Nông thủy sản Việt đẩy mạnh xâm nhập thị trường Nhật Bản
Nhiều mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam thông qua sự kết nối của Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đang dần tiếp cận các chuỗi phân phối lớn của Nhật Bản, phục vụ người dân Nhật Bản và hơn 10 triệu người châu Á đang sinh sống và làm việc tại đây.
Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản vừa ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản. Hai bên đã và đang phối hợp triển khai công tác kết nối đưa hàng Việt vào hệ thống các khu trung tâm thương mại của thành viên Hiệp hội chuyên về hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng... nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng cao của đông đảo cộng đồng người Việt Nam tại Nhật.
Nhiều dư địa cho hàng hóa Việt
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, Nhật Bản là thị trường có nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ lớn các sản phẩm nông thủy sản-thực phẩm nước ngoài nên đây được ví như thị trường tiềm năng và còn nhiều dư địa cho doanh nghiệp Việt trong năm 2022.
Năm ngoái, dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 nhưng tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản vẫn đạt 42,7 tỷ USD, tăng 7,8% so với năm 2020. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 20,1 tỷ USD, tăng 4,4%; nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản đạt 22,6 tỷ USD, tăng 11,3%.
Riêng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản năm 2021 đạt 1,8 tỷ USD, giảm nhẹ ở mức 0,5% so với năm 2020.
Hiện nay, số lượng người châu Á đến sinh sống và làm việc ở Nhật Bản rất đông, lên tới hơn 10 triệu người. Đây được xem là những khách hàng tiềm năng cho các mặt hàng thực phẩm, nông thủy sản của Việt Nam vốn rất phù hợp với nhu cầu của người châu Á.
Riêng số lượng người Việt Nam khoảng gần 500.000 người trong năm 2021 cũng được xem là lượng khách hàng tiềm năng cho các sản phẩm từ quê nhà. Đây cũng là điều dễ hiểu khi mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam ngày càng được yêu thích và tiêu thụ mạnh tại thị trường này.
Để xúc tiến đưa các sản phẩm Việt sang thị trường Nhật Bản, gần đây Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã chủ động kết nối, giới thiệu các thương hiệu Việt xâm nhập thị trường Nhật Bản.
Theo đó, Thương vụ chủ động kêu gọi và tiếp nhận hàng mẫu, catalogue của doanh nghiệp Việt Nam gửi sang trưng bày trực tiếp tại các Triển lãm quốc tế lớn về nông sản-thực phẩm như FOODEX, Tuần hàng Việt Nam tại chuỗi siêu thị AEON trên toàn Nhật Bản..., cũng như trưng bày tại phòng mẫu của Thương vụ đặt trong khuôn viên Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản nhằm giới thiệu cho các đối tác mỗi khi tới làm việc.
Thông qua sự kết nối của Thương vụ, một số sản phẩm Việt Nam đã thâm nhập thành công vào chuỗi phân phối tại Nhật Bản, có thể kể đến các sản phẩm nước dừa, sữa dừa... mang nhãn hiệu VIETCOCO đã được công ty KOME nhập khẩu và phân phối cho chuỗi các cửa hàng bán đồ Việt tại Tokyo và các tỉnh lân cận, hay như sản phẩm cà phê Việt Nam đã được nhập khẩu và bán tại chuỗi siêu thị OK - chuỗi siêu thị bình dân rất được ưa chuộng tại Tokyo.
Thị trường Nhật rất ưa thích các loại trái cây như: xoài, bưởi, chuối, nhãn, thanh long, rau, củ, quả…, tôm, cá các loại của Việt Nam. Thêm vào đó, hàng triệu người từ các nước trong khu vực châu Á đang sống và làm việc ở Nhật có nhu cầu sử dụng hàng nông sản, hải sản quen thuộc đến từ vùng khí hậu nhiệt đới.
An toàn đặt trên giá cả
Theo các chuyên gia thị trường, việc mặt hàng nông sản của Việt Nam lên được kệ hàng của người tiêu dùng Nhật Bản đồng nghĩa với việc mang lại cho các thương hiệu Việt một cơ hội lớn tại thị trường hơn một trăm triệu dân với sức mua, sức tiêu thụ cao hàng đầu thế giới. Và hơn thế nữa, nông sản Việt Nam sau khi vào được thị trường Nhật Bản sẽ mang đến cho chúng ta một tâm thế tự tin khi uy tín được khẳng định và cơ hội sẽ mở ra cho những thị trường rộng lớn hơn nữa.
Ngoài một số nông sản như: gạo, thịt bò, heo, gà thì rất ít hàng hóa Việt bị “đụng hàng” với nông sản Nhật Bản. Chẳng hạn, người Nhật có nông sản ôn đới, hải sản nước lạnh thì Việt Nam có nông sản nhiệt đới, hải sản biển ấm, thủy sản nước ngọt. Hai bên có thể bổ sung cho nhau, tạo sự cân bằng trong quan hệ thương mại.
Ông Makoto Nakamura – chuyên gia tư vấn thương mại quốc tế thuộc Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản cho biết, thị trường thực phẩm bán lẻ như siêu thị, cửa hàng tiện lợi của Nhật Bản có quy mô khoảng 409 tỷ USD. Ngoài ra, thị trường này còn phục vụ thức ăn cho các khách sạn, nhà hàng khoảng 227 tỷ USD.
Nhật Bản là một trong những quốc gia đứng trong tốp đầu thế giới về nhập khẩu thực phẩm; trong đó chủ yếu là cá và sản phẩm chế biến từ cá, tôm, lươn nướng, rau, củ, quả từ các thị trường như Mỹ, Brazil, Trung Quốc, Việt Nam…
Mặt khác, trong xu hướng tiêu dùng mặt hàng thực phẩm, người dân Nhật Bản quan tâm nhất tới vấn đề an toàn cho sức khỏe, sau đó mới đến giá cả, tính tiện lợi và thực phẩm cao cấp là ưu tiên cuối cùng.
Vì thế, quy trình nhập khẩu nông sản, thực phẩm vào Nhật Bản đều phải qua các bước kiểm dịch động, thực vật trước khi được thông quan.
Tiếp đến kiểm tra sản phẩm có phù hợp với Luật Vệ sinh môi trường, sau đó hàng hóa mới được đưa vào khu vực ngoại quan làm thủ tục liên quan đến hải quan và nhận được giấy phép nhập khẩu.
“Doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý đáp ứng các quy định trong Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật Bản; trong đó, đặc biệt là hệ thống các chất phụ gia nhân tạo, có một số chất có thể được chấp nhận ở nước ngoài, nhưng Nhật Bản không được chấp nhận”, ông Makoto Nakamura khuyến cáo.
Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cũng khuyến cáo, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý một số đặc điểm đặc thù của thị trường để việc xuất khẩu và bán hàng có hiệu quả và mang tính bền vững. Cần tận dụng hiệu quả các ưu đãi về thuế quan từ các Hiệp định thương mại tự do (VJEPA, AJCEP, CPTPP, RCEP...). Người tiêu dùng Nhật Bản có sự nhạy cảm cao với sự thay đổi liên tục giá bán của một sản phẩm nào đó, do vậy các nhà nhập khẩu Nhật Bản luôn đề cao sự ổn định của giá cả và lượng cung ứng từ phía đối tác Việt Nam.
Các sản phẩm hàng Việt trước tiên cần luôn đảm bảo chất lượng tốt để đáp ứng các quy định khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật Bản; đồng thời cũng cần có sự đa dạng về khẩu vị cho phù hợp với người Nhật, sự cải tiến trong thiết kế mẫu mã bao bì cho bắt mắt và thu hút người tiêu dùng (ví dụ như có nhãn mác ghi bằng tiếng Nhật giới thiệu chi tiết thông tin sản phẩm để tạo niềm tin của người mua hàng). Bên cạnh đó công tác tuyên truyền giới thiệu về thương hiệu, sản phẩm cũng cần được chú trọng nhiều hơn nữa.