OCOP - Hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại - Bài 1: Hiệu quả từ Chương trình OCOP

Sau thời gian triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Long An đạt những kết quả tích cực. Nhiều sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ phát triển mạnh, khẳng định được thương hiệu, uy tín và tiêu thụ tốt trên thị trường. Tuy nhiên, Chương trình OCOP vẫn còn khó khăn, vướng mắc, rất cần sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành nhằm đưa ra các giải pháp căn cơ, hiệu quả.

Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Đế Gò Đen - Đặng Thanh Hùng (bên phải) khẳng định, các sản phẩm đạt chuẩn OCOP giúp công ty tăng trưởng 20%/năm

Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Đế Gò Đen - Đặng Thanh Hùng (bên phải) khẳng định, các sản phẩm đạt chuẩn OCOP giúp công ty tăng trưởng 20%/năm

OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ quan trọng trong triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Xác định được vấn đề này, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho Chương trình OCOP phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng. Qua đó, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường khó tính và thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh của nhiều người.

Nâng tầm sản phẩm

Cuối tháng 8/2022, Công ty (Cty) TNHH Mắm Bà Thạo (xã Tân Lân, huyện Cần Đước) đón nhận niềm vui khi 7 sản phẩm: Mắm ruốc, mắm cá sặt, mắm cá linh, mắm đu đủ, mắm dưa gang, mắm dưa leo, mắm cà pháo được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao. Anh Trần Chấn Thiên (đại diện Cty TNHH Mắm Bà Thạo) chia sẻ: “Hiện nay, các sản phẩm mắm của Cty có mặt khắp các chợ truyền thống. Định hướng của Cty là đưa sản phẩm vào hệ thống các siêu thị, nhất là xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc. Do đó, các sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao là điều kiện thuận lợi giúp Cty thực hiện tốt chiến lược kinh doanh đã đề ra”.

Sản phẩm OCOP được phân thành 5 hạng từ 1 đến 5 sao, tùy theo số điểm sản phẩm đạt khi đánh giá theo bộ tiêu chí. Muốn thăng hạng sản phẩm, chủ thể phải đầu tư về nhiều mặt như phát triển sản phẩm, xây dựng câu chuyện sản phẩm, tính độc đáo của sản phẩm,... Giám đốc Cty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Đế Gò Đen - Đặng Thanh Hùng cho biết: “Hiện Cty có 5 sản phẩm xếp hạng OCOP 4 sao. Nhằm khẳng định thương hiệu; đồng thời, tránh tình trạng hàng gian, hàng giả, Cty rất chú trọng đến bao bì, nhãn mác. Cty thiết kế riêng về nắp chai và bao bì, người tiêu dùng chỉ cần cầm sản phẩm lên là có thể nhận dạng được do Cty sản xuất. Đặc biệt, Cty còn chú trọng đăng ký mã vạch để khách hàng dễ dàng kiểm tra được ngày sản xuất, hạn sử dụng, nguyên liệu, các chứng chỉ về chất lượng mà sản phẩm đạt được. Đây cũng là một trong những tiêu chí bắt buộc khi tham gia Chương trình OCOP. Tiêu chí này cũng giúp Cty khẳng định được thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, tránh tình trạng hàng gian, hàng giả làm ảnh hưởng đến uy tín của Cty. Các sản phẩm của Cty đã có mặt tại nhiều hệ thống đại lý phân phối, chuỗi cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh, bình quân tăng trưởng của Cty 20%/năm”.

Tạo sức lan tỏa

Dù là địa phương khởi điểm thực hiện Chương trình OCOP sau các tỉnh, thành Vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhưng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đến nay, Long An có 43 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó, có 26 sản phẩm đạt 4 sao, 17 sản phẩm đạt 3 sao. Điều quan trọng, các chủ thể đã nhận thức được tầm quan trọng của Chương trình OCOP đối với sự phát triển của Cty, xí nghiệp.

Ông Lê Thanh Nhàn (trại nấm Thanh Nhàn, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) cho biết: “Hiểu được lợi ích, ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình OCOP, tôi chủ động làm hồ sơ, thủ tục để 2 sản phẩm: Nấm linh chi và đông trùng hạ thảo được công nhận đạt chuẩn OCOP. Để các sản phẩm đạt chuẩn OCOP, cơ sở của tôi không ngừng thay đổi phương thức, tư duy sản xuất và kinh doanh. Cụ thể, tôi chú trọng về mẫu mã, nhãn mác, chất lượng sản phẩm; chủ động kết nối, tiêu thụ sản phẩm, đưa lên các sàn thương mại điện tử hay vào các siêu thị thay vì bán theo các kênh truyền thống như trước đây”.

Hiện huyện Cần Đước có 10 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó, có 7 sản phẩm đạt 4 sao, 3 sản phẩm đạt 3 sao; đồng thời, có 22 chủ thể đăng ký thực hiện Chương trình OCOP. Những con số trên khẳng định, huyện Cần Đước là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện Chương trình OCOP và tạo được sự lan tỏa lớn trong cộng đồng. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương khẳng định: “Muốn các chủ thể mạnh dạn tham gia Chương trình OCOP, ngành Nông nghiệp huyện thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích, hiệu quả của chương trình, nhất là chủ động, nhiệt tình giúp các chủ thể làm hồ sơ, thủ tục. Đương nhiên khi triển khai một chương trình mới sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng khó khăn đến đâu thì Phòng tham mưu lãnh đạo huyện tìm cách tháo gỡ, giải quyết đến đó”.

Các sản phẩm mắm đạt chuẩn OCOP của Công ty TNHH Mắm Bà Thạo, xã Tân Lân, huyện Cần Đước

Các sản phẩm mắm đạt chuẩn OCOP của Công ty TNHH Mắm Bà Thạo, xã Tân Lân, huyện Cần Đước

OCOP từ chỗ là một cái tên xa lạ đối với người sản xuất, người tiêu dùng, đến nay đã trở nên quen thuộc. Đặc biệt, nhiều sản phẩm thực phẩm chế biến đã trở thành mặt hàng tin dùng, không thể thiếu của các bà nội trợ mỗi khi mua sắm. Chị Đỗ Thị Thắm (phường 4, TP.Tân An) bộc bạch: “Lâu nay, mỗi khi mua sắm các mặt hàng thực phẩm chế biến, tôi thường lựa sản phẩm OCOP tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch. Các sản phẩm này bảo đảm an toàn thực phẩm, nhãn mác cũng rất đẹp, ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ nên tôi an tâm sử dụng”.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền thông tin: Thời gian qua, nhờ sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, các ngành và địa phương nên Chương trình OCOP dần lan tỏa trên khắp địa bàn tỉnh. Theo đó, các địa phương quan tâm, khai thác các nguồn tài nguyên bản địa, hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm tiềm năng đạt OCOP chuẩn hóa sản phẩm nên bước đầu hình thành được các sản phẩm đặc trưng gắn với từng địa phương như lạp xưởng Cô Châu ở huyện Cần Đước, rượu đế Gò Đen ở huyện Bến Lức,...

Bên cạnh đó, thực tế cũng đã chứng minh, Chương trình OCOP giúp nâng tầm nông sản và quan trọng hơn là thay đổi tư duy sản xuất của nông dân từ kiểu truyền thống, manh mún, thô sơ sang hướng chuyên sâu, giúp hình thành các vùng sản xuất nông sản sạch, ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị. Từ đó, tạo động lực để các địa phương đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại nông thôn, nâng cao giá trị sản xuất.

Ngoài ra, khi được chứng nhận đạt chuẩn OCOP, uy tín và thương hiệu của các sản phẩm cũng được nâng cao, góp phần giúp các sản phẩm có cơ hội được tiếp cận và phân phối ngày càng nhiều ở các thị trường trong và ngoài nước./.

(Còn tiếp)

Bài 2: Chương trình OCOP - Cơ hội "vàng" cho sản phẩm phát triển

Lê Ngọc - Bùi Tùng

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/ocop-huong-di-tat-yeu-cua-nen-nong-nghiep-hien-dai-bai-1-hieu-qua-tu-chuong-trinh-ocop-a144220.html