Nỗ lực hoàn thành các tiêu chí giáo dục Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đề ra

Nâng cao tỷ lệ kiên cố hóa phòng học; nâng cao tỷ lệ trường học đạt chuẩn Quốc gia ở các cấp học là 2 nhiệm vụ được cụ thể hóa thành chỉ tiêu giao cho ngành Giáo dục và Đào tạo tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025. Theo đó, phấn đấu đến hết năm 2025, tỷ lệ kiên cố hóa phòng học đạt 90%; tỷ lệ trường học đạt chuẩn Quốc gia ở các cấp học: Mầm non 98%, Tiểu học 83,7% (chuẩn mức độ 2), Trung học cơ sở 100%, Trung học phổ thông 80%. Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện, có những tiêu chí đã đạt chỉ tiêu được giao. Các tiêu chí còn lại đang trên đà về đích, dự báo sẽ đạt và vượt vào cuối năm 2025.

Cô và trò Trường Tiểu học Đồng Hướng (Kim Sơn) ôn lại những kiến thức cơ bản chuẩn bị bước vào năm học mới. Ảnh: Minh Quang

Cô và trò Trường Tiểu học Đồng Hướng (Kim Sơn) ôn lại những kiến thức cơ bản chuẩn bị bước vào năm học mới. Ảnh: Minh Quang

Năm học 2022-2023 là năm học tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu được giao về giáo dục tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025. Ngành Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ, đồng thời cũng rà soát, đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu này ở thời điểm giữa nhiệm kỳ để có các giải pháp hiệu quả hơn, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.

Để tạo kết quả đột phá, trong năm học này, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tích cực tham mưu và triển khai thực hiện Kế hoạch số 48/KHUBND ngày 16/3/2023 về việc sửa đổi, bổ sung Kế hoạch số 170/KHUBND ngày 22/10/2021 của UBND tỉnh về xây dựng trường THPT công lập đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; cùng với chính quyền các địa phương tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, các phòng chức năng, bếp ăn, nhà vệ sinh, công trình nước sạch, trong đó chú trọng vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.

Tiếp tục triển khai Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025 và thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục…

Với việc thực hiện quyết liệt, cụ thể, sát sao, đồng bộ nhiều giải pháp, trong năm học này, toàn ngành đã đầu tư sửa chữa, xây mới 385 phòng học, 25 phòng hiệu bộ, 152 phòng bộ môn, 166 phòng chức năng, 233 nhà vệ sinh và 23.245 m2 sân, tường rào. Tỷ lệ phòng học kiên cố toàn ngành đạt 89% (tăng 0,4% so với năm học trước); trong đó khối huyện, thành phố đạt 88,9%, khối trực thuộc Sở đạt 97,3%. Những kết quả này đã góp phần đưa ngành Giáo dục và Đào tạo đến gần hơn với các chỉ tiêu được Đại hội Đảng bộ tỉnh giao về giáo dục.

Nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ tới nay, thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ phòng học kiên cố, ngay từ đầu các năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo đã định hướng, chỉ đạo các địa phương và các cơ sở giáo dục trong tỉnh rà soát thực trạng tình hình cơ sở vật chất hiện có, xây dựng kế hoạch đầu tư tăng cường cơ sở vật chất trường học trong năm học bao gồm đầu tư xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất hiện có phù hợp với tình hình thực tế để đáp ứng yêu cầu phục vụ dạy và học. Nhờ đó, trong thời gian qua, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp đã được các cấp, các ngành, các địa phương rất quan tâm thông qua các chương trình xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, phong trào xây dựng trường học "Xanh - sạch - đẹp - an toàn - hạnh phúc"…, từng bước đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh. Cơ sở vật chất trường lớp ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, số trường học đạt chuẩn quốc gia và tỷ lệ phòng học kiên cố, phòng bộ môn, thư viện đạt chuẩn tăng; trang thiết bị giáo dục ngày càng đáp ứng tốt hơn quá trình dạy và học.

Tính từ năm 2020 đến tháng 5/2023, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 89%, tăng 1% so với năm 2020. Đối với nhiệm vụ thực hiện chỉ tiêu trường học đạt chuẩn Quốc gia cũng đã được quan tâm chỉ đạo thực hiện, huy động được cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia, trở thành phong trào sâu rộng trong toàn tỉnh.

