NSƯT Hoàng Anh say mê quảng bá sáo trúc
Nếu kể tên gương mặt 8X có đóng góp nổi bật trong việc quảng bá, lan tỏa tiếng sáo trúc thì phải nhắc đến NSƯT Hoàng Anh.
Nếu kể tên gương mặt 8X có đóng góp nổi bật trong việc quảng bá, lan tỏa tiếng sáo trúc thì phải nhắc đến NSƯT Hoàng Anh (giảng viên sáo trúc, Khoa Âm nhạc truyền thống, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam).
Không những hoàn thành công việc giảng dạy, anh còn năng động, tâm huyết với việc dạy sáo trúc online trên các nền tảng mạng xã hội một cách hiệu quả.
Dạy sáo trúc qua mạng
Vào học tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) từ khi 6 tuổi đến nay, NSƯT Hoàng Anh đã có 34 năm gắn bó với ngôi trường này.
Thời sinh viên, anh nổi lên như một “ngôi sao” trong làng sáo trúc khi liên tiếp giành được những giải thưởng quan trọng, như: Tài năng trẻ (do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh công nhận năm 1993), giải Nhì tại Cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ truyền thống lần thứ nhất năm 1998, giải Nhất tại Cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ truyền thống lần thứ hai năm 2003, Huy chương Vàng tại Liên hoan Âm nhạc thế giới tại Bình Nhưỡng (Triều Tiên) năm 2005...
Những thành tích ấy là hành trang quan trọng để anh tự tin dấn thân theo đuổi sáo trúc. Năm 2019, anh là một trong những nghệ sĩ trẻ nhất được phong danh hiệu NSƯT (khi mới 36 tuổi).
Tài năng của NSƯT Hoàng Anh đã được khẳng định qua các cuộc thi, qua việc giảng dạy những lứa học sinh chuyên nghiệp xuất sắc và nhất là khơi dậy phong trào sáo trúc không chuyên trên toàn quốc. Hiện nay, anh đang sở hữu kênh dạy sáo trúc với hàng nghìn người đăng ký theo học.
Với quan niệm giảng dạy trong trường thì chỉ có thể lan tỏa tình yêu sáo trúc cho một số ít người, hơn nữa không phải ai cũng có điều kiện học bài bản, chính vì thế trong suốt những năm qua, NSƯT Hoàng Anh đã xây dựng trang web, kênh YouTube để phổ biến kiến thức đến nhiều người.
“Dạy online có nhiều lợi thế, đặc biệt là những người ở xa, có công việc bận rộn chỉ học khi rảnh rỗi vào bất cứ khi nào. Các bạn học trực tiếp luôn muốn học chuyên sâu, chuyên nghiệp còn các bạn học online thì thường học kiểu cơ bản và nâng cao một chút.
Thời gian qua cũng có nhiều em học online sau đã thi đỗ vào Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Vì vậy, vấn đề đặt ra là học sáo trúc cần có năng khiếu và quyết tâm khổ luyện, còn học online hay offline không phải là yếu tố quyết định”, NSƯT Hoàng Anh chia sẻ.
Cũng theo NSƯT Hoàng Anh, trong học online thì thời gian học và cách thức học linh hoạt hơn so với học trực tiếp, điều đó đòi hỏi giáo trình phải khác biệt.
“Khi dạy online tôi cố gắng xây dựng giáo trình ngắn gọn, có hình ảnh minh họa cụ thể, chi tiết. Nếu vào trang hocthoisao.com của tôi, các bạn sẽ thấy chương trình học rất logic để từ một người chưa có kiến thức về sáo trúc có thể lĩnh hội và trở thành những người học sáo chuyên nghiệp.
Tất nhiên, tôi cũng xây dựng nhiều chương trình gắn với mục đích học của mỗi người, bởi người học chỉ để giải trí sẽ khác với những người học để tiến tới chuyên nghiệp.
Nói thật là khi tôi mở kênh học sáo trúc qua mạng, nhiều người còn nghi ngại về phương pháp này. Thế nhưng trong suốt những năm qua, học sinh của tôi đã trưởng thành, hệ thống học online ngày càng mở rộng là câu trả lời xác đáng nhất cho việc dạy học này”, NSƯT Hoàng Anh nhấn mạnh.
Người thầy tâm huyết, trách nhiệm
NSƯT Hoàng Anh luôn tất bật chăm chút cho mỗi bài học truyền dạy đến học trò - từ trực tiếp trên giảng đường đến online. Bởi vậy, mỗi khi năm học kết thúc, anh lại chộn rộn trong biết bao cảm xúc trân quý của sinh viên.
Lê Quỳnh Trang, sinh viên vừa tốt nghiệp chuyên ngành sáo trúc của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam viết thư tay gửi: “Con cảm ơn thầy đã luôn bao dung những lúc con lười học, luôn động viên con mỗi lúc con làm tốt. Thầy không hay thể hiện cảm xúc ra ngoài nhưng con cảm nhận được sự quan tâm của thầy dành cho con.
Là người tiếp thu kiến thức chậm nhưng con sẽ cố gắng làm được hết những gì thầy cố gắng chia sẻ với con trong suốt quá trình học tập tại trường. Con cảm ơn thầy vì khoảng thời gian con được làm học sinh của thầy”.
Là lứa sinh viên từng được thầy Hoàng Anh dìu dắt, nghệ sĩ Phạm Ánh Linh (Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam) chia sẻ: “Lúc nhập học sáo trúc tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, tôi đã 19 tuổi, trình độ còn khá kém và chậm so với các bạn nhưng nhờ thầy Hoàng Anh hướng dẫn chi tiết từng nốt nhạc, từng loại tiết tấu trong từng tác phẩm từ dễ đến khó, tôi đã nhanh chóng theo kịp các bạn.
