Nỗ lực cán đích các mục tiêu năm 2024 (Bài 1): Bức tranh kinh tế - xã hội nhiều điểm sáng

Bám sát tinh thần 'Kỷ cương - Trách nhiệm - Hành động - Sáng tạo - Phát triển', Thanh Hóa đã nhanh chóng cán đích nhiều mục tiêu quan trọng. Qua đó, góp phần khẳng định vị thế trên bản đồ tăng trưởng kinh tế - xã hội đất nước.

Khách du lịch tham quan khu di tích Lam Kinh. Ảnh: Khôi Nguyên

Khách du lịch tham quan khu di tích Lam Kinh. Ảnh: Khôi Nguyên

Phát triển toàn diện

Cả nước nói chung, Thanh Hóa nói riêng, vừa trải qua 9 tháng năm 2024 với nhiều điều kiện thuận lợi và cả những khó khăn không thể lường trước. Trong đó phải kể đến cơn bão số 3, số 4 và mưa lũ sau bão đã gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Song, bằng sự nỗ lực lớn nhất, quyết tâm cao nhất và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Thanh Hóa đã vượt qua nhiều thách thức, trở ngại khách quan lẫn chủ quan, để cán đích nhiều mục tiêu quan trọng đã được đề ra từ đầu năm 2024.

Điểm sáng nổi bật trên bức tranh kinh tế - xã hội 9 tháng là kinh tế duy trì tăng trưởng cao và trên từng lĩnh vực đều có bước phát triển tích cực. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 12,46%, đứng thứ 2 cả nước (sau tỉnh Bắc Giang). Trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,43%; công nghiệp - xây dựng tăng 18,85%; dịch vụ tăng 7,23%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,02%.

Trong bộ ba “thế chân kiềng” cho phát triển là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, tiếp tục có những thành tích nổi trội. Trong đó, dấu ấn rất nổi bật trong nông nghiệp phải kể đến như tổng sản lượng lương thực ước đạt 1,56 triệu tấn, bằng 101,4% kế hoạch. Đặc biệt, trong 9 tháng có thêm 1 huyện, 4 xã đạt chuẩn NTM, 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 11 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh có 14 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 364/465 xã, 717 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM; 110 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 27 xã, 508 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đồng thời, Hội đồng Thẩm định Trung ương đã thẩm định, thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Thọ Xuân đạt chuẩn huyện NTM nâng cao năm 2023. Ngoài ra, toàn tỉnh có thêm 68 sản phẩm được xếp hạng OCOP cấp tỉnh, nâng tổng số sản phẩm OCOP cấp tỉnh lên 531 sản phẩm.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh để khẳng định vai trò nền tảng quan trọng của nền kinh tế. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IP) 9 tháng ước tăng 20,2% so với cùng kỳ; có 16/19 sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng và một số sản phẩm tăng mạnh. Một điểm sáng rất đáng kể là trong thời gian qua, Thanh Hóa đã tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) đoạn qua địa bàn tỉnh đảm bảo tiến độ. Đồng thời, có nhiều đóng góp tích cực góp phần đưa dự án về đích theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trên bức tranh tăng trưởng kinh tế 9 tháng, các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển, một số lĩnh vực phát triển mạnh. Trong đó, hoạt động du lịch diễn ra sôi động nhờ việc đưa vào khai thác nhiều sản phẩm du lịch mới như: Công viên nước Sun World Sầm Sơn, Tổ hợp nghỉ dưỡng, vui chơi Flamingo Ibiza Hải Tiến... Nhờ đó, trong 9 tháng, toàn tỉnh ước đón 14,4 triệu lượt khách, tăng 19,6%; tổng thu du lịch ước đạt 31.935,5 tỷ đồng, tăng 39,2% so với cùng kỳ. Thêm một dấu ấn rất nổi bật, thể hiện sự quyết tâm rất lớn của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng vừa qua là kết quả thu ngân sách Nhà nước. Với con số ước đạt 42.695 tỷ đồng (vượt 20% dự toán và tăng 44,7% so với cùng kỳ), đã đưa Thanh Hóa vươn lên đứng đầu các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ và đứng thứ 7 cả nước về thu ngân sách.

Để thu hút các nguồn lực cho phát triển, tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến đầu tư. Theo đó, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức đoàn đi xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tại Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Cộng hòa Pháp và Vương quốc Hà Lan; tiếp và làm việc với nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn (như Tập đoàn WHA, Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc, Tập đoàn DIC, Tập đoàn SAB, Tập đoàn Sovico, Tập đoàn CMA CGM, Tập đoàn hóa chất Đức Giang, Công ty TNHH Long Sơn, Công ty Cổ phần Tập đoàn TH...), để thu hút đầu tư vào tỉnh. Đồng thời, tiếp nhận các kiến nghị để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh, nhất là các dự án lớn (như Nhà máy điện khí LNG Nghi Sơn; Nhà máy hóa chất Đức Giang; các khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng, Phú Quý, Đồng Vàng; Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Bến En...), để sớm khởi công, đầu tư hoàn thành, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhờ đó, tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn 9 tháng ước đạt 104.242 tỷ đồng, bằng 77,2% KH, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Đã thu hút được 94 dự án (trong đó có 17 dự án FDI), với tổng vốn đăng ký khoảng 12.432,9 tỷ đồng và 367,8 triệu USD, so với cùng kỳ gấp 1,8 lần về số dự án và tăng 26% về số vốn đăng ký. Đồng thời, đã tiếp nhận 24 chương trình, dự án, phi dự án của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, với tổng vốn viện trợ cam kết khoảng 13 triệu USD...

