'Phải luôn thay đổi để bắt kịp nhu cầu, thị hiếu đọc của các em'
Từ nhiều năm nay Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng đã là 'bà đỡ mát tay' cho nhiều sáng tác viết cho thiếu nhi, từ đó tìm kiếm và phát hiện nhiều tác giả - tác phẩm hay phục vụ độc giả. Hànôịmới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với bà Vũ Thị Quỳnh Liên - Phó Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Kim Đồng về những chuyển biến trong sáng tác văn học thiếu nhi hiện nay.
- Không thể phủ nhận sức hút của tác phẩm văn học nước ngoài với độc giả trẻ. Nhiều tựa sách văn học thiếu nhi thế giới được chuyển thể thành phim, tạo nên những làn sóng hâm mộ trong giới trẻ, điều đó cũng góp phần khiến cho chúng ta cảm thấy văn học thiếu nhi nước ngoài “lấn át” sách nội bởi sức lan tỏa của nó trong cộng đồng. Tuy nhiên, cùng với việc cập nhật những tác phẩm văn học thiếu nhi thế giới đương đại, làm mới các tác phẩm văn học kinh điển để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, NXB Kim Đồng cũng luôn tìm kiếm, thúc đẩy, khuyến khích các sáng tác trong nước.
Thực tế, trong suốt những năm qua, NXB Kim Đồng luôn nỗ lực thúc đẩy mảng sáng tác trong nước bằng nhiều hình thức khác nhau: Tổ chức các cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi để lựa chọn, tìm kiếm các tác phẩm hay cùng với việc phát hiện, bồi dưỡng các cây viết mới tiềm năng; phối hợp với các Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh, thành phố để tìm kiếm các cây viết lão luyện đặt hàng tác phẩm mới cho thiếu nhi...
Những cuộc vận động sáng tác được NXB Kim Đồng thực hiện trong thời gian qua đã góp phần không nhỏ thúc đẩy các nhà văn, họa sĩ trong nước sáng tác cho thiếu nhi. Đặc biệt, trong Dự án Hỗ trợ Văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch do NXB Kim Đồng phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch và Hội Nhà văn Đan Mạch tổ chức từ năm 2006 đến năm 2015, song song với việc tổ chức thường niên các cuộc vận động sáng tác, dự án còn tổ chức nhiều cuộc hội thảo, trao đổi kinh nghiệm sáng tác giữa nhà văn và họa sĩ của hai nước. Thành quả của dự án là 8 cuộc vận động sáng tác, với trên 400 tác phẩm tham gia, hơn 100 tác phẩm được giải thưởng, hơn 80 cuốn sách được in trong khuôn khổ dự án, và trên 30 cây bút được đào tạo kỹ năng mới.
- Qua các cuộc vận động ấy, nội dung đề tài của các sáng tác dành cho thiếu nhi có sự thay đổi, chuyển biến gì so với những giai đoạn trước, thưa bà?
- Có thể thấy, trong thời gian gần đây, những tác phẩm văn học phiêu lưu, kỳ ảo được bạn đọc thiếu nhi rất yêu thích bởi nó mở rộng biên độ của trí tưởng tượng và cảm xúc. Bắt nhịp xu thế đó, các tác giả trong nước, đặc biệt là các tác giả trẻ, với sự sáng tạo, dồi dào ý tưởng và mong muốn được bứt phá, đã cho ra đời nhiều tác phẩm văn học kỳ ảo hấp dẫn.
Tiêu biểu và tiên phong trong thể loại này có thể nhắc đến Phan Hồn Nhiên với bộ truyện fantasy (kỳ ảo) “Những đôi mắt lạnh”, “Chuỗi hạt Azoth”, “Xuyên thấm”; bộ tiểu thuyết sci-fi “Máu hiếm”, “Luật chơi”, “Hiện thân”. Và gần đây, có thể kể đến “Những người bạn của Kathy” của Thu Hà, “Những hốc nhà bí hiểm” của Hàn Băng Vũ, “Nhóc tì nhà rối rắm” của Nguyễn Thị Kim Ngân, hay “Trẻ thượng nguồn”, “Chiếc gương của bầu trời” của Bùi Cẩm Linh, “Cầu vồng diên vĩ” của Phạm Hải Đăng...
Dự án Hỗ trợ Văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch cũng là “bà đỡ” cho những sáng tác văn học kỳ ảo với 4 cuộc vận động sáng tác đều đưa ra yêu cầu tác phẩm phải viết theo phong cách giả tưởng. Thành quả là một loạt tác phẩm rất thú vị ra đời như “Thầy lang hai mặt”, “Muỗi hút mỡ”, “Seo may”, “Lọ thuốc thời gian”, “Vương quốc tàn lụi”, “Vỏ ốc diệu kỳ”, “Tiếng hót con chim đen”... của các tác giả chuyên nghiệp như Nguyễn Thị Bích Nga, Trần Đức Tiến, Trương Tiếp Trương, Thu Trân, và cả những tác giả mới được phát hiện như Vũ Hương Nam, Lục Mạnh Cường, Trương Huỳnh Như Trân, Ngọc Linh...
