Những điểm sáng tích cực

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Theo đánh giá, trong 9 tháng qua, kinh tế Việt Nam đã xuất hiện nhiều điểm sáng với những kỳ tích rất đáng tự hào.

Trong bối cảnh, tình trạng bất ổn về an ninh, chính trị đang leo thang tại một số quốc gia và khu vực. Các điểm nóng về xung đột vũ trang chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và đang có nguy cơ lan rộng. Lạm phát tuy đã giảm nhưng còn ở mức cao; thương mại, đầu tư toàn cầu phục hồi chậm, nhiều nền kinh tế lớn tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt… tạo áp lực lớn lên thị trường tài chính, tiền tệ và tỷ giá trên toàn cầu. Trong bối cảnh ấy, Việt Nam đã chủ động biến “nguy thành cơ” để duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng nhờ đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) và cải thiện môi trường kinh doanh. 9 tháng qua, GDP tăng 6,82% đã phản ánh sự phát triển của các ngành kinh tế như công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 578,5 tỷ USD, tăng 16,3%; xuất siêu gần 20,8 tỷ USD; thu hút FDI đạt 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% và cả nước có hơn 183.000 doanh nghiệp được thành lập mới…

Chỉ ra những con số nêu trên để thấy, dù trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu lớn nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng kinh tế của nước ta trong năm 2024. Trên cơ sở này, Việt Nam phấn đấu đưa tốc độ tăng GDP cả năm đạt hơn 7%; kiểm soát lạm phát dưới 4,5%; tăng trưởng tín dụng khoảng 15%; thu ngân sách nhà nước tăng hơn 10%; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tối thiểu 95% kế hoạch… Các chỉ tiêu này được giới chuyên gia đánh giá là hoàn toàn có cơ sở, bởi niềm tin từ những “cuộc hành trình vượt cơn gió ngược” năm 2022 và 2023 đã tạo đà cho đất nước có những bứt phá mới như hôm nay. Đặc biệt, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của toàn dân, sự vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, sự điều hành linh hoạt, kịp thời của Chính phủ và các ngành, địa phương về khắc phục các điểm nghẽn và bất cập của nền kinh tế đã tạo hiệu ứng tích cực, niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, các hộ sản xuất, kinh doanh. Những yếu tố này đã giúp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vững vàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay…

Dự báo những tháng còn lại của năm, tình hình quốc tế, khu vực sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường, tác động không nhỏ tới nền kinh tế nước ta như sự biến động của thị trường toàn cầu, áp lực lạm phát, vấn đề liên quan đến môi trường và chuỗi cung ứng… Vì vậy, để duy trì đà tăng trưởng, Việt Nam cần tiếp tục cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh và bảo đảm phát triển bền vững, đồng thời tập trung vào các lĩnh vực then chốt như giải ngân vốn đầu tư công, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phát triển hạ tầng chiến lược và chuyển đổi số. Đẩy nhanh tiến độ những dự án hạ tầng chiến lược như đường bộ cao tốc, hạ tầng năng lượng và nhà ở xã hội sẽ không chỉ tạo đà tăng trưởng mà còn nâng cao chất lượng sống của người dân. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, các tập đoàn kinh tế cần phát huy tính chủ động, sáng tạo đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường và hợp tác quốc tế... trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để tăng tốc và cán đích sớm các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2024 cũng như những năm tiếp theo.

Tấn Hòa

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/164694/nhung-diem-sang-tich-cuc