Nỗi lo về việc nhà đầu tư nước ngoài rời bỏ ngành điện

Một trong những nguyên nhân thiếu điện trong mùa hè 2023 là nhu cầu nhiều hơn nhưng không có nhiều nguồn điện mới được bổ sung. Để giải quyết tình trạng này, Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ của các dự án nguồn điện, nhưng đáng tiếc là đang có hiện tượng nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi thị trường Việt Nam, đặt ra thách thức nặng nề hơn cho ngành điện trong thời gian tới.

Chia sẻ tại Diễn đàn về năng lượng mới đây, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) Lê Mạnh Cường cho hay, các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam có tiềm năng về điện gió rất lớn, vượt xa so với quốc gia Đông Nam Á khác. Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (GWEC) ước tính Việt Nam có khoảng 600 GWh điện gió chưa khai thác, gồm 300 GWh điện gió ngoài khơi và 300 GWh điện gió trên bờ.

Vì sao nhà đầu tư nước ngoài chần chừ rót vốn?

Đáng nói, ngay khi Việt Nam có chủ trương sơ bộ về thu hút đầu tư vào điện gió, các nhà đầu tư quốc tế, hay còn gọi là các “ông lớn” đã đến và thành lập văn phòng ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, công tác hướng dẫn chưa rõ ràng nên nhiều dự án đang trong giai đoạn khảo sát bị dừng lại.

Chính sách, cơ chế là vấn đề mà nhiều nhà đầu tư quan tâm trước khi rót vốn vào ngành điện.

Chính sách, cơ chế là vấn đề mà nhiều nhà đầu tư quan tâm trước khi rót vốn vào ngành điện.

Giai đoạn trầm lắng của thị trường trong một vài năm trở lại đây khi chưa ban hành Quy hoạch điện VIII cũng như những vướng mắc về dự án năng lượng tái tạo dẫn đến các nhà đầu tư quốc tế đã có vẻ chần chừ khi đầu tư vào Việt Nam.

Ông Cường chia sẻ thông tin đáng tiếc khi một tuần trước đây, Orsted - tập đoàn năng lượng lớn nhất Đan Mạch đã tuyên bố giảm mục tiêu tham vọng của họ từ 30 GWh xuống 28GWh cho đến năm 2030 và rút khỏi thị trường Việt Nam.

“Về khía cạnh đầu tư và phát triển dự án, chúng tôi không tin rằng thị trường Việt Nam đủ hấp dẫn so với các quốc gia khác”, ông Cường kể lại câu nói từ đại diện Tập đoàn Orsted.

Tuy nhiên, Tập đoàn này cũng đánh giá dù không có sự hấp dẫn về mặt đầu tư, song về mặt sản xuất và chuỗi cung ứng thì Việt Nam vẫn là quốc gia tiềm năng trở thành trung tâm của Đông Nam Á.

"Năng lượng gió thì vô hạn nhưng nguồn lực đầu tư, nguồn lực vốn thì hữu hạn. Vì vậy, nếu không có những chính sách, cơ chế hướng dẫn cụ thể thì nguồn lực đầu tư này sẽ chuyển từ Việt Nam sang những khu vực khác trên thế giới", Tổng giám đốc PTSC chia sẻ.

Liên quan tới các dự án đầu tư nguồn điện, một thông tin đáng chú ý cũng đang được quan tâm khi cuối tháng 5 vừa qua, Tổng công ty Điện lực quốc tế Thái Lan (EGATi) đã quyết định dừng phát triển dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị có vốn đầu tư hơn 2,5 tỷ USD, dù đã mất 2 năm khởi công làm phần hạ tầng kỹ thuật tại Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị.

Trước việc nhà đầu tư Thái Lan xin dừng dự án nhà máy nhiệt điện, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị đề xuất UBND tỉnh Quảng Trị kiến nghị Thủ tướng, các bộ ngành chấp thuận giữ Quy hoạch 1.320 MW. Việc giữ lại quy hoạch này để tỉnh nghiên cứu, tìm kiếm nhà đầu tư khác thay thế, theo hướng sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường, thay thế than.

Theo EGATi, lý do dừng dự án là do nhà đầu tư thay đổi chiến lược phát triển và khó huy động vốn làm điện than.

Cởi bỏ nút thắt về thể chế

Đầu tư hay không vẫn là quyền của các nhà đầu tư, nếu không nhìn thấy tiềm năng thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới quyết định đầu tư. Trước những lo lắng về phát triển các dự án nguồn điện, lưới điện trong thời gian tới, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương thẳng thắn cho rằng, chính sách thu hút đầu tư phải làm sao để nhà đầu tư thấy đó là cơ hội kinh doanh, đầu tư và phát triển, chứ không phải là nút thắt.

Không chỉ dự án nguồn điện mà dự án phát triển lưới truyền tải cũng gặp khó. Hiện nay, mạch 3 của đường dây 500kV nối từ Hà Tĩnh trở ra Phố Nối (Hưng Yên) vẫn vướng. Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, nguyên nhân là với Luật Đầu tư thì cần xác định chủ đầu tư, xin chứng nhận… Đây đều là vấn đề nan giải.

Trước thực tế trên, chuyên gia Nguyễn Đình Cung khuyến nghị, cơ quan chức năng cần xây dựng khuôn khổ chính sách mà nhà đầu tư dự đoán được. “Thời gian vừa qua, mọi người không đầu tư vì chính sách không ổn định, người ta không biết được tương lai thế nào. Vì vậy, hệ thống chính sách cần tạo thuận lợi cho nhà đầu tư”, ông Cung nói.

Đại diện Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) – một doanh nghiệp hàng đầu ngành năng lượng có trụ sở tại Đan Mạch nhấn mạnh tính cấp thiết của việc nhanh chóng phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, do tiềm năng to lớn của điện gió ngoài khơi trong việc đảm bảo mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để đáp ứng tiến độ, các dự án điện gió ngoài khơi cần nhanh chóng thực hiện khâu xin cấp phép, phát triển dự án, cũng như xây dựng.

Hiện nay, CIP đang phát triển Dự án Điện gió ngoài khơi La Gàn 3.500 MW tại tỉnh Bình Thuận, và song song với đó, đang nghiên cứu phát triển trên 10GW dự án điện gió ngoài khơi tại cả miền Bắc và miền Nam Việt Nam.

CIP tin rằng, việc Chính phủ nhanh chóng thực thi các cam kết COP26 và sớm ban hành các giải pháp chính sách phù hợp sẽ giúp Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, củng cố niềm tin và cam kết của các nhà đầu tư, từ đó đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường điện gió ngoài khơi hấp dẫn nhất thế giới.

“Việt Nam cũng có thể là thị trường lý tưởng để xuất khẩu nguồn lao động có chuyên môn và trang thiết bị với quy mô lớn tới các thị trường điện gió ngoài khơi khác”, đại diện CIP kỳ vọng.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/noi-lo-ve-viec-nha-dau-tu-nuoc-ngoai-roi-bo-nganh-dien-1093267.html