Nuôi trồng thủy sản: Nhiều nỗi lo trong mùa mưa bão
Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản chịu tác động không nhỏ bởi thời tiết, nhất là trong mùa mưa bão. Để giảm thiểu thiệt hại, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đã chủ động gia cố bờ hồ, lồng bè, hệ thống dây neo, hệ thống thoát nước, bảo đảm an toàn cho các khu nuôi trồng thủy sản.
Tận dụng mặt nước ở đầm nước mặn Sa Huỳnh, hơn chục năm qua, ông Cao Nhanh, ở tổ dân phố Thạch By 2, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) đã đầu tư nuôi 20 nghìn con cá mú, 10 nghìn con cá bớp và nhiều lồng bè nuôi hàu Thái Bình Dương. Nghề nuôi thủy sản trên đầm nước mặn đã đem lại thu nhập cho gia đình ông Nhanh hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, việc nuôi cá trong lồng cũng có nhiều rủi ro, nhất là trong mùa mưa bão, vì nguy cơ vỡ lồng, rách lưới khi phải thường xuyên di chuyển tránh bão lũ, nguồn nước ô nhiễm...
Ông Nhanh cho biết, để bảo vệ lồng bè nuôi thủy sản trong mùa mưa bão, gia đình tôi chủ động gia cố lại các lồng nuôi, công trình phụ trợ có khả năng chịu ảnh hưởng của gió bão, mưa lũ. Nếu dự báo thời tiết có bão lớn, chúng tôi khẩn trương thu hoạch thủy sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm, di dời lồng, bè nuôi đến nơi tránh trú an toàn. Đồng thời, đầu tư mua thêm thùng phao nổi, gia cố lại trụ cột, thay mới những tấm lưới cũ, rách. Đặc biệt, trong mùa mưa bão, thời tiết thay đổi, nên phải tăng sức đề kháng cho cá; thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, bảo đảm môi trường sống tốt cho cá, tránh dịch bệnh.
Nuôi tôm vụ đông năm 2021, gia đình ông Võ Trung, thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn) bị thiệt hại hơn 50 triệu đồng do nước lũ dâng cao, cuốn trôi 40 vạn con tôm giống. Rút kinh nghiệm trong vụ nuôi tôm trước, năm nay, vợ chồng ông Trung quyết định bỏ ra hơn 200 triệu đồng để mua cát về đắp quanh bờ hồ tôm rộng hơn 800m2 của gia đình.
"Vùng nuôi tôm của gia đình nằm ở dọc sông Trà Bồng nên đến mùa mưa lũ, nước dâng cao tràn vào hồ sẽ cuốn trôi tôm. Để chủ động bảo vệ hồ tôm của mình, trước khi mùa mưa đến tôi tranh thủ mua cát về thuê người dồn vào bao rồi đắp chặt quanh bờ hồ cao hơn 1m so với trước. Bây giờ có lụt thì tôi cũng yên tâm hơn, vì bờ hồ đã được nâng cao, nước ngoài sông sẽ không tràn vào hồ nữa", ông Trung chia sẻ.
Những năm gần đây, mô hình nuôi ốc hương kết hợp với cá dìa, cá măng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ở vùng ven biển Mộ Đức, TX.Đức Phổ nên diện tích nuôi tôm giảm dần. Mùa này, hầu hết các hộ nuôi tôm đều đã thu hoạch, đa số các hộ nuôi đang tập trung chăm sóc ốc hương. Đây cũng là loại vật nuôi có chi phí đầu tư khá lớn, thời gian nuôi dài nên ngay từ đầu mùa mưa, các hộ nuôi ốc hương đã chủ động gia cố lại bờ hồ để tránh tình trạng sóng lớn và thủy triều dâng cao gây sạt lở, đồng thời khơi thông hệ thống tiêu nước, chống ngập.
Để tránh thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản vụ đông, Chi cục Thủy sản tỉnh (Sở NN&PTNT) khuyến cáo người dân nên bán sớm tôm, cá thương phẩm; tăng cường máy sục khí ô xy cho các lồng nuôi cá giống. Người nuôi tôm cần kiểm tra hoạt động của tôm nuôi và môi trường nước trước và sau mưa để có biện pháp xử lý kịp thời. Chuẩn bị máy phát điện, máy sục khí đề phòng khi bị mất điện. Ngoài gia cố hồ nuôi, người nuôi thủy sản cần thực hiện các biện pháp phòng và trị bệnh trong mùa mưa lũ như bổ sung vitamin C vào thức ăn cho cá, tôm để tăng cường sức đề kháng, thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ, thông thoáng để thoát nước. Hạn chế cho ăn khi có mưa bão để hạn chế ô nhiễm môi trường, tránh lãng phí.
Bài, ảnh: HỒNG HOA