Niềm tin nhìn từ phía sáng
Ðại dịch Covid-19 ở TP Hồ Chí Minh đã cơ bản được kiểm soát nhưng sự kinh hãi vẫn còn nhiều nơi và nỗi lo trong lòng người vẫn chưa chấm dứt, khi lại nghe thêm một biến chủng virus nguy hiểm mới.
Không khí đang phấn chấn vì công việc đầu năm suôn sẻ, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ Thành phố được triển khai và cuộc sống, khát vọng dần trở thành hiện thực, các mũi đột phá trong chương trình được cụ thể thành các công việc lớn bé nhằm thực hiện đổi mới quản lý, xây dựng đội ngũ, phát triển hạ tầng góp phần chỉnh trang gương mặt thành phố, như tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên, Cầu Thủ Thiêm 2, hầm chui giao lộ Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ, làm đường và kè rạch Xuyên Tâm… rồi chuẩn bị các dự án lớn như cao tốc TP Hồ Chí Minh-Mộc Bài, vành đai ba, thì ngay đầu quý II, dịch bệnh lan tới.
Cứ ngỡ cũng bình thường như bao đợt khác, tựa Hà Nội đầu năm 2020 hay căng hơn ở Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang vừa rồi. Nhưng không phải thế. Đợt bùng phát lần thứ tư này TP Hồ Chí Minh là tâm điểm, thiệt hại rất nặng nề và to lớn. Kinh tế, xã hội và nhiều lĩnh vực khác đình trệ, thiệt hại đã đành, nhưng tổn thất về người cũng rất nặng. Đó là nỗi đau lớn, bởi con người là vốn quý nhất, còn người sẽ còn tất cả. Thế mà, chỉ mấy tháng Covid-19 quét qua, TP Hồ Chí Minh mất đi gần hai mươi nghìn sinh mạng. Nhiều người ví như một trận cuồng phong, siêu bão, có người xem là đợt sóng thần, đến nay còn âm âm sóng, khả năng bùng phát trở lại rất cao, nếu mất cảnh giác, lơ là sẽ gánh chịu thiệt hại nặng.
Khi dịch bệnh manh nha, thành phố đã có kế hoạch đối phó, nhưng khi dịch bùng phát vẫn bị bất ngờ, vì diễn biến không như dự kiến, lan nhanh và hiểm độc. Nhiều người nhiễm và nhiều cái chết thật đau thương. Có người bỗng chốc nhiễm virus, thở không được, rồi ra đi mãi mãi. Có bà mẹ mang thai sắp đến ngày sinh, mẹ mất, thai nhi cũng tử vong theo. Có nhà chết đến bốn, năm người. Có người khỏe mạnh, vì nhiệm vụ tham gia, cũng nhiễm bệnh mà hy sinh. Các trường hợp tử vong, người thân đều không thể thăm, chia biệt, không tổ chức được tang lễ, thi hài hỏa táng, tro cốt trả sau. Người chết cô đơn đã đành, người sống cũng đau thương, day dứt. Gần ba nghìn em mồ côi, có em mất cả cha lẫn mẹ. Rất nhiều hoàn cảnh thương tâm.
***
Trong khó khăn khốc liệt đó, cả hệ thống chính trị vào cuộc. Trước hết là y tế, công an, bộ đội và nhiều bộ phận khác vào trận, xem là tuyến đầu của "chống dịch như đánh giặc", nhưng ban đầu chưa mấy ai hình dung sẽ đánh thế nào. Biến thể Delta mới nguy hiểm hơn, chút kinh nghiệm năm trước, áp dụng vào tình hình mới trên địa bàn, có điểm không thích hợp, đành phải vừa làm vừa điều chỉnh.
Là thành phố lớn, tiềm lực mạnh hơn nhiều nơi, nhất là lĩnh vực y tế, nhưng ai ngờ rằng dịch bệnh lan nhanh hơn ta nghĩ. Bắt đầu như đốm nhỏ, bùng ổ dịch từ một quận, do một nhóm truyền giáo bất cẩn nảy sinh, đã lan ra cộng đồng ở nhiều quận, huyện khác. Rồi như lửa cháy lan, một vài trăm, rồi một vài nghìn, lúc cao điểm tới hơn mười nghìn người nhiễm mỗi ngày, nhiều người chuyển nặng. Năng lực y tế không còn đủ sức đáp ứng. Cán bộ lo lắng, dân tình hoang mang. Cả nước hướng về thành phố.
