'Nói giải cứu Vietnam Airlines là không chính xác'
Nếu không có sự hỗ trợ từ chủ sở hữu nhà nước, Vietnam Airlines có thể rơi vào cảnh cạn dòng tiền vào tháng 8/2020.
Chiều ngày 13/7, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức Tọa Đàm “Chủ sở hữu nhà nước: Hành động và trách nhiệm hậu Covid-19 trong trường hợp Vietnam Airlines”.
Tại tọa đàm, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, Vietnam Airlines đang rơi vào tình cảnh khó khăn và đây là bối cảnh chung đối với ngành hàng không trên toàn cầu.
Kể từ đầu tháng 4/2020, thị trường hành khách quốc tế đã đóng băng, sản lượng khai thác và khách nội địa tuy phục hồi nhanh trong 2 tháng qua, nhưng doanh thu nội địa 6 tháng đầu năm chỉ tương đương 46% cùng kỳ.
Sau khi có các hỗ trợ của Chính phủ và với vai trò quản lý nhà nước, VNA đã làm tất cả các việc có thể làm như cắt giảm chi phí, tổ chức lại lao động, giãn hoãn thanh toán, kết quả kinh doanh là lỗ 15.000 tỷ đồng. Dòng tiền thâm hụt 16.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, VNA sẽ rơi vào trạng thái mất thanh khoản từ tháng 8/2020 nếu không có hỗ trợ về thanh khoản của Chính phủ với vai trò là chủ sở hữu.
Đây là lý do Vietnam Airlines kiến nghị Chính phủ hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp 12.000 tỷ đồng.
Đánh giá về kiến nghị này, ông Nguyễn Đình Cung, Chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng chia sẻ, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, hàng không chịu tác động đầu tiên và mạnh mẽ nhất. Trên thế giới, chính phủ các nước đều có biện pháp hỗ trợ các hãng hàng không.
“Chính phủ các quốc gia đã làm rất nhanh và rất nhiều biện pháp. Điều mà chúng ta chưa làm được”, ông Cung cho biết.
Đối với trường hợp của Vietnam Airlines, cần làm rõ 2 vai trò của Nhà nước: Chính phủ với tư cách người quản lý nhà nước và tư cách người đầu tư/cổ đông/thành viên doanh nghiệp.
Theo ông Cung, Vietnam Airlines không cần phải xin giải cứu, nhận định này không phản ánh đúng bản chất vấn đề. Trước những biến động bất thường từ đại dịch Covid-19, chủ sở hữu nhà nước (hiện nắm giữ hơn 86% vốn điều lệ) cần có biện pháp bảo vệ khoản đầu tư của mình. Đồng thời xem đây là cơ hội đầu tư để vượt qua biến động bất thường, nhưng không phản ánh tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn của doanh nghiệp.
Các thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đều đồng tình với quan điểm cần hỗ trợ Vietnam Airlines, cả trên vai trò quản lý nhà nước và chủ sở hữu doanh nghiệp. Bởi vai trò của Vietnam Airlines nói riêng, ngành hàng không nói chung đối với nền kinh tế là rất khẩn thiết.