- Sự thay đổi, chuyển biến này, theo bà, đã bắt kịp thị hiếu của độc giả nhỏ tuổi ngày nay hay chưa, khi mà các em đang tiếp cận ngày càng nhanh với sự đa dạng về hình thức, phong phú về đề tài, nội dung của sách thiếu nhi nước ngoài?
- Độc giả mỗi thời kỳ lại có những yêu cầu và đòi hỏi khác nhau, buộc những người làm sách phải luôn thay đổi để bắt kịp nhu cầu, thị hiếu đọc của các em. Trong thời đại thông tin như hiện nay, thật khó để có thể để một cuốn sách “hữu xạ tự nhiên hương”, chúng tôi luôn nỗ lực tiếp cận độc giả bằng nhiều cách.
Song song với việc tìm kiếm sách hay, NXB Kim Đồng cũng luôn hướng tới tiêu chí sách đẹp. Những tác phẩm thú vị về nội dung, đẹp về hình thức luôn là tiêu chí mà NXB Kim Đồng hướng tới. Dòng sách artbook với “Nàng Lọ Lem”, “Những nàng công chúa bí ẩn” của Bích Khoa, tuyển thơ “5 Mùa” (nhiều tác giả), “Hành trình đầu tiên” của Huỳnh Kim Liên - Phùng Nguyên Quang, “Lĩnh Nam chích quái” - bản sách Tạ Huy Long minh họa, hay gần đây là “Truyện Kiều tự kể” của Cao Nguyệt Nguyên, “Hành trình Đông A” của Trần Tuyết Hàn, “Hà Nội ngàn năm ký ức” của Lê Chi và Cloud Pillow... nằm trong những tác phẩm đó.
Cùng với sự phát triển của công nghệ in ấn hiện đại, NXB Kim Đồng cũng hướng tới các dòng sách tương tác đa phương tiện (sách chuyển động scanimation, sách nói, sách song ngữ kèm phần đọc của người bản ngữ...) hấp dẫn độc giả.
- Theo bà, hiện sách thiếu nhi của chúng ta đang còn thiếu và yếu ở những mảng đề tài nào mà các em đang quan tâm?
- Nhu cầu đọc và mong muốn đọc của thiếu nhi chưa bao giờ phong phú và đa dạng như hiện nay. Không chỉ là các tác phẩm văn học mà các em còn tìm đọc những cuốn sách về tâm lý, kiến thức, kỹ năng, khoa học được chính các tác giả trong nước viết, với văn phong gần gũi, hình ảnh quen thuộc.
Tôi nghĩ đây là mảnh đất màu mỡ mà các tác giả trong nước có thể khai thác. Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục cộng tác cùng với các nhà khoa học viết sách cho thiếu nhi như Tiến sĩ Giáp Văn Dương với bộ “Trò chuyện khoa học 4.0” gồm 3 tựa: “Gọi tên hạt của Chúa - Nobel Vật lí năm 2013”, “Con mèo của Schrödinger và quả táo của Newton - Nobel Hóa học 2013”, “Pin Li - Ngựa thồ không dây - Nobel hóa học 2019”, gần đây là bộ sách của Tiến sĩ toán học Lê Anh Vinh “Cuộc phiêu lưu của Jenny ở vương quốc ham chơi”, bộ “Giải đố giải ngố cùng truyện ngụ ngôn toán học” (4 cuốn)...
Những vấn đề về hóa học, toán học tưởng như khô khan được diễn giải bằng hình thức những câu chuyện sẽ trở nên thú vị và hấp dẫn thiếu nhi.
- Trẻ em đa phần đều thích truyện tranh, bởi thế nhiều tác phẩm văn học, nhiều câu chuyện lịch sử, danh nhân đã được “tranh hóa” để phục vụ các em. Nhưng đây đó vẫn có những ý kiến cho rằng không nên cho trẻ em đọc truyện tranh để không ảnh hưởng đến văn phong, sức tưởng tượng. Còn ý kiến của bà ra sao?
- Truyện tranh có hẳn một lịch sử phát triển lâu đời trên thế giới. Các nước Pháp, Bỉ hay gần với chúng ta như Nhật Bản, Hàn Quốc... đã có hẳn nền công nghiệp truyện tranh. Có rất nhiều dòng truyện tranh như truyện tranh cho lứa tuổi nhi đồng, thiếu niên, truyện tranh cho tuổi trưởng thành; truyện tranh khoa học, truyện tranh giải trí, rất nhiều tác phẩm văn học kinh điển dày hàng trăm trang đã được chuyển thể thành truyện tranh.
Tôi cho rằng truyện tranh có ngôn ngữ khác, giống như một tác phẩm văn học, được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh hay lên sân khấu kịch vậy, mỗi loại hình nghệ thuật đều có ưu thế của nó trong việc thể hiện và truyền tải nội dung, cảm xúc.
- Trong thời gian tới, NXB Kim Đồng có dự án, kế hoạch gì để tiếp tục khuyến khích các tác giả viết cho thiếu nhi, thưa bà?
- Hiện nay, NXB Kim Đồng vẫn phối hợp chặt chẽ với Hội Nhà văn Việt Nam và các Hội Văn học nghệ thuật trong cả nước để tìm kiếm, phát hiện và đặt hàng các tác giả viết cho thiếu nhi. Trong thời gian tới, NXB sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc thi, các cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi để có thêm nhiều tác phẩm giá trị.
- Trân trọng cảm ơn bà!