Nhưng giải pháp nào thích hợp với thành phố hơn mười triệu dân, khi nhiều địa bàn còn phải sống chật chội, nhất là công nhân và gia đình trong các khu nhà trọ, mà bệnh này, càng chật càng đông, càng lây lan nhanh. Phải thực hiện tổng hợp, đẩy nhanh tiêm chủng vắc-xin, thực hiện 5K, xét nghiệm, cách ly, khoanh vùng, giãn cách xã hội, tăng cường y tế cơ sở, để dập dịch. Giãn cách không gian rộng là khó khăn lớn vì đụng chạm đến cuộc sống, số phận hàng triệu con người. Nhưng người dân thành phố đã tin tưởng lãnh đạo, cùng đồng thuận, đoàn kết, giúp nhau chung lòng chống dịch. Để giữ an sinh xã hội, thành phố ba, bốn lần dành tiền hỗ trợ cho nhiều triệu lượt người mất việc, khó khăn, với số tiền hàng chục nghìn tỷ đồng, cũng chỉ giải quyết được một phần. Nhìn thành phố những ngày giãn cách, vắng lặng như một thành phố chết, không ai không buồn bã, đau lòng. Thành phố huy động tổng lực đã đành, mà Đảng, Nhà nước còn huy động cả nước giúp sức, tăng cường nhân lực vật lực, từ Trung ương đến nhiều tỉnh thành xa gần.
Thực tiễn chống dịch đã xuất hiện bao tấm gương cao đẹp của những tập thể, cá nhân ở khắp nơi, đầy lòng quả cảm, tận tụy, hy sinh quên mình từ những y bác sĩ, cán bộ công an, quân đội, đến những người tình nguyện, làm công tác thiện nguyện. Các tỉnh thành bạn cũng tận tình hỗ trợ. Báo chí, mạng xã hội tích cực đưa tin, lan truyền, đã lay động hàng triệu triệu con tim, cả trong và ngoài nước. Những tấm gương như thế có sức khích lệ động viên rất lớn, an lòng người dân, người bệnh trong lúc cam go khi mắc bệnh, lúc cách ly, hay lo ăn uống thường ngày.
***
Tác động của dịch bệnh và chống dịch bệnh đều rất mạnh. Mặt tích cực của chống dịch giúp ta hiểu thêm tình người, lòng người. Tâm sự của người từ cõi chết trở về càng chân thật và đáng suy ngẫm hơn. Nhiều, rất nhiều nhân viên y tế trong tình hình cấp bách, quên ăn, quên ngủ, liên tục làm việc, giành sự sống cho con người, gây xúc động sâu lắng! Ngay trong đại dịch, nhiều văn nghệ sĩ có các hình thức sinh động để xoa dịu nỗi đau và khích lệ lòng người. Ở một chiều khác, mặt trái của dịch bệnh cũng tạo ra nhận thức có ích. Sự sống được trân quý hơn. Người thương người, quan tâm đến nhau hơn. Cách sống thay đổi, thấy đời sống vô thường, cần độ lượng, khoan dung hơn, tỵ hiềm mà làm gì. Quan niệm làm giàu vì lợi nhuận của nhiều doanh nhân cũng chuyển biến, hướng tới con người hơn. Nhiều người mở lòng làm từ thiện. Có lẽ vì thế cơn bão mạng về chuyện lùm xùm của đôi ba người làm từ thiện chống lụt bão năm trước được nhìn nhận nghiêm khắc hơn. Mong sao những tấm lòng thiện nguyện sáng trong, minh bạch, đúng hành lang pháp luật, để bớt những luận bàn không đáng có.
