Những ngày đầu bảo vệ thành quả cách mạng
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định gần như ngay lập tức chuyển sang thực hiện nhiệm vụ quân quản, bảo vệ thành quả cách mạng, khắc phục hậu quả chiến tranh và xây dựng, tổ chức lại quân đội tương thích với điều kiện thời bình.
Đó là những hoạt động trong giai đoạn “bản lề” trước khi bước vào thời kỳ xây dựng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tiếp quản, quân quản
Ngay sau ngày chiến dịch Xuân Lộc mở màn (9-4-1975), lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định đã nhận được Chỉ thị 06/TWC của Trung ương Cục miền Nam về việc chuẩn bị công tác tiếp quản. Triển khai chỉ thị trên, Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định được thành lập gồm 11 thành viên do đồng chí Trần Văn Trà làm Chủ tịch; Phó Chủ tịch gồm các đồng chí: Võ Văn Kiệt, Hoàng Cầm, Trần Văn Danh, Mai Chí Thọ, Cao Đăng Chiếm.
Đảng ủy Quân quản gồm 11 thành viên do đồng chí Võ Văn Kiệt làm Bí thư, các đồng chí Trần Văn Trà và Mai Chí Thọ làm Phó Bí thư. Sau ngày 30-4-1975, Thành đội Sài Gòn - Gia Định hành quân về tiếp quản căn cứ Biệt khu thủ đô. Sau khi tiếp quản, Ủy ban Quân quản các cấp lần lượt ra mắt và bắt tay thực hiện chức năng của chính quyền cách mạng lâm thời.
Chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ sụp đổ đã để lại những di hại nặng nề cả về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội. Ngoài một số tướng lĩnh, nhân viên chính quyền cao cấp chạy ra nước ngoài, đại đa số vẫn còn ở lại; riêng địa bàn Sài Gòn - Gia Định, thành phố có dân số đông nhất nước (gần 3,5 triệu người), có trên 27 vạn người mù chữ, trên 1 triệu người thất nghiệp, 20 vạn trẻ mồ côi, 23 vạn quả phụ bơ vơ, 1 vạn người ăn xin, 30 vạn người mắc bệnh da liễu, trên 1 vạn trẻ bụi đời, trên 10 vạn người nghiện xì ke, ma túy. Lực lượng vũ trang thành phố vừa thực hiện nhiệm vụ tiếp quản, vừa tham gia xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ổn định đời sống nhân dân.
5.500 cán bộ chiến sĩ, tổ chức 4 đoàn, 34 đội công tác xuống các địa phương thực hiện nhiệm vụ cứu trợ, tổ chức đưa đồng bào chạy nạn về quê cũ sinh sống, khôi phục sản xuất, rà phá tháo gỡ bom mìn vật nổ, thu dọn phế liệu chiến tranh và văn hóa phẩm độc hại, khám chữa bệnh cho nhân dân. Các đơn vị trích 400.322 kg gạo trong khẩu phần ăn của bộ đội để cứu đói cho 18.161 gia đình, với 113.289 nhân khẩu. Lực lượng vũ trang thành phố còn triển khai công tác tiếp nhận trình diện và cải huấn sĩ quan, binh lính quân đội Sài Gòn. Tính chung, lực lượng vũ trang thành phố đã tiếp nhận trình diện và tổ chức học tập cho 376.000 sĩ quan, binh lính (trong đó có 30 cấp tướng, 350 đại tá, 2000 trung tá, 5000 thiếu tá).
Thực hiện công tác chính sách
Trước chiến dịch Hồ Chí Minh, lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định phát triển lên mức cao chưa từng thấy, gồm 2 trung đoàn chủ lực (Trung đoàn Gia Định 1 và Trung đoàn Gia Định 2), 5 tiểu đoàn mũi nhọn, gộp với các đơn vị trực thuộc và cơ quan phục vụ, quân số có 4.924 cán bộ, chiến sĩ. Mỗi quận huyện có từ 1 đến 2 đại đội. Ngoài ra, còn có 3.345 du kích, hàng trăm tự vệ mật, lực lượng địa phương tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lên đến hơn 20.000 người.
Trong điều kiện công việc hết sức bề bộn, đời sống khó khăn, các đơn vị vũ trang đã phối hợp với chính quyền địa phương lập danh sách, xác minh các trường hợp mất tích, báo tử, quy tập mồ mả; giám định sức khỏe, xếp hạng thương tật, cấp sổ; khen thưởng các trường hợp tồn đọng sau chiến tranh (đề nghị huân huy chương, danh hiệu đơn vị và cá nhân anh hùng lực lượng vũ trang).
Tính đến tháng 12-1977, lực lượng vũ trang thành phố đã cùng lực lượng vũ trang các tỉnh Quân khu 7 lập danh sách, quản lý hồ sơ 68.566 liệt sĩ; quy tập về nghĩa trang, kiểm tra đánh dấu cắm bia 23.360 mộ liệt sĩ; thống kê giám định 18.593 thương binh các hạng, cấp sổ 6.342 người; khen thưởng hàng chục ngàn huân chương các loại, xét đề nghị tuyên dương 11 đơn vị và 21 cá nhân Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Bên cạnh đó, lực lượng vũ trang thành phố còn được kiện toàn cho phù hợp với điều kiện hòa bình. Ngày 2-6-1975, Bộ Tư lệnh Miền ban hành Quyết định số 82/QĐ-TC thành lập Bộ Tư lệnh Sài Gòn - Gia Định trực thuộc Bộ Tư lệnh Miền. Ngoài ra, thành phố còn khẩn trương xây dựng lực lượng dân quân tự vệ gồm 10.173 người (trong đó có 2.068 dân quân tự vệ phường xã, 5.700 dân quân tự vệ khóm ấp, 963 tự vệ khối cơ quan xí nghiệp). Trong tổ chức mới, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ được tổ chức xuất ngũ, chuyển ngành, đi học, và chuyển thực hiện nhiệm vụ làm kinh tế.
Như thế, mặc dù sau ngày miền Nam giải phóng, tính chất cuộc cách mạng ở miền Nam đã hoàn toàn thay đổi, đất nước hòa bình thống nhất, nhưng lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định - TPHCM lại không ngừng nghỉ ngơi mà vẫn tiếp tục bắt tay thực hiện một khối lượng công việc đồ sộ sau chiến tranh. Kết quả của những hoạt động ấy đã góp phần quan trọng vào thành công của nhân dân thành phố trong những năm 1975 - 1976, đặt tiền đề để lực lượng vũ trang tiến lên con đường xây dựng chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại.
Chỉ trong 7 ngày sau ngày 30-4, lực lượng vũ trang thành phố đã thu gom được khoảng 10.000 tấn súng đạn, quân cụ các loại. Trong vòng 3 năm (1975-1977), đã huy động 167.889 lượt cán bộ, chiến sĩ đơn vị vũ trang tập trung và dân quân du kích phá gỡ 128.090 quả bom mìn các loại, thu gom 415 tấn vật nổ, giải phóng 2.268 ha đất để phát triển sản xuất.
Chỉ tính riêng năm 1977, lực lượng vũ trang đã sản xuất và chăn nuôi được 572 tấn gạo, 1.500 tấn củ mì (củ sắn) và 135 tấn thịt gia súc, gia cầm... Lực lượng vũ trang thành phố còn xây dựng Nông trường cầu An Hạ 1 và An Hạ 2, góp phần phát triển kinh tế trong điều kiện khó khăn những ngày sau giải phóng.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nhung-ngay-dau-bao-ve-thanh-qua-cach-mang-636352.html