Qua nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện các giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, kết quả đến tháng 5/2023, số trường đạt chuẩn Quốc gia ở các cấp học là 455/468 trường, đạt 97,2% tổng số trường, tăng 1,8% so với năm 2020, tỷ lệ trường học đạt chuẩn Quốc gia ở các cấp học lần lượt là: Mầm non: 152/154 trường, đạt 98,7%; Tiểu học (chuẩn mức độ 2) 110/146 trường, đạt 75,9% (tỷ lệ đạt chuẩn mức độ 1 là 100%); THCS 134/134 trường, đạt 100%; liên cấp Tiểu học và THCS 5/7 trường, đạt 71,4%; THPT 19/27 trường, đạt 70,4%. Toàn tỉnh có 143/143 xã, phường, thị trấn; 8 huyện, thành phố có 100% trường Mầm non, Tiểu học, THCS công lập đạt chuẩn Quốc gia. Kết quả xây dựng trường chuẩn Quốc gia đã tạo ra những thay đổi mang tính đột phá về diện mạo các cơ sở giáo dục và tác động tích cực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Tuy vậy, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo vẫn còn trăn trở lớn nhất đối với chỉ tiêu trường Tiểu học đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2. Sau khi rà soát các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, đến hết năm 2023, toàn tỉnh có nhiều trường từ mầm non đến trung học phổ thông hết thời hạn công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố rà soát, xây dựng kế hoạch đề nghị kiểm tra công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia đối với các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở hết thời hạn được công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia. Sở Giáo dục và Đào tạo đã thành lập Đoàn công tác đến làm việc trực tiếp với các địa phương, phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố về thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ trường Tiểu học đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2. Đa số các trường hiện nay vướng mắc tập trung chủ yếu là các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chưa đạt theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với trường học đạt chuẩn Quốc gia.

Có thể nói, việc thực hiện các chỉ tiêu Đại hội giao cho ngành Giáo dục và Đào tạo có nhiều thuận lợi. Đó là quy mô trường, lớp các cấp học tiếp tục được duy trì ổn định, đáp ứng nhu cầu của nhân dân; chất lượng phổ cập giáo dục các cấp và xóa mù chữ được củng cố vững chắc ở mức độ cao nhất; chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn được nâng lên. Cơ sở vật chất trường lớp của các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh ngày càng phát triển theo hướng kiên cố hóa, đồng bộ hóa; tỷ lệ phòng học kiên cố, phòng bộ môn, thư viện đạt chuẩn tăng; 100% trường học các cấp có phòng ứng dụng công nghệ thông tin kết nối Internet tốc độ cao, trang thiết bị giáo dục ngày càng đáp ứng tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng kịp thời nhận diện đầy đủ, khách quan những khó khăn, hạn chế. Thực tế cho thấy, tuy cơ sở vật chất đã được quan tâm đầu tư nhưng ở một số cơ sở giáo dục vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới; tại một số cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông vẫn còn tình trạng thiếu phòng học, phòng chức năng, nhà đa năng, một số công trình xuống cấp chậm được cải tạo, sửa chữa…

Để hoàn thành, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về giáo dục và đào tạo tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025, Sở Giáo dục và Đào tạo kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện một số nội dung như: Xây dựng quy hoạch sử dụng đất hợp lý, tạo điều kiện bố trí đất tại vị trí phù hợp để phục vụ việc xây dựng và mở rộng trường học; phương án sử dụng các công trình trường học sau khi thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã; chỉ đạo các địa phương phải xây dựng quy hoạch tổng thể nhà trường để tránh lãng phí khi đầu tư; tập trung các nguồn lực để đầu tư xây thêm phòng học, tăng cường cơ sở vật chất trường học, bổ sung giáo viên, tạo điều kiện mở rộng quy mô trường lớp, kịp thời giải quyết tình trạng quá tải tại các trường học, đặc biệt là tại các trường mầm non.

Trước mắt cần tập trung quan tâm, tạo điều kiện về nguồn lực để các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đã hết thời hạn được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, đặc biệt là xây dựng trường Tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 tiến hành tự đánh giá, lập hồ sơ đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá ngoài, trình UBND tỉnh công nhận trường đạt chuẩn quốc gia theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đinh Quốc Trường
(Sở Giáo dục và Đào tạo)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/no-luc-hoan-thanh-cac-tieu-chi-giao-duc-nghi-quyet-dai-hoi/d20230905080255838.htm