Nơi làm việc hạnh phúc không phải đặc quyền của doanh nghiệp lớn

Xây dựng nơi làm việc hạnh phúc đang trở thành mục tiêu quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất và tạo động lực cho nhân viên.

Trong khi lương cao là một công cụ hiệu quả để giữ chân nhân tài, nhiều người lao động ngày càng đặt trọng tâm vào môi trường làm việc thân thiện, nơi họ được tôn trọng và ghi nhận, theo bà Ingrid Christensen, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam.

Đó là lý do một số doanh nghiệp hướng tới xây dựng nơi làm việc hạnh phúc thông qua cơ chế phúc lợi hấp dẫn, quy trình làm việc minh bạch, có cơ chế ghi nhận công sức và cơ hội thăng tiến, phát triển sự nghiệp cho người lao động.

Mặc dù ngày càng phổ biến với doanh nghiệp quy mô lớn hay có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng xây dựng nơi làm việc hạnh phúc dường như xa vời với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc tiềm lực tài chính mỏng, nhất là trong bối cảnh kinh tế biến động.

Tuy nhiên, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký và Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho rằng tạo ra nơi làm việc hạnh phúc không phải là đặc quyền của các doanh nghiệp lớn.

Ông Tuấn dẫn chứng từ một cơ sở nhỏ sản xuất bánh kẹo ở Bình Dương, nơi ảnh của các nhân viên thâm niên được treo để vinh danh, giúp họ cảm thấy được trân trọng.

Một nhà máy ở Trà Vinh cũng đầu tư vào không gian nhà ăn thoải mái và tiện nghi để công nhân được dùng bữa hợp vệ sinh, tạo ra sự thoải mái trong giờ nghỉ trưa.

"Dù quy mô lớn hay nhỏ, nếu doanh nghiệp thực sự quan tâm đến nhân viên, sẽ luôn có cách để thể hiện điều đó," ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó tổng giám đốc thường trực Deloitte Việt Nam, đầu tư vào yếu tố con người không chỉ nâng cao sự hài lòng và gắn kết của nhân viên mà còn giúp cải thiện hiệu suất tài chính và nâng cao uy tín thương hiệu.

Bà Ngọc nhấn mạnh, khi nhân viên hiểu được mục đích của công việc, họ cảm nhận rõ giá trị của bản thân và trở nên gắn bó hơn với tổ chức.

Bên cạnh chăm lo sức khỏe và đảm bảo quyền lợi cho nhân viên, bà Ngọc cho rằng sự minh bạch và trách nhiệm là những yếu tố cốt lõi trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp bền vững.

Đồng tình với quan điểm này, bà Christensen từ ILO khuyến nghị các doanh nghiệp áp dụng công cụ "đối thoại xã hội" để giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng tập thể, giúp duy trì mối quan hệ lao động tích cực và tạo ra nơi làm việc hạnh phúc thực sự.

Phạm Nhật

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/noi-lam-viec-hanh-phuc-khong-phai-dac-quyen-cua-doanh-nghiep-lon-d37697.html