Lễ tưởng niệm trang nghiêm và ấm áp mang tính quốc gia, mà thành phố này góp phần quan trọng, làm ấm áp vong linh người khuất và an lòng người ở lại. Có nhiều doanh nhân vượt lên đau thương, mở ra góc nhìn mới, tìm lối đi mới, thích hợp linh hoạt với tình hình. Sau khi thành phố cơ bản kiểm soát được dịch, dỡ bỏ giãn cách, tin vui là sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh dần dần trở lại. Phố phường, hàng quán mở ra, cuộc sống náo nhiệt, sinh động hơn. Ở khu công nghệ cao thành phố Thủ Đức, 100% cán bộ công nhân đi làm lại; nhiều doanh nghiệp, công ty lớn tới hàng chục nghìn công nhân, nhiều công trình tạm ngưng cũng đã hoạt động trở lại. Kinh tế du lịch bước đầu mở cửa đón khách trong nước, mở liên kết vùng và dự kiến chương trình đón khách quốc tế. Đời sống và sản xuất đã tươi lại, nhưng là tươi trong trạng thái "bình thường mới" ít nhiều khác trước. Nhiều diễn đàn luận bàn nhấn mạnh, không chỉ cảm thông với bất hạnh, mà hành động làm ra của cải góp phần giải quyết những bất hạnh sau dịch bệnh mới quan trọng. Nhà lãnh đạo cần đưa ra được những ý tưởng hay, những quyết sách cơ cấu lại nền kinh tế; nhà doanh nghiệp cấu trúc lại công việc; công nhân thêm sáng kiến, nâng cao năng suất để sản xuất an toàn và đáp ứng yêu cầu mới. Văn học nghệ thuật từ thực tiễn này, làm gì để sáng tạo những giá trị cao trả lời những câu hỏi của nhân loại trong thời đại hôm nay. Hình như khát vọng và tính nhân văn trong trái tim mỗi người được lớn thêm, cao lên, không gian như mở rộng. Và đó cũng là hệ quả sau chấn động dịch bệnh này.
Con người kể cũng lạ, có những thứ rất quý, trong điều kiện bình thường lại ít quan tâm. Như oxy trong khí thở. Như người với người trong xã hội. Nhưng qua chấn động, đắm chìm, thử thách, những điều quý giá ấy được nhận thức đầy đủ hơn.
***
TP Hồ Chí Minh cũng như phương nam, đang giao mùa cũng là lúc Tết sắp về, xuân sắp sang. Nghe hơi xuân, theo quy luật tự nhiên, cây cối nảy mầm, hoa lá đua nhau khoe sắc. Với phong tục Việt Nam, người người nhà nhà lại vui đón mừng một mùa xuân mới. Năm nay khó khăn hơn, nhưng thành phố vẫn dành gần nghìn tỷ đồng chăm lo Tết với người có công và những hoàn cảnh khó khăn. Thành phố cũng lên kế hoạch tổ chức Hội Hoa Xuân và Chợ Hoa Tết Nhâm Dần, những thương hiệu đặc trưng của thành phố. Do dịch bệnh, quy mô sự kiện giảm, nhưng Đường hoa phố Nguyễn Huệ vẫn lưu ý bổ sung thêm tiểu cảnh và tạo không gian để người dân tham quan, chụp hình lưu niệm. Đặc biệt, vui chơi nhưng vẫn cần thực hiện các biện pháp bảo đảm tuyệt đối an toàn phòng, chống dịch, cả các đối tượng phục vụ và khách tham quan.
Trong những mục tiêu trước mắt, lãnh đạo thành phố đề ra là coi trọng việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân, cùng với phục hồi sản xuất, chăm lo cho "sức khỏe" của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống cho nhân dân, trong đó có việc tăng cường đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội với giá phải chăng dành cho công nhân lao động và người thu nhập thấp. Tất nhiên, đó là cả núi công việc đầy khó khăn, đòi hỏi nhiều cố gắng, sáng tạo, nhưng đó cũng là tiền đề cho kế hoạch phát triển năm tới và những năm tiếp theo.
Nhìn về phía sáng, ta thấy niềm vui, niềm tin và điều đó hoàn toàn có cơ sở.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/doi-song-xa-hoi-hangthang/niem-tin-nhin-tu-phia-sang-683810/