Cùng với các lĩnh vực kinh tế, sự chuyển biến tiến bộ của văn hóa - xã hội cũng góp phần quan trọng làm tươi sáng hơn bức tranh kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2024. Nổi bật trong lĩnh vực văn hóa là thể thao thành tích cao đoạt 778 huy chương các loại (237 HCV, 205 HCB và 336 HCĐ); đồng thời, Câu lạc bộ Bóng đá Đông Á Thanh Hóa bảo vệ thành công danh hiệu vô địch Cúp Quốc gia năm 2024... Với giáo dục, thì giáo dục mũi nhọn vẫn khẳng định được vị thế với 84/90 học sinh đoạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2024 (gồm 9 giải Nhất, 22 giải Nhì, 23 giải Ba, 30 giải Khuyến khích), dẫn đầu cả nước về tỷ lệ đoạt giải (93%) và xếp thứ 4 toàn quốc về số lượng thí sinh đoạt giải nhất. Có 5 học sinh đoạt giải tại các kỳ thi Olympic quốc tế. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 85,31%...

Công tác an sinh xã hội được chăm lo, đời sống Nhân dân ổn định. Trong 9 tháng đã giải quyết việc làm cho 48,8 nghìn lao động, bằng 84,1% kế hoạch, tăng 2,5% so với cùng kỳ (trong đó có 9,5 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, vượt 58,6% kế hoạch); giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho trên 20,43 nghìn lao động. Công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, đúng đối tượng. Đặc biệt, Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh, đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách”, trở thành phong trào mạnh mẽ, có sức lan tỏa sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân. Nhờ đó, đã khởi công xây dựng mới và sửa chữa nhà ở cho 422 hộ gia đình...

Quyết tâm và trách nhiệm

Những con số phản ánh kết quả phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2024, cũng chính là sự phản ánh hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, cùng sự vào cuộc đồng bộ, nghiêm túc, trách nhiệm, quyết liệt, linh hoạt, sâu sát của các sở, ngành, địa phương. Đặc biệt, kết quả trên cũng phản ánh rõ nét tinh thần đoàn kết “trên dưới một lòng” của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị thời gian qua. Trong đó, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý các sở, ban, ngành, cơ quan, địa phương, đơn vị luôn gương mẫu, đề cao trách nhiệm, tận tâm, tận lực, tâm huyết, chủ động, sáng tạo trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, khắc phục tình trạng quan liêu, chủ quan, lơ là, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Cùng với đó, UBND tỉnh đã tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của tỉnh, tạo chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực. Trong đó có thủ tục đầu tư kinh doanh, tiếp cận đất đai, giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, tính tiền sử dụng đất, xử lý tài sản công, tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp... Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, cơ chế, chính sách đã được ban hành nhằm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

Đặc biệt, để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển thì cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp được xem là nhân tố “chìa khóa”. Theo đó, UBND tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; duy trì và cải thiện các chỉ số thành phần có xếp hạng tốt, tập trung khắc phục những chỉ số thành phần có xếp hạng thấp của các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS, đặc biệt là PCI... Tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư theo hướng cụ thể, trọng tâm, trọng điểm; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc giới thiệu, quảng bá và xúc tiến đầu tư; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, nhất là về mặt bằng sạch, hạ tầng kết nối, quy hoạch... để thu hút đầu tư vào tỉnh. Chủ động tiếp cận, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu, ra quyết định đầu tư, chú trọng thu hút các dự án lớn, hiện đại, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, có sức lan tỏa mạnh để tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế cao và bền vững.

...

Có thể khẳng định, với sự quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và những thành quả quan trọng đạt được trong 9 tháng, sẽ tạo nền tảng căn bản để cán đích các mục tiêu cả năm, qua đó góp phần làm sáng lên bức tranh kinh tế - xã hội Thanh Hóa năm 2024.

Khôi Nguyên

Bài 2: Nuôi dưỡng nguồn thu, phấn đấu vượt chỉ tiêu thu ngân sách ở mức cao

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/no-luc-can-dich-cac-muc-tieu-nam-2024-bai-1-buc-tranh-kinh-te-xa-hoi-nhieu-diem-sang-227425.htm