'Nữ biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định' xứng danh 16 chữ vàng

Sáng 26-1, tại TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ TP Hồ Chí Minh tổ chức cuộc gặp gỡ 'Nữ biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong Mậu Thân 1968' và khai mạc trưng bày 'Phụ nữ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và Nam Bộ trong Mậu Thân 1968'.

Lãnh đạo các ban, ngành tặng hoa cho các đại biểu là nữ biệt động Sài Gòn, nhân chứng sống trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Lãnh đạo các ban, ngành tặng hoa cho các đại biểu là nữ biệt động Sài Gòn, nhân chứng sống trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 kéo dài gần năm tháng, gồm hai đợt: đợt 1 từ ngày 31-1-1968 đến 28-2-1968 và đợt 2 từ ngày 5-5-1968 đến ngày 18-6-1968. Trong đợt 1, ngay đêm giao thừa và đêm mùng một Tết Mậu Thân (30 và 31-1-1968), quân và dân miền nam đồng loạt tiến công và nổi dậy trên toàn miền, đánh vào hầu hết các cơ quan đầu não trung ương, địa phương của Mỹ, Ngụy, gồm: bốn Bộ tư lệnh quân khu - quân đoàn, tám Bộ tư lệnh sư Đoàn, Tòa Đại sứ Mỹ, Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu Ngụy ở Sài Gòn…

Hòa cùng khí thế chung của nhân dân, phụ nữ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và Nam bộ đã biểu dương lực lượng với tinh thần mưu trí, sáng tạo, lòng dũng cảm của những người phụ nữ luôn gắn bó máu xương với cách mạng.

Giao lưu với các Nữ biệt động Sài Gòn năm xưa.

Giao lưu với các Nữ biệt động Sài Gòn năm xưa.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã biểu dương tinh thần đấu tranh anh dũng của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và Nam Bộ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, trong đó có sự hy sinh, đóng góp to lớn của phụ nữ, đặc biệt là lực lượng nữ biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định với tên gọi là “Biệt động thành”. Lực lượng nữ biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định với tinh hoa và đặc thù chiến đấu trong lòng địch đã góp phần làm nên 16 chữ vàng do Mặt trận Dân tộc Giải Phóng miền nam Việt Nam trao tặng: “Đoàn kết một lòng - Mưu trí vô song - Dũng cảm tuyệt vời - Trung kiên bất khuất”.

Tại buổi giao lưu, các đại biểu đã gặp gỡ, giao lưu, và được nghe những nữ biệt động năm xưa ôn lại những ngày lịch sử oanh liệt trong Mậu Thân 1968. Những nữ biệt động Sài Gòn dù đảm nhận nhiệm vụ gì từ công tác vận chuyển, xây dựng, cất giấu những hầm vũ khí trong nội đô; trong công tác giao liên, tình báo; thực hiện những trận đánh khiến quân thù bàng hoàng, khiếp sợ... vẫn thể hiện tinh thần mưu trí, sáng tạo, lòng dũng cảm, đức hy sinh phi thường.

Đây là dịp để thế hệ mai sau mãi ghi nhớ công lao của các Anh hùng liệt sĩ, của những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, những chiến sĩ biệt động, đặc công, bộ đội chủ lực, địa phương và du kích, của hàng vạn đồng bào yêu nước đã tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, góp phần vào thắng lợi ngày 30-4-1975 giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.

Tin, ảnh: MẠNH HẢO

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/35390702-%E2%80%9Cn%C5%A9-bi%E1%BA%B9t-d%E1%BB%8Dng-s%C3%A0i-g%C3%B2n-ch%E1%BB%8D-l%C3%B3n-gia-d%E1%BB%8Bnh%E2%80%9D-xung-danh-16-chu-vang.html