Nỗi lo cháy chợ lúc cao điểm nắng nóng

Chợ truyền thống là nơi tập trung đông người mua sắm mỗi ngày. Lượng hàng hóa được lưu trữ tại đây rất lớn, trong khi ý thức phòng cháy, chữa cháy (PCCC) của một số tiểu thương chưa cao, còn chủ quan trong sử dụng nguồn nhiệt; không tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn PCCC chợ…

Công an huyện Trảng Bom kiểm tra công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy một số chợ tại địa phương. Ảnh: CTV

Công an huyện Trảng Bom kiểm tra công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy một số chợ tại địa phương. Ảnh: CTV

Do đó, nhiều chợ truyền thống trên địa bàn Đồng Nai còn tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao, nhất là trong cao điểm nắng nóng như hiện nay.

Tạm đình chỉ hoạt động 3 chợ vì không đảm bảo an toàn PCCC

Cuối tháng 3-2024, khu vực nhà lồng, ki-ốt và sạp của 3 chợ ở thành phố Biên Hòa gồm: Tam Hòa (phường Tam Hòa), Long Bình Tân (phường Long Bình Tân, do Hợp tác xã Tân Long quản lý) và điểm kinh doanh thuộc Hợp tác xã Thương mại dịch vụ Tân Biên (phường Tân Biên) đã bị tạm đình chỉ hoạt động vì không đảm bảo an toàn PCCC.

Chợ Tam Hòa là chợ truyền thống nằm sâu trong đường Hồ Văn Thể, hoạt động từ năm 1992 đến nay, có tổng diện tích sử dụng hơn 2,2 ngàn m2 với 470 điểm kinh doanh. Bao quanh chợ là nhiều hộ dân tận dụng mặt tiền nhà để kinh doanh buôn bán. Vì vậy, chợ Tam Hòa có đông người ra vào mua - bán mỗi ngày (cả trong nhà lồng chợ lẫn các hộ dân xung quanh chợ).

Vì xây dựng lâu năm (trước thời điểm Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực) nên chợ Tam Hòa đã có nhiều thiếu sót, mất an toàn về PCCC. Những nội dung này đã được lực lượng chức năng ghi nhận như: không lắp đặt hệ thống báo cháy tự động, không đảm bảo khoảng cách an toàn về PCCC… Đây cũng là tồn tại, hạn chế chung của chợ Long Bình Tân và điểm kinh doanh thuộc Hợp tác xã Thương mại dịch vụ Tân Biên.

Thống kê từ Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có 137 chợ truyền thống đang hoạt động, trong đó có 91 chợ ở nông thôn và 46 chợ ở đô thị. Phần lớn tập trung tại các địa phương dân cư đông, nhiều khu công nghiệp như: Biên Hòa (31 chợ), Trảng Bom (15 chợ), Long Thành (11 chợ)…

Đại diện Ban Chỉ đạo PCCC và cứu nạn, cứu hộ tỉnh phân tích, phần lớn các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh được xây dựng lâu đời, qua nhiều năm hoạt động đã được cơi nới, mở rộng, cải tạo để đáp ứng nhu cầu bảo quản hàng hóa, mua sắm. Tuy nhiên, do không gian có hạn, còn hàng hóa ngày càng nhiều, nhu cầu sử dụng thiết bị điện cũng tăng nên các chợ truyền thống xuất hiện không ít nguy cơ mất an toàn PCCC.

Qua các đợt kiểm tra công tác đảm bảo an toàn PCCC tại một số chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, lực lượng chức năng ghi nhận việc sử dụng hệ thống điện, các thiết bị tiêu thụ điện của tiểu thương không đảm bảo an toàn PCCC; hệ thống dây dẫn điện đã cũ, nhiều nơi câu mắc không bọc trong ống nhựa, dễ dẫn đến chập điện gây cháy… Tại một số chợ còn xảy ra tình trạng tiểu thương thắp nhang, thờ cúng, hút thuốc ngay tại ki-ốt… làm tăng nguy cơ cháy.

Không chỉ vậy, bên trong nhiều chợ truyền thống, lực lượng chức năng cũng ghi nhận các lối đi giữa các quầy, sạp hàng nhỏ hẹp và hay bị các hộ kinh doanh lấn chiếm, tận dụng để bày bán hàng hóa. Nếu chẳng may sự cố cháy, nổ xảy ra, lực lượng chữa cháy rất khó khăn khi tiếp cận đám cháy qua các lối đi này.

Công an thành phố Biên Hòa diễn tập chữa cháy chợ Biên Hòa vào giữa năm 2023. Ảnh tư liệu: ĐĂNG TÙNG

Công an thành phố Biên Hòa diễn tập chữa cháy chợ Biên Hòa vào giữa năm 2023. Ảnh tư liệu: ĐĂNG TÙNG

Bên cạnh đó, xung quanh khu vực nhà lồng chợ (vốn được quản lý bởi ban quản lý chợ) còn có các hộ dân buôn bán ngay tại nhà (thường gọi là khu phố chợ, không nằm trong trách nhiệm ban quản lý chợ). Các hộ này thường bố trí mái kéo, bạt che gần khu vực nhà lồng chợ nên dễ phát sinh cháy lan sang chợ. Đáng nói, các hộ này bày hàng hóa lấn chiếm đường đi quanh chợ, dẫn tới khi có cháy sẽ cản trở việc triển khai chữa cháy. Ngoài ra, nếu công tác phòng cháy của các hộ kinh doanh ven chợ không đảm bảo, dễ dẫn đến nguy cơ cháy lớn, nếu không chữa kịp sẽ ảnh hưởng đến khu vực bên trong chợ.

Chiều 6-4, cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm rộng khoảng 25m2 của hộ kinh doanh H.N.S. nằm sát chợ Cây Gáo (xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom) đã bốc cháy. Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cùng Công an huyện Trảng Bom lập tức điều động 2 xe chữa cháy với hơn 10 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường dập lửa. Nhờ lực lượng chức năng triển khai nhanh nên đám cháy không lan vào trong chợ, dù mái tôn hộ ông S. chỉ cách nhà lồng chợ khoảng 3m.

Đại tá TRẦN ANH SƠN, Phó giám đốc Công an tỉnh: Kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về PCCC

Lực lượng cảnh sát PCCC toàn tỉnh cần làm tốt công tác tập huấn, tuyên truyền PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra, xử lý, hướng dẫn người dân, các cơ sở kinh doanh có điều kiện chấp hành nghiêm các quy định về PCCC… Qua đó hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy và thiệt hại do cháy gây ra. Cùng với đó, phải thường xuyên tổ chức tập huấn cứu hộ, cứu nạn cho cán bộ, chiến sĩ, cũng như người dân để nâng cao kỹ năng cứu hộ, cứu nạn và thoát nạn trong các sự cố cháy, nổ.

Minh Thành (ghi)

Tăng cường kiểm tra, khắc phục bất cập

Hiện cơ quan chức năng đã và đang làm việc với các đơn vị quản lý 3 chợ bị tạm đình chỉ hoạt động nói trên để cùng tìm giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác đảm bảo an toàn PCCC, sớm khôi phục hoạt động của chợ.

Phó chủ tịch UBND phường Long Bình Tân Trương Văn Khiêm cho hay, UBND phường đã nhiều lần làm việc với đơn vị quản lý chợ trước khi cơ quan chức năng ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động. Trong thời gian tạm đình chỉ, lực lượng chức năng của phường sẽ giám sát việc chấp hành quyết định của đơn vị quản lý chợ cũng như các tiểu thương trong khu vực bị tạm đình chỉ. Thời gian tới, nếu như chợ tiếp tục hoạt động mà vẫn không khắc phục tất cả các yêu cầu về việc đảm bảo an toàn PCCC thì đơn vị quản lý chợ sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu có cháy xảy ra.

Ông N.M.A. (ngụ phường Tam Hòa) cho rằng, phần lớn các chợ truyền thống được xây dựng lâu năm, cơ sở hạ tầng đã xuống cấp. Cùng với đó, do được xây dựng hàng chục năm trước nên cách bố trí chợ, điều kiện về đảm bảo an toàn PCCC, an toàn điện thường không đáp ứng được theo tiêu chuẩn hiện nay, dù đã cải tạo, nâng cấp nhiều lần. Vì vậy, cơ quan chức năng cần nghiên cứu bố trí xây dựng lại chợ mới trên nền chợ cũ, vừa đáp ứng nhu cầu mua bán của bà con, vừa đảm bảo an toàn PCCC.

Thông tin từ Hợp tác xã Tân Long (đơn vị quản lý chợ Long Bình Tân), đơn vị đang khắc phục các tồn tại về hệ thống vòi, họng nước chữa cháy và hệ thống báo cháy như yêu cầu của lực lượng chức năng. Sau đó, đơn vị sẽ tiếp tục bố trí, điều chỉnh các lối thoát nạn để đảm bảo an toàn khi được hoạt động trở lại.

Hiện nay, để đảm bảo an toàn PCCC đối với chợ truyền thống, Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) khuyến cáo, mỗi hộ kinh doanh chỉ bố trí hàng hóa với số lượng vừa đủ bán; không để hàng hóa lấn chiếm khoảng cách giữa các ki-ốt, sạp hàng đã quy định. Tuyệt đối không kinh doanh, tàng trữ, sử dụng các chất đặc biệt nguy hiểm, dễ cháy như: xăng dầu, cồn, gas và hóa chất dễ cháy khác ở trong nhà chợ. Trong trường hợp cần thiết phải sử dụng lửa, nguồn nhiệt phải bố trí khu vực riêng biệt và có các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC.

Ngoài ra, trong những lần đi kiểm tra an toàn PCCC các chợ tại thành phố Biên Hòa, lực lượng chức năng cũng yêu cầu đơn vị quản lý chợ phải tách riêng biệt hệ thống điện phục vụ kinh doanh, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống điện phục vụ thoát nạn và chữa cháy. Chú ý lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động theo quy định. Đặc biệt, không làm thêm mái che, cũng như không bố trí quầy sạp, bãi để xe, hàng hóa cản trở lối thoát hiểm.

Đăng Tùng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202404/noi-lo-chay-cho-luc-cao-diem-nang-nong-2ee4ff4/