Những người đam mê gìn giữ giá trị văn hóa

Vĩnh Phúc là địa phương có nhiều nét văn hóa đặc sắc, trong đó, có di sản văn hóa phi vật thể đã được Unesco công nhận, nhiều nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân được vinh danh. Các nghệ nhân với nhiều cách làm khác nhau vẫn gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp truyền thống của dân tộc. Vì vậy, những năm qua, hoạt động tôn vinh, đãi ngộ, gìn giữ “những giá trị văn hóa” được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm.

Nghệ nhân Phan Thị Duyệt, xã Đạo Tú (Tam Dương) lan tỏa tình yêu ca trù cho con cháu. Ảnh: Dương Hà

Nghệ nhân Phan Thị Duyệt, xã Đạo Tú (Tam Dương) lan tỏa tình yêu ca trù cho con cháu. Ảnh: Dương Hà

Theo lời giới thiệu của cán bộ xã Đạo Tú (Tam Dương), chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân Phan Thị Duyệt, nghệ nhân ưu tú duy nhất của tỉnh ở loại hình nghệ thuật trình diễn ca trù hiện còn sống.

Trong ngôi nhà nhỏ, cô con gái và đứa chắt ngoại đang quây quần bên người nghệ nhân già cùng hát những bài ca trù cổ. Năm nay đã hơn 100 tuổi, nhưng nghệ nhân Phan Thị Duyệt vẫn còn minh mẫn và niềm đam mê với ca trù vẫn còn nguyên vẹn.

Nghệ nhân Phan Thì Duyệt kể lại: "Các cụ thân sinh ra tôi đều là những người hát ca trù có tiếng trong phường, phủ ngày ấy. Ngay từ nhỏ, những lời ca đặc biệt của ca trù đã đi sâu vào giấc ngủ của tôi, lớn lên trong tôi từng ngày".

Đến năm 12 tuổi, nghệ nhân Phan Thị Duyệt đã hát thành thạo nhiều bài ca trù cổ, biết sử dụng nhiều loại nhạc cụ và thường theo cha mẹ đi hát ở rất nhiều nơi. Những năm trẻ tuổi, nghệ nhân Phan Thị Duyệt nổi tiếng là đào nương có giọng hát truyền cảm, đi vào lòng người, được mời đi hát tại khắp các nơi trong tỉnh vào những dịp lễ hội lớn.

Ngân nga một điệu ca trù cổ, nghệ nhân Phan Thị Duyệt giảng giải: Nét độc đáo của ca trù là sự phối hợp đa dạng, nhuần nhuyễn giữa thi ca và âm nhạc. Tùy vào mỗi không gian diễn xướng, nghệ thuật ca trù sẽ có lối hát và cách thức trình diễn riêng.

Ca trù là loại hình nghệ thuật biểu diễn khá đặc biệt bởi sử dụng nhiều thể văn chương như thể phú, thể truyện, thể ngâm và hát nói. Người nghệ nhân ca trù phải sử dụng được 3 loại nhạc khí: đàn đáy, phách và trống chầu. Bởi vậy, ca trù rất “kén” người hát và người nghe.

Vài năm trước, khi đôi chân còn nhanh nhẹn, nghệ nhân Phan Thị Duyệt truyền dạy cho nhiều bạn trẻ đến học hát ca trù. Nhiều người nhờ được nghệ nhân truyền dạy đã ghi dấu ấn trong các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật lớn.

Đến nay, khi mắt đã mờ, chân đã chậm, nhưng hằng ngày, nghệ nhân Phan Thị Duyệt vẫn bầu bạn với chiếc radio để nghe và ca những bài hát ca trù cổ, lan tỏa tình yêu ca trù tới con cháu và nhiều bạn trẻ.

Năm nay đã hơn 60 tuổi, nhưng nghệ nhân Lâm Thị Hồng Lý, thôn Quang Minh, xã Minh Quang (Tam Đảo) đã dành hơn nửa cuộc đời mình để tìm hiểu, sưu tầm, gìn giữ điệu hát Soọng cô và truyền dạy lại tiếng nói, chữ viết, phong tục truyền thống của dân tộc Sán Dìu cho các thế hệ trẻ.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, nghệ nhân Lâm Thì Hồng Lý có cha - vốn là thầy giáo truyền dạy tiếng nói, chữ viết và các làn điệu Soọng cô. Bởi vậy, ngay từ nhỏ, cô Lâm Thị Hồng Lý đã thuộc rất nhiều bài hát Soọng cô.

Đứng trước nguy cơ mai một các giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu, năm 2020, cô Lý đã mở lớp truyền dạy miễn phí tiếng nói, chữ viết và hát Soọng cô cho các cháu nhỏ trong xã.

Từ nhiều năm nay, lớp học được duy trì vào mỗi thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, thường xuyên duy trì từ 40-50 cháu ở lứa tuổi 4-12 tuổi theo học. Nhỏ tuổi nhất lớp học là Trần Nguyễn Hiền Anh, năm nay mới 4 tuổi nhưng cháu đã biết hát thành thạo nhiều bài hát Soọng cô và nói thành thạo ngôn ngữ dân tộc.

Ngoài dạy hát, dạy chữ, tiếng nói cho các cháu nhỏ, nghệ nhân Lâm Thị Hồng Lý còn cần mẫn đi gặp nhiều cụ cao niên của đồng bào dân tộc Sán Dìu để tìm hiểu, ghi chép, sưu tầm tài liệu về các phong tục, tập quán truyền thống của dân tộc.

Đến nay, bà con dân tộc Sán Dìu ở Minh Quang vẫn giữ được những nét văn hóa của dân tộc như: mặc trang phục truyền thống trong đám cưới, làm các món ăn truyền thống trong các ngày lễ của dân tộc như bánh chưng gù, bánh gio, bánh trứng ngỗng, xôi đen…

Năm 2013, nghệ nhân Lâm Thì Hồng Lý cùng một số người cao tuổi trong đồng bào dân tộc Sán Dìu ở xã Minh Quang thành lập CLB hát Soọng cô thôn Lưu Quang. Đến nay, CLB đã thu hút 45 hội viên, ở nhiều độ tuổi khác nhau và rất nhiều gia đình có tới 3-4 thành viên tham gia CLB.

Vào các buổi tối cuối tuần, ngôi nhà nhỏ của nghệ nhân Lâm Thị Hồng Lý tại thôn Quang Minh lại ngân vang những điệu hát mượt mà, trữ tình bởi đây là nơi sinh hoạt của các thành viên CLB. Không chỉ thường xuyên biểu diễn vào các ngày hội lớn của thôn, xã, CLB còn đi giao lưu với các CLB hát Soọng cô trong tỉnh và các tỉnh bạn.

Nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể nói riêng và nghệ nhân văn hóa, nghệ thuật truyền thống nói chung như những “kho tàng văn hóa sống” bởi họ là những người tài năng, có cống hiến to lớn trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của địa phương.

Theo thống kê, đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có gần 30 nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, trong đó, chỉ có 24 nghệ nhân còn sống.

Để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể thì việc giữ gìn, bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa là việc làm cần thiết. Bên cạnh hoạt động vinh danh danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân và triển khai kịp thời chủ trương, chính sách đãi ngộ của Đảng, Nhà nước đối với các nghệ nhân, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 12 về chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các câu lạc bộ dân ca tiêu biểu tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025.

Với đặc thù phần lớn các nghệ nhân đều làm nông nghiệp, tuổi đã cao, kinh tế còn khó khăn thì đây là nguồn động viên kịp thời để các nghệ nhân tiếp tục cống hiến, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa quý báu của dân tộc.

Kim Ngân

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/79268/nhung-nguoi-dam-me-gin-giu-gia-tri-van-hoa.html