Những phụ nữ điển hình

Suốt 5 năm qua, thông qua các hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ và hoạt động thực tiễn, cán bộ, hội viên, phụ nữ xã Rô Men (Đam Rông) đã ngày càng trưởng thành về mọi mặt; năng động, nhiệt tình, trách nhiệm, sáng tạo. Họ đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển chung của xã Rô Men.

Hoạt động của Hội LHPN xã Rô Men được đánh giá là điển hình ở huyện Đam Rông

Hoạt động của Hội LHPN xã Rô Men được đánh giá là điển hình ở huyện Đam Rông

Chị Vũ Thị Kim Dung - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Rô Men cho biết: Tính đến cuối năm 2020, xã Rô Men có 1.110 hội viên phụ nữ. Trong đó, hội viên dân tộc thiểu số là 622 chị; hội viên tôn giáo 673 chị; 224 hội viên nòng cốt và 35 cán bộ hội cốt cán. Hơn 85% hội viên phụ nữ làm nông nghiệp là chính. 5 năm qua, tỷ lệ tập hợp thu hút hội viên đạt 69,76%, không có chi hội tập hợp hội viên dưới 50%. Chị Hồng Thuyên - Chủ tịch Hội LHPN huyện Đam Rông nhận định: 5 năm qua, các tầng lớp phụ nữ trên địa bàn xã luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo, tích cực thi đua, phấn đấu vươn lên đóng góp tích cực trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và phong trào thi đua yêu nước đạt được nhiều kết quả thiết thực, quan trọng. Bởi vậy, vừa qua, Hội LHPN xã Rô Men là đơn vị được Hội LHPN huyện Đam Rông chọn làm điểm cấp cơ sở.

Nhiệm kỳ qua, Hội LHPN xã thường xuyên bám sát chức năng, nhiệm vụ của Điều lệ Hội, nhiệm vụ chính trị của địa phương không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; từng bước thực hiện tốt hơn vai trò đại diện quyền làm chủ của phụ nữ, tích cực tham gia giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc liên quan đến phụ nữ, trẻ em, đặc biệt quan tâm đến các hoạt động nâng cao trình độ nhận thức, xây dựng gia đình hạnh phúc… Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới, Hội LHPN xã Rô Men đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia thực hiện xây dựng các khu dân cư tiêu biểu, kiểu mẫu; phát động xây dựng các tuyến đường hoa tại các thôn, khu dân cư. Điển hình như tại Thôn 5, nơi cư trú của 100% bà con dân tộc H’Mông, chị Thào Thị Mỷ - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Thôn 5 cho biết: Thôn có 154 hội viên, 100% là người dân tộc H’Mông. Trong những năm qua, chi hội đã tuyên truyền, vận động hội viên chăm lo phát triển kinh tế gia đình; đồng thời đóng góp cho sự phát triển chung của xã. Bắt đầu từ những việc cụ thể như chăm sóc nuôi dạy con, xây dựng kế hoạch chi tiêu hợp lý, tiết kiệm, ngăn chặn bạo lực gia đình... cho đến đóng góp vào việc chung của xã hội như góp kinh phí, ngày công làm đường liên thôn, xây dựng các tuyến đường hoa cỏ lạc, duy trì tổ dọn dẹp vệ sinh môi trường... Thông qua các hoạt động ấy, chị em phụ nữ hiểu và chia sẻ với nhau hơn và vai trò của chị em người dân tộc H’Mông ở Thôn 5 ngày càng được khẳng định.

Mặc dù thuộc vào top khá của huyện Đam Rông, song xã Rô Men vẫn còn nhiều khó khăn. Điều người dân quan tâm nhất vẫn là phát triển kinh tế, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Xác định rõ điều này nên Hội LHPN xã đã tích cực thực hiện việc giảm nghèo bền vững cho hội viên phụ nữ bằng cách tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp, kinh doanh, đẩy mạnh ứng dụng KHKT vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao thu nhập gia đình, thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”… Đơn cử như tại Thôn 2 - đơn vị đi đầu trong phát triển kinh tế của phụ nữ xã, chị Trần Thị Mỹ Toàn - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ đã không giấu nổi niềm vui khi chia sẻ về các chị em chăm lo lao động, sản xuất, hình thành các mô hình tiêu biểu trong trồng dâu nuôi tằm, nuôi cá nước lạnh, trồng cây ăn trái, trồng rau sạch... mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những cái tên như Đỗ Thị Thắm, Nguyễn Thị Hạnh, Hoàng Thị Hiền, Phạm Thị Tình... được chị em phụ nữ xã Rô Men nhắc đến như điển hình cụ thể của những người phụ nữ sản xuất giỏi. “Chăm lo phát triển kinh tế là một trong những mục tiêu lớn nhất của chị em. Cũng từ đây đã có 5 tổ tiết kiệm với tổng số tiền 359 triệu đồng/240 hội viên tham gia đã được hình thành. Ngoài việc hỗ trợ tiền, chị em còn hỗ trợ ngày công, chia sẻ kinh nghiệm trong lao động, sản xuất. Nhờ vậy, 5 năm qua đã có 72 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được giúp đỡ; trong đó 51 hộ đã thoát nghèo. Điều này đóng góp rất lớn cho quá trình về đích nông thôn mới của địa phương”, chị Mỹ Toàn chia sẻ thêm.

Và không chỉ có Thôn 2, việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình được đẩy mạnh trong tất cả các chi hội. Theo đó, Hội LHPN xã đã xây dựng 10 tổ tiết kiệm với tổng số tiền tiết kiệm trên 581 triệu đồng/542 hội viên tham gia, huy động tiết kiệm thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn được 515 triệu đồng/328 hộ vay. Bên cạnh đó, phong trào giúp nhau phát triển kinh tế luôn được các chi hội quan tâm triển khai thực hiện, duy trì bằng nhiều hoạt động như: hỗ trợ tiền, ngày công.... Theo đó, nhiệm kỳ qua, đã có 94 hộ hội viên phụ nữ được hỗ trợ thoát nghèo. Điều này đóng góp quan trọng vào việc đưa thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 41 triệu đồng/người/năm và giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 4,43%.

HOÀNG MY

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202104/nhung-phu-nu-dien-hinh-3052834/