Ngoài việc chỉ dẫn về xử lý bài vở, thầy còn giúp học viên phát triển phong cách biểu diễn cũng như tạo điều kiện ai cũng có cơ hội đứng trên sân khấu, ngồi dàn nhạc. Mặc dù đã tốt nghiệp nhưng hiện nay có vấn đề gì khó khăn trong công việc như bài vở khó, thầy vẫn hướng dẫn nhiệt tình.
Nếu không có thầy quan tâm, dìu dắt có lẽ tôi khó lòng đạt thành tích Huy chương Bạc tại Hội thi Tài năng trẻ học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật toàn quốc năm 2017 và tốt nghiệp thủ khoa Khoa Âm nhạc truyền thống Học viện Âm nhạc quốc gia năm 2022”.
Cũng là học trò “cưng” của thầy Hoàng Anh, Lê Thanh Xuân (sinh viên năm thứ 3 chuyên ngành sáo trúc) đã giành được nhiều giải thưởng, như: Giải Ba tại Liên hoan Thanh thiếu nhi hát dân ca và biểu diễn nhạc cụ dân tộc thành phố Hà Nội năm 2013, giải Nhất Hội thi Tài năng học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật toàn quốc 2017, giải Nhì tại Cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2020…
Chia sẻ về người thầy của mình, Lê Thanh Xuân cho biết: “Trong thời gian ôn thi vào trường, em chưa thực sự yêu thích cây sáo trúc và đôi khi có phần bị ép học. Đến khi có một thầy bảo bố em đi mua CD của thầy Hoàng Anh về cho nghe từ đó em mới thực sự yêu thích và đam mê sáo trúc.
Theo quy định, một tiết chỉ 45 phút tuy nhiên buổi nào lên lớp thầy cũng dạy đến hơn một tiếng. Thầy dạy các kỹ thuật rất khó, tuy em chưa làm được nhưng thầy vẫn rất kiên nhẫn”.
NSƯT Hoàng Anh thì khiêm tốn cho rằng, bản thân anh chỉ gợi mở, truyền lửa để các em cố gắng phấn đấu còn thành tích là “quả ngọt” hoàn toàn xứng đáng từ sự nỗ lực của các em. “Dạy sáo trúc nói riêng và âm nhạc nói chung là quá trình trải qua rất nhiều năm nên thầy trò có sự gắn kết.
Nhiều khi các em còn gặp thầy nhiều hơn gặp cha mẹ của mình. Bởi vậy, tôi luôn nghiêm khắc trong giảng dạy nhưng trong giờ giải lao phải thường xuyên trò chuyện để nắm bắt được tâm tư, tình cảm của các em.
Tôi được biết có những sinh viên sáo trúc ở các tỉnh xa về Hà Nội trọ học, điều kiện gia đình hết sức khó khăn vì vậy càng cần sự gần gũi, sẻ chia để các em cảm thấy được ngành học này tương lai rất xán lạn nếu các em thực sự tâm huyết và quyết tâm”, NSƯT Hoàng Anh nói.
Nuôi dưỡng tình yêu sáo trúc
NSƯT Hoàng Anh cho biết, trong gia đình anh có đến 4 người đang giảng dạy âm nhạc truyền thống tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Và đặc biệt hơn là người hối thúc, tạo điều kiện, truyền cảm hứng cho 4 thành viên âm nhạc truyền thống là cha của anh.
Mặc dù từng là cán bộ của Bộ Khoa học và Công nghệ nhưng ông lại rất yêu âm nhạc dân tộc. Sinh ra ở Quảng Bình, sau ra Hà Nội học tập, công tác, cha anh luôn coi nhạc cụ dân tộc là phương tiện chuyển tải nỗi nhớ quê hương. Âm nhạc dân tộc đã ngấm vào máu cha để rồi tình yêu đó lan truyền sang người con thân yêu. Đó chính là lợi thế của NSƯT Hoàng Anh khi đến với sáo trúc.
Có lẽ nhắc đến những thành công của NSƯT Hoàng Anh sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến người vợ thân yêu của anh – nghệ sĩ Nguyễn Thị Tuyết Nhung (hiện là nghệ sĩ đàn tam thập lục và đàn T’rưng tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam).
Anh bảo: “Cuộc sống gia đình tôi luôn tràn ngập tiếng cười. Có vợ làm cùng ngành khiến chúng tôi dễ sẻ chia, đồng cảm cùng nhau hơn. Chúng tôi có thể sẵn sàng thay nhau chăm sóc con, dọn dẹp việc nhà mỗi khi người kia phải đi dạy, đi diễn. Những lúc ở nhà, chúng tôi cũng có thể trao đổi chuyên môn âm nhạc để cùng giúp nhau nâng cao tay nghề”, NSƯT Hoàng Anh bộc bạch.
Trong suốt những năm qua, NSƯT Hoàng Anh đã đi biểu diễn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Với tiếng sáo trúc du dương, êm ái, mang hồn cốt dân tộc, anh thuyết phục được những khán giả khó tính nhất.
Những chuyến lưu diễn đã giúp anh nhận ra rằng, sáo trúc nói riêng và âm nhạc dân tộc nói chung luôn có một chỗ đứng vững chắc trong lòng người yêu nhạc, vấn đề là người nghệ sĩ có tìm cách quảng bá, có sáng tạo, tâm huyết hay không?
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nsut-hoang-anh-say-me-quang-ba-sao-truc-post664105.html