Nông dân Khmer trồng màu dưới chân ruộng

Những năm gần đây, nông dân ở Sóc Trăng, trong đó có bà con Khmer, sau khi thu hoạch vụ lúa Đông Xuân, bà con mạnh dạn đầu tư trồng màu dưới chân ruộng để kiếm thêm thu nhập trong những lúc nông nhàn. Đây là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp bà con Khmer cải thiện cuộc sống gia đình.

Anh Thạch Sưa, ấp Bưng Cóc, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) đang tưới nước cho dưa hấu. Ảnh: ĐA LIN

Anh Thạch Sưa, ấp Bưng Cóc, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) đang tưới nước cho dưa hấu. Ảnh: ĐA LIN

Chúng tôi đến một số địa phương trồng màu dưới chân ruộng mỗi năm, với những cánh đồng phủ đầy màu xanh của dưa hấu, dưa leo, bí đỏ, cây đậu bắp và cây màu khác. Đang tưới nước trên ruộng màu của mình, Anh Thạch Sưa ở ấp Bưng Cóc, xã Phú Mỹ, Mỹ Tú (Sóc Trăng) cho biết: “Năm nào, bà con tại đây cũng đều dành vài trăm ha ruộng để trồng dưa hấu, dưa leo, cây đậu bắp. Còn tôi trồng dưa hấu dưới chân ruộng đã hơn 10 năm nay và luôn thu về lợi nhuận khá cao, bình quân một công màu lời từ 10 - 12 triệu đồng. Năm rồi, tôi trồng 6 công dưa hấu và năm nay, tiếp tục trồng 2 công dưa hấu. Bây giờ, dưa hấu của tôi đã được hơn 30 ngày rồi, với kinh nghiệm của tôi dưa hấu dưới chân ruộng rất dễ trồng, vốn đầu tư ít. Sau khi thu hoạch lúa xong thì chỉ đào hộc bỏ hạt vào, chỉ tốn công tưới nước và chăm sóc kỹ thì màu luôn trúng mùa, lợi nhuận cao. Hiện thời tiết thuận lợi, lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng hạn chế, giảm chi phí đầu tư”.

Theo Anh Lý Huỳnh Đi - cán bộ khuyến nông xã Phú Mỹ chia sẻ: “Hiện toàn xã có khoảng 300ha màu dưới chân ruộng, đây là mô hình cho hiệu quả kinh tế cao và ổn định. Nếu trúng mùa và bán được giá, màu có thể cho lợi nhuận gấp 4 - 5 lần so với sản xuất lúa”. Ngoài ra, đây còn là mô hình dễ sản xuất, vốn đầu tư thấp và thời gian sinh trưởng của màu ngắn nên rất thích hợp cho sản xuất mùa khô. Chính từ hiệu quả của mô hình trồng màu dưới chân ruộng mà ngày càng thu hút nhiều hộ Khmer làm theo. Kỹ Sư Thạch Lai - Phó trưởng Phòng Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng nói: “Trước đây, sau khi thu hoạch xong lúa đông xuân, bà con đều bỏ đất trống đợi khi có mưa thì bắt đầu trồng lúa Hè - Thu. Mấy năm gần đây, bà con nông dân ở các huyện Mỹ Tú, Châu Thành, Mỹ xuyên, Thạnh Trị, TP. Sóc Trăng... đã mạnh dạn đầu tư trồng thử nghiệm cây màu xuống chân ruộng, ban đầu đem lại lợi nhuận rất khả quan và tiếp tục được nhân rộng, với tổng diện tích lên đến hàng ngàn ha. Năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh, bà con sợ đầu ra gặp khó khăn và cộng thêm vật tư nông nghiệp tăng giá khá cao, nên diện tích trồng màu dưới chân ruộng giảm đáng kể. Màu dưới chân ruộng chủ yếu là dưa hấu, vì dưa hấu ngắn ngày, khoảng 60 ngày thì có thể thu hoạch, năng suất đạt từ 3 - 4 tấn/công. Nếu năm nay diện tích trồng dưa hấu thu hẹp, có thể giá cao hơn mọi năm”.

Mô hình trồng màu dưới chân ruộng tại vùng có đông đồng bào Khmer ở Sóc Trăng đã phát triển nhiều năm nay, đã tạo được công ăn việc làm cho bà con nông dân vào những lúc nông nhàn, tăng thêm thu nhập cho hộ gia đình, cải thiện cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

ĐA LIN

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/doi-song-xa-hoi/nong-dan-khmer-trong-mau-duoi-chan-ruong-55392.html