nhất của bệnh.
Bệnh tay chân miệng có những dấu hiệu nhận biết khác nhau, tùy vào từng giai đoạn, cụ thể như:
– Giai đoạn ủ bệnh 3 – 6 ngày.
– Giai đoạn khởi phát bắt đầu với các triệu chứng dễ nhận thấy: trẻ mệt mỏi, bị sốt nhẹ (37,5 - 38 độ C) hoặc sốt cao (38 - 39 độ C), đau họng, đau rát ở răng và miệng, chảy nước bọt nhiều, biếng ăn;, tiêu chảy vài lần trong ngày.
– Giai đoạn toàn phát (thường bắt đầu sau 1 – 2 ngày khởi phát bệnh), trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng điển hình của bệnh như:
+ Trẻ bị phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông. Các bóng nước có đường kính 2 – 10mm, màu xám, hình bầu dục. Chúng có thể mọc lồi hoặc ẩn dưới da, sờ có cảm giác cộm, không đau, không ngứa.
+ Loét miệng: Ở niêm mạc má, lợi và lưỡi của trẻ xuất hiện các bóng nước có đường kính 2 – 3mm, dễ vỡ. Khi vỡ tạo thành các vết loét khiến trẻ đau khi ăn, quấy khóc.
+ Trên mông của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ xuất hiện các mụn lở, rộp da.
+ Dấu hiệu toàn thân: Rối loạn tri giác, mê sảng, co giật.
+ Ở giai đoạn toàn phát trẻ bắt đầu phát ban ở bàn chân.
Ngoài các triệu chứng điển hình trên, tùy vào từng cơ địa, bệnh tay chân miệng còn xuất hiện thêm các biểu hiện như: Bóng nước rất ít xen kẽ với hồng ban hoặc chỉ xuất hiện hồng ban. Một số trường hợp trẻ chỉ xuất hiện loét miệng.
– Nếu tình trạng bệnh nhẹ, sau 7 – 10 ngày chăm sóc tại nhà, trẻ sẽ hồi phục sức khỏe hoàn toàn. Trường hợp trẻ sốt cao (trên 39 độ C) kéo dài hơn 48 giờ, kèm theo các biểu hiện như nôn ói, tay chân run rẩy, co giật, tim đập nhanh, khó thở, da nổi vằn... gia đình cần đưa trẻ nhập viện ngay lập tức.
– Sau khi khỏi bệnh, cơ thể trẻ sẽ miễn dịch với chủng virus gây bệnh. Tuy nhiên, theo kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy, trẻ có thể mắc tay chân miệng nhiều lần và lần bị bệnh sau là do những chủng virus khác với lần trước gây ra.
Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng đúng cách
Để trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhanh chóng hồi phục, cha mẹ cần lưu ý về cách chăm sóc trẻ như sau:
- Đảm bảo trẻ được cung cấp đủ nước cho cơ thể mỗi ngày: Sốt do tay chân miệng kèm theo các triệu chứng như tiêu chảy, nôn ói hay tình trạng đau khi nuốt do các vết loét trong miệng khiến trẻ lười uống nước, cơ thể mất nước nghiêm trọng. Tình trạng này kéo dài có thể khiến trẻ đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm do mất nước gây ra. Vì vậy, bố mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng và các loại thuốc hạ sốt, giảm đau phù hợp với thể trạng sức khỏe của trẻ. Paracetamol 10-15mg/kg/lần là loại thuốc thường được sử dụng cho trẻ bị tay chân miệng. Lưu ý, thuốc không được dùng cho trẻ dưới 2 tháng tuổi và không dùng quá 5 lần/ngày. Mỗi liều dùng cách nhau khoảng 4-6 giờ.
- Cho trẻ súc miệng bằng nước muối sinh lý, tắm rửa, đảm bảo vệ sinh cá nhân sạch sẽ mỗi ngày và chăm sóc các tổn thương ngoài da bằng các dung dịch sát khuẩn nhằm tránh bội nhiễm khi các nốt mụn nước bị vỡ.
- Cách ly trẻ mắc bệnh với bạn bè và những người thân khác trong gia đình, nhằm hạn chế sự lây lan của bệnh. Khi vào thăm, chăm sóc cho trẻ, bố mẹ cần đeo khẩu trang và rửa tay bằng xà phòng khử khuẩn cẩn thận sau đó.
- Các vật dụng cá nhân: quần áo, tã lót, bình sữa, ly uống nước, chén ăn,… nên được vệ sinh riêng và sát khuẩn bằng nước sôi hoặc dung dịch chuyên dụng.
- Thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, đủ chất, đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất và năng lượng cần thiết cho trẻ mỗi ngày. Mẹ nên cho trẻ ăn những món ăn mềm, dạng lỏng, dễ tiêu hóa, dễ nuốt. Mẹ chú ý không cho trẻ ăn các loại trái cây gây ảnh hưởng đến nốt mụn nước, thực phẩm không lành mạnh, thức ăn nhanh, đồ cay nóng, đồ chế biến sẵn,…
Lưu ý, trong quá trình chăm sóc và điều trị tại nhà, bố mẹ nên chú ý theo dõi chặt chẽ các triệu chứng và đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra ngay khi trẻ có các biểu hiện bất thường sau:
- Các triệu chứng kéo dài hơn 7 ngày và không có dấu hiệu cải thiện.
- Trẻ sốt cao, sốt cao kéo dài, sốt cao co giật.
- Quấy khóc bất thường, khóc không ra nước mắt, môi tím tái, có dấu hiệu của mất nước.
- Có xu hướng ngủ nhiều hơn, mất nhận thức.
- Dễ giật mình, hoảng hốt.
- Tay chân run, đi loạng choạng.
- Khó thở, thở nhanh, thở nông.
- Da nổi vằn.
- Nhịp tim, huyết áp tăng nhanh.
- Nôn mửa nhiều.
Cách phòng ngừa bệnh tay chân miệng hiệu quả
Bệnh tay chân miệng bùng phát mạnh nhất vào giai đoạn chuyển mùa và chủ yếu xuất hiện ở những khu vực đông người như trường học, nhà trẻ… Vì vậy, cha mẹ cần nắm được những biện pháp phòng ngừa bệnh kịp thời, để ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh gây tổn thương cho trẻ.
Hiện nay, không có vaccine phòng bệnh, tuy nhiên cha mẹ có thể làm giảm nguy cơ bị nhiễm các loại virus gây bệnh tay chân miệng bằng những cách đơn giản sau đây:
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/nhung-luu-y-de-phong-benh-tay-chan-mieng-cho-tre-197147.htm