Nông dân không còn tự 'bơi' trên những đồi chè

Trong nhiều năm Bình Sơn (Triệu Sơn - Thanh Hóa) gặp khó khăn trong việc tìm hướng phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, từ khi cây chè được chú trọng phát triển, trở thành cây mũi nhọn, Bình Sơn đã đổi thay…

Cây chè đã và đang đem lại sự đổi thay cho xã Bình Sơn.

Cây chè đã và đang đem lại sự đổi thay cho xã Bình Sơn.

Đổi thay nhờ cây chè

Sau cơn mưa đêm báo hiệu tiết giao mùa, cả đồi chè rộng hơn 2ha của gia đình ông Trịnh Đình Huy, trú tại thôn Cây Tre, xã Bình Sơn, huyện Triệu Sơn như bừng lên sức sống. Những búp chè mập mạp, xanh nõn đang thay thế cho lớp lá già cũ, mơn man trong gió.

Hơn 20 năm gắn bó với cây chè nhiều thăng trầm, có lúc tưởng phải chặt bỏ thì đây đang là thời điểm cây chè Bình Sơn “lên ngôi”. Nhờ áp dụng tốt các phương pháp khoa học kỹ thuật, hơn 2ha chè của gia đình ông Huy mỗi năm cho sản lượng khoảng 16 tấn búp tươi (3 tấn sau chế biến), với giá thị trường đang dao động từ 15-20 nghìn/kg, đồi chè đã mang lại thu nhập cho gia đình ông trên dưới 60 triệu đồng/năm.

“Nhờ cây chè, không chỉ riêng gia đình tôi mà hàng trăm hộ dân tại Bình Sơn đã thoát được nghèo. Từ chè, con trẻ được học hành đầy đủ, trong nhà sắm sửa được các tiện nghi, làng xã khang trang hơn sau khi xây dựng thành công chương trình nông thôn mới” – ông Huy chia sẻ.

Từ năm 1992, cây chè bắt đầu “bén duyên” với Bình Sơn theo phương thức trồng thử nghiệm. Kể từ đó, sau 30 năm, cây chè đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Tuy nhiên, trước đây người dân địa phương vẫn theo nếp sản xuất cũ, chưa chú trọng đến sản xuất theo hướng hàng hóa, mỗi tháng nhiều nhất cũng chỉ thu về khoảng 10-20kg chè khô, thu nhập không cao, mọi hoạt động sản xuất chế biến đều tự phát. Do đó, sản phẩm chè Bình Sơn tuy chất lượng không thua kém các sản phẩm chè khác nhưng không tạo được sự bứt phá, ghi dấu ấn trên thị trường.

Vị thế của cây chè Bình Sơn chỉ thực sự khác đi từ giữa năm 2016, khi Hợp tác xã Dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn được thành lập. Người trồng chè Bình Sơn đã không còn phải “tự bơi” trên những đồi chè mà được hỗ trợ về khoa học, kỹ thuật, chú trọng hơn đến việc xây dựng nhãn hiệu, nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường cho sản phẩm chè của địa phương. Đến năm 2019, sản phẩm chè khô Bình Sơn được công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp huyện và tham gia xây dựng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, đây chính là cơ hội lớn để thương hiệu chè Bình Sơn khẳng định chất lượng, tiêu chuẩn và khả năng phát triển tại thị trường trong nước, hướng đến xuất khẩu.

Toàn xã hiện có 315ha chè, với hơn 400 hộ trồng chè, chế biến. Năng suất bình quân đạt 700tạ/ha; sản lượng chè búp tươi đạt 1.500 tấn. Từ khi triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm, cây chè được chú trọng đầu tư trở thành cây trồng chủ lực và phát triển chè khô thành sản phẩm lợi thế của địa phương. Đồng thời, người dân được đầu tư về kỹ thuật nên năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm được nâng lên. Trung bình sản lượng chè tại xã đạt 44 tấn/năm, tổng doanh thu từ sản xuất chè đạt khoảng 12 tỷ đồng, sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận. Cây chè đang là cây trồng mũi nhọn, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở xã miền núi Bình Sơn.

Phát huy lợi thế

Vùng sản xuất chè của Bình Sơn hiện nay tập trung ở 3 thôn gồm: Thôn Đông Tranh, Cây Xe và thôn Thoi. Trong những năm gần đây nhu cầu áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất ngày càng cao. Nhưng cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được với nhu cầu của nhân dân, nên việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, như đường giao thông, hệ thống lưới điện chưa đáp ứng được yêu cầu.

Để khắc phục khó khăn, phát huy tiềm năng của cây chè, chính quyền địa phương xã Bình Sơn đã đề ra lộ trình, xây dựng kế hoạch, cơ cấu lại cây chè theo hướng tăng cường liên kết, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, hình thành và phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị ngành hàng.

Đặc biệt là ứng dụng khoa học kỹ thuật đồng bộ trong các khâu từ sản xuất, đến chế biến góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt. Rà soát đất để chuyển đổi cây trồng, thu hút đầu tư phát triển vùng nguyên liệu chè xanh chất lượng cao, đa dạng hóa sản phẩm từ chè; chú trọng cải tạo vùng nguyên liệu chè hiện có, trồng bổ sung thay thế diện tích chè xấu bằng các giống có chất lượng cao, phục vụ chế biến và xuất khẩu.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Lê Xuân Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Sơn cho biết: Chính quyền khuyến khích người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật áp dụng quy trình sản xuất an toàn VietGAP, từ đó phấn đấu giá trị sản phẩm bình quân chè xanh đạt khoảng 100 triệu đồng/ha/năm; Đặt ra mục tiêu 100% thành viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, trang trại, nông dân là nòng cốt sản xuất chè được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về quản lý, cập nhật và áp dụng tiến bộ kỹ thuật, thông tin thị trường.

“100% diện tích sản xuất chè tập trung được quản lý, cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, truy suất nguồn gốc. Xây dựng, hình thành vùng sản xuất chè an toàn, liên kết sản xuất, chế biến, hình thành và phát triển 3-4 điểm quảng bá văn hóa chè gắn với du lịch. Đây cũng là cơ sở để khẳng định vị thế của cây chè Bình Sơn ngày càng được nâng lên” - ông Linh nói.

Từ một xã miền núi khó khăn nhất huyện Triệu Sơn, đến năm 2021, Bình Sơn đã hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Xã cũng đã có 2 sản phẩm đạt OCOP 3 sao là cây chè và mật ong. Cuộc sống của người dân trong xã được nâng lên về mọi mặt. Mục tiêu của Bình Sơn đặt ra đến năm 2025 là phát triển và ổn định diện tích chè toàn xã khoảng 450ha, năng suất chè búp tươi bình quân đạt 80 - 100 tạ/ha.

Nguyễn Chung

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nong-dan-khong-con-tu-boi-tren-nhung-doi-che